Thông điệp của Tổng thống Mỹ Biden trong chuyến đến Đông Âu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 21/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tham vấn với các đồng minh ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Ba Lan, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine chuyển sang một giai đoạn mới dường như phức tạp hơn.
Thông điệp của Tổng thống Mỹ Biden trong chuyến đến Đông Âu ảnh 1

Ông Biden đáp tàu hoả đến thăm Ukraine

Sau khi có chuyến thăm không thông báo trước đến Kiev, ông Biden thăm Warsaw để tiếp tục chuyến công du mang sứ mệnh củng cố đoàn kết của phương Tây, khi cả Ukraine và Nga đều chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân. Cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến 2 đã khiến hàng vạn người thiệt mạng, phá huỷ hạ tầng của Ukraine và gây tổn thất lớn cho kinh tế toàn cầu.

“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là không nên có bất kỳ hoài nghi nào về sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine trong cuộc chiến”, ông Biden phát biểu khi đứng cạnh người đồng cấp Ukraine Volodymir Zelensky.

Ông Biden dự kiến có cuộc hội đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và có bài phát biểu trong khu vườn của lâu đài hoàng gia Warsaw trong ngày 21/2, với trọng tâm là đề cao cam kết của quốc gia Trung Âu này và các đồng minh khác đối với Ukraine trong năm qua. Ngày 22/2, ông Biden sẽ có cuộc họp với ông Duda và các lãnh đạo Bucharest Nine, nhóm của các thành viên nằm ở sườn phía Đông của liên minh quân sự NATO.

Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, với bài phát biểu tại Warsaw, ông Biden sẽ nhấn mạnh, khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt cách đây 1 năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phỏng đoán sai rằng “Ukraine sẽ thu mình lại và phương Tây sẽ bị chia rẽ”.

“Ông ấy đã nhìn thấy điều hoàn toàn trái ngược”, ông Sullivan khẳng định.

Nguy cơ kéo dài

Trong khi ông Biden tranh thủ chuyến đi chớp nhoáng đến châu Âu để thể hiện cam kết với Ukraine và các đồng minh, Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng không có triển vọng kết thúc cuộc chiến trong tương lai gần, và tình hình trên thực địa ngày càng phức tạp.

Ngày 20/2, chính quyền Mỹ tiết lộ tin tình báo gợi ý rằng Trung Quốc đang cân nhắc viện trợ sát thương cho Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng sẽ xảy ra “vấn đề nghiêm trọng” nếu Trung Quốc thực sự làm như vậy.

Hai ông Biden và Zelensky đã bàn về những năng lực mà Ukraine cần “để có thể thành công trên chiến trường” trong những tháng tiếp theo, ông Sullivan cho biết. Ông Zelensky gần đây liên tục thúc giục Mỹ và các đồng minh cung cấp máy bay chiến đấu và những tên lửa tầm xa như ATACMS, nhưng ông Biden đến nay vẫn chưa đồng ý. Ông Sullivan từ chối cho biết đã có tiến triển nào sau cuộc gặp vừa qua giữa hai nhà lãnh đạo trong vấn đề này hay chưa.

Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa biết khi nào sẽ kết thúc, mốc tròn 1 năm là thời điểm quan trọng để ông Biden củng cố đoàn kết của châu Âu. Nhà Trắng hy vọng chuyến thăm của tổng thống đến Kiev và Warsaw sẽ củng cố quyết tâm của Mỹ và các đồng minh.

“Đó sẽ là một cuộc chiến tranh dài. Nếu chúng ta không có sự lãnh đạo chính trị và nếu chúng ta không giải thích với dư luận lý do vì sao cuộc chiến này có ý nghĩa quan trọng với an ninh của họ thì Ukraine sẽ gặp rắc rối”, Michal Baranowski, giám đốc điều hành Quỹ Marshall Đức, nhận xét.

Tại Mỹ, một cuộc khảo sát do AP – Trung tâm nghiên cứu NORC thực hiện và công bố tuần trước cho thấy, sự ủng hộ đối với việc cung cấp vũ khí và hỗ trợ kinh tế cho Ukraine đang giảm đi. Đầu tháng này, 11 nghị sĩ trong Hạ viện Mỹ đệ trình dự luật mà họ gọi là “Mệt mỏi Ukraine”, để thúc giục Tổng thống Biden dừng viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine, đồng thời thúc giục Nga và Ukraine đi đến thoả thuận hoà bình.

Trong chuyến thăm Kiev, ông Biden gạt bỏ ý kiến về việc giảm viện trợ cho Ukraine.

“Có những bất đồng chúng tôi gặp phải trong quốc hội về một số vấn đề, nhưng vẫn có sự đồng ý đáng kể về việc hỗ trợ cho Ukraine. Điều này không chỉ vì tự do ở Ukraine, mà còn vì dân chủ nói chung”, ông Biden nói.

Mỹ đã cam kết khoảng 113 tỷ USD cho Ukraine kể từ năm ngoái, còn các đồng minh châu Âu cam kết khoảng chục tỷ USD và tiếp nhận hàng triệu người tị nạn từ Ukraine.

“Chúng ta xây dựng một liên minh từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Mục tiêu của Nga là xoá Ukraine khỏi bản đồ. Cuộc chiến của Nga đang thất bại”, ông Biden tuyên bố.

Lần thứ hai trong chưa đầy một năm, ông Biden dùng Warsaw làm nơi để đưa ra bài phát biểu quan trọng về chiến dịch quân sự của Nga. Tháng 3 năm ngoái, Tổng thống Mỹ có bài phát biểu chỉ trích gay gắt nhà lãnh đạo Nga tại lâu đài hoàng gia Warsaw.

Tổng thống Duda cho rằng, sự hiện diện của ông Biden trên đất Ba Lan khi cuộc xung đột sắp tròn 1 năm gửi đi một tín hiệu quan trọng về cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu.

“Tại Warsaw, Tổng thống sẽ có bài phát biểu rất quan trọng, bài phát biểu mà phần lớn, nếu không muốn nói là cả thế giới, đang chờ đợi”, ông Duda nói.

Theo AP
MỚI - NÓNG