Còn một năm trời nữa mới tới ngày công diễn chính thức, nhưng cả ca sĩ lẫn ê kíp thực hiện vẫn luyện tập không mệt mỏi, để vở opera này có thể thành “siêu phẩm” nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản- Việt Nam.
Sống lại mối tình không biên giới
Tổng đạo diễn Honna Tetsuji cho hay vở opera xây dựng nên từ câu chuyện có thật. Araki Sotaro là một thương nhân Châu Ấn thuyền từ thời đại Azuchi Momoyama đến thời Edo, anh đã đi từ Nagasaki đến Đàng Trong (nay là miền Trung Việt Nam). Ngày đó, Châu Ấn thuyền là loại thuyền thương mại của Nhật Bản được các chính khách đương thời cấp giấy phép thông hành cho phép tàu thuyền ra ngoại quốc, chủ yếu sang các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17.
Một phần trình diễn trong vở opera “Công nữ Anio” Ảnh: Thanh Trần |
Anh đã gặp công nữ Ngọc Hoa như mối duyên tiền định và được chúa Nguyễn Phúc Nguyên đồng ý gả công nữ Ngọc Hoa về làm vợ. Sotaro đã đón công nữ đến Nagasaki. Công nữ được người dân tại đây yêu mến, gọi với cái tên “Anio san”. Hai người sinh được một cô con gái và trải qua những tháng ngày tràn đầy hạnh phúc. Thế nhưng, cuộc sống bỗng chốc đảo lộn khi có lệnh bế quan toả cảng. Sotaro không thể nào đưa vợ con về thăm quê hương, anh cũng không thể tiếp tục hành trình biển cả….
Công nữ Ngọc Hoa được người dân tại Nagasaki yêu mến gọi với cái tên “Anio san”, nàng sinh sống suốt quãng đời còn lại tại Nagasaki. Ngày nay, lễ rước kiệu đón công nữ Anio vẫn tiếp tục được tái hiện trong phân cảnh “Châu Ấn thuyền” được tổ chức 7 năm một lần tại lễ hội “Nagasaki Kunchi” ở Nagasaki.
“Trong quá trình xây dựng vở opera này, chúng tôi mong muốn tạo ra một tác phẩm lưu truyền về sau. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng các chứng cứ lịch sử là điều vô cùng quan trọng. Chúng tôi đã liên hệ, nhờ đến sự hiểu biết của các chuyên gia cố vấn lịch sử của cả Việt Nam và Nhật Bản để xây dựng câu chuyện chính xác, chân thực nhất”, Tổng đạo diễn Honna Tetsuji nói.
Mối tình của Sotaro và công nữ Ngọc Hoa dựa trên sự bình đẳng, vượt qua cả sự khác biệt quốc gia và giai cấp đem lại nhiều xúc cảm. Đạo diễn, tác giả kịch bản Oyama Daisuke đã bộc bạch rằng với vở opera này, ông mong muốn khán giả có thể cảm nhận được rằng cho dù thời đại có đổi thay hay dù ở đâu chăng nữa thì con người vẫn sống với trái tim nồng nhiệt, lạc quan nhất.
Tháng 9/2023, Công nữ Anio sẽ được trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Vở diễn với 4 màn tái hiện lại chuyện tình của Sorato với công nữ Ngọc Hoa từ phút đầu gặp gỡ cho đến cuối đời. Ban tổ chức chia sẻ rằng, câu chuyện được thể hiện bằng opera bởi đây là “nghệ thuật chỉ có duy nhất một lần”, khán giả chỉ có thể bắt gặp ngay tại thời điểm và địa điểm đó. Khán giả sẽ được thưởng thức trọn vẹn sân khấu opera, nơi những suy nghĩ, cảm xúc ca sĩ, nhạc trưởng, dàn nhạc, dàn hợp xướng, đạo diễn, đội ngũ sản xuất đã được biến hóa thành hiện thực.
Cùng nắm tay nhau
Tôi có cơ hội được nghe một phần trình diễn trong vở opera đang gây nhiều sự chú ý này, tại Đà Nẵng. Cũng như rất nhiều khán thính giả khác, thật sự thổn thức trước những xúc cảm về chuyện tình, cách trở, yêu thương…Phải chăng nhờ cốt truyện và cách biến hóa tài tình, nhập vai mà dòng âm nhạc kén người nghe lại có thể khuấy động trái tim người khác đến vậy?
Việt Nam và Nhật Bản có rất nhiều chương trình giao lưu, hợp tác. Trong ảnh: Đại diện thanh niên Việt Nam tới chào xã giao chính quyền, tham quan thành phố Aizu Wakamatsu, tỉnh Fukushima Ảnh: T.T |
Để có được chỗ đứng trong lòng khán giả, cả ê kíp thực hiện đã miệt mài làm việc, luyện tập từ ngày giới thiệu vở diễn vào cuối năm 2021 đến nay và vẫn đang cật lực cho đến ngày công diễn. Ca sĩ Trịnh Tố Loan, người vào vai công nữ Anio bày tỏ rất hạnh phúc, vinh dự vì bản thân chưa bao giờ tham gia một vở nhạc kịch có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng, chỉn chu, chuyên nghiệp như thế này. Khi nhận vai, nữ ca sĩ vừa mừng vừa áp lực, luôn tự nhắc mình phải nỗ lực học hỏi, tập tành sao cho hoàn thành vai diễn để có tác phẩm hoàn hảo nhất. “Tôi chưa gặp được bạn diễn ở Nhật nhưng văn hóa, âm nhạc của hai nước có nhiều nét tương đồng. Khi cất lên tiếng hát tôi cảm nhận được. Vì vậy chắc chắn chúng tôi sẽ tìm được sự đồng điệu ở nhau”, ca sĩ Tố Loan trải lòng.
Cũng như Tố Loan, gương mặt nổi tiếng trong làng opera Nhật Bản Yamamoto Kohei cũng không giấu được niềm vinh dự khi có mặt trong vở opera kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt - Nhật. “Với tôi, âm nhạc và nghệ thuật có một sức mạnh to lớn kết nối chúng ta lại với nhau, dù tình hình thế giới như thế nào đi chăng nữa. Tôi tin vào sức mạnh này. Tôi háo hức chờ đón sự giao lưu học hỏi thông qua tác phẩm này. Tôi cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều người Việt Nam, họ rất tốt bụng. Đây là một trong những đất nước mà tôi rất trân trọng vì thế không gì vui hơn khi vào vai Sotaro, người có mối liên hệ với cả hai nơi này”, Yamamoto Kohei tâm sự.
Theo anh, vở opera được hát bằng cả hai ngôn ngữ Việt - Nhật. Đây chính là công việc khó khăn đối với tác giả âm nhạc và tác giả soạn lời. Việc thêm ngữ điệu sao cho tự nhiên, việc dàn nhạc hòa mình vào tác phẩm để thể hiện được bối cảnh mang đặc trưng văn hoá của hai nước đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu. Anh cũng như cả ê kíp, các chuyên gia hai nước đang cùng hợp sức để hai nền văn hoá giao thoa, cùng nắm tay nhau như nàng công nữ Anio và Sotaro.
Để tô đậm thêm mối thâm tình, các cơ quan chức năng cũng đã giới thiệu tới quan khách những nét văn hóa, mỹ thuật, âm nhạc của hai nước Việt - Nhật. Trong đó có cây đàn Piano sơn mài Aizu Nuri độc nhất vô nhị được chế tác hoàn toàn thủ công bởi những nghệ nhân nổi tiếng của xứ sở mặt trời mọc, được trưng bày tại khu nghỉ dưỡng Mikazuiki (Đà Nẵng). Hình ảnh quốc hoa của hai nước được vẽ lên cây đàn một cách chi tiết và công phu. Đây được xem như bảo vật để bày tỏ niềm hy vọng về một mối quan hệ giao hữu hòa bình, gắn kết và thịnh vượng giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio khẳng định hai nước có sự gắn kết từ lâu đời. Đặc biệt vào thời kỳ thương mại Châu Ấn thuyền phát triển rực rỡ cách đây 400 năm, việc đi lại thông thoáng, hai nước là đối tác thân thiết, bình đẳng của nhau. Sau đó, trước những biến động của thời cuộc, mỗi nước có một con đường phát triển riêng. Tuy nhiên những năm gần đây hai nước đã gặp lại nhau trên con đường phát triển và cùng khẳng định sự gắn kết bền chặt đến mức có thể nói rằng, quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. “Tôi hy vọng vở opera này sẽ trở thành một dấu ấn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam, giúp chúng ta hồi tưởng về quá khứ hai nước. Đồng thời thắt chặt hơn nữa sự gắn kết của nhân dân hai nước trong tương lai”, Đại sứ kỳ vọng.