Theo đó, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; các doanh nghiệp trong nước đã đẩy mạnh tăng trưởng theo chiều rộng.
Các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng chạy đua mở rộng mạng lưới, tuyển dụng nhân sự, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhằm chiếm lĩnh thị phần.
Việc phát triển mạnh về mạng lưới và quy mô hoạt động trong khi năng lực quản trị điều hành không bắt kịp đã khiến nhiều TCTD hoạt động trong tình trạng yếu kém, hiệu quả thấp. Những yếu kém của các TCTD bộc lộ rõ hơn, nguy cơ đổ vỡ luôn rình rập.
Trong khi đó, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng chủ yếu là thanh tra tuân thủ, thanh tra hành chính, thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Năng lực thanh tra, giám sát rủi ro và an toàn có tính hệ thống rất hạn chế; đặc biệt là khả năng phân tích, đánh giá và cảnh báo rủi ro đối với từng TCTD cũng như toàn hệ thống.
Trong giai đoạn này, hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra và phát hiện được nhiều vi phạm chính sách, pháp luật của nhà nước; nhưng hiệu lực, hiệu quả chưa cao; chưa xử lý kịp thời và nghiêm các rủi ro trọng yếu.
Đáng chú ý, cũng theo NHNN, nhiều văn bản quy định về nghiệp vụ, an toàn hoạt động ngân hàng, hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các TCTD còn một số hạn chế, bất cập.
Các biện pháp chỉ đạo và điều hành về chính sách tiền tệ, tỷ giá và quản lý ngoại tệ chưa có hiệu quả cao, không đồng bộ và thiếu nhất quán làm cho thị trường nhiều lúc không ổn định (tác động không nhỏ đến trạng thái rủi ro và an toàn hoạt động ngân hàng).
Trong thời gian tới, NHNN sẽ sớm ban hành bộ quy định mới về an toàn hoạt động ngân hàng và quy chế quản trị rủi ro tối thiểu.