Thôn Quan Độ sau vụ nổ một ngày, cảnh tượng tan hoang

TP - Về thôn Quan Độ, Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh, cảnh tượng vụ nổ sau một ngày vẫn “như sau cuộc B52 rải thảm” - một người đàn ông tên T. thốt lên, tại trụ sở UBND xã.

Sau khi vụ nổ xảy ra, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã thăm viếng, hỗ trợ 5 triệu đồng/người tử nạn, 2 triệu đồng/người bị thương. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh thăm viếng và động viên các gia đình với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người tử nạn và 1 triệu đồng/người bị thương. Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Bộ Tư lệnh Công binh cũng hỗ trợ 10 triệu đồng/người tử nạn và 3 triệu đồng/người bị thương.

Tối 4/1, thông tin từ Bộ Quốc phòng cho biết, sau khi sự cố nổ kho phế liệu tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) xảy ra, Bộ Tư lệnh Công binh đã thành lập đoàn công tác gồm các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ Tư lệnh đến hiện trường kiểm tra và làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh để xác định nguyên nhân ban đầu của vụ nổ. Đồng thời, sử dụng lực lượng công binh chuyên trách của Lữ đoàn 229, Tiểu đoàn Công binh Vật cản 93 và Trung tâm Công nghệ xử lý Bom mìn phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh khắc phục sự cố, tiếp tục thu gom số vật liệu nổ còn vương vãi trên hiện trường, không để lây lan nổ dẫn đến hậu quả tiếp theo.

Qua khảo sát, nắm tình hình các hộ dân xung quanh hiện trường được biết, trước khi xảy ra vụ nổ, tại sân chủ cơ sở phế liệu đã thu gom các loại đầu đạn xếp tạo thành khối và dùng muối rải lên để hủy với mục đích thu kim loại nhằm tái chế. Bước đầu đoàn công tác nhận định: Vụ nổ do lượng đạn tập trung số lớn các loại đạn 23mm, 14,5mm, 12,7mm (trong đó chủ yếu là đạn 12,7mm), có thể lẫn đạn phốt pho gây cháy, kích nổ toàn bộ khối đạn.

Theo thông tin ban đầu, vụ nổ trên là vụ nổ vật liệu nổ thu gom sau rà phá và xử lý đạn, có liên quan đến một số cá nhân thuộc Trung tâm Công nghệ xử lý Bom mìn, Binh chủng Công binh. Hiện nay, các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng đang tích cực điều tra, xác minh để xử lý nghiêm vụ việc trên.

Thôn Quan Độ sau vụ nổ một ngày, cảnh tượng tan hoang ảnh 1
Thôn Quan Độ sau vụ nổ một ngày, cảnh tượng tan hoang ảnh 2 Lực lượng quân đội thu gom hàng tấn đầu đạn gần vụ nổ. Ảnh: Minh Đức.

Tính đến 16h, ngày 4/1, lực lượng quân đội đã thu gom được trên 3 tấn đầu đạn các loại trong vòng bán kính 500m từ vụ nổ. Tại một số điểm khó tiếp cận như kênh mương, hoặc trên mái nhà cao tầng, đầu đạn vẫn nhan nhản. Nhằm đảm bảo an toàn, hiện việc tổ chức thu lượm các mảnh kim loại và vật liệu nổ vẫn đang được cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương, đồng thời tuyên truyền để người dân không được tự ý gom đầu đạn vương vãi.

Trò chuyện với phóng viên, chị N.T.L thôn Quan Độ, xã Văn Môn nhớ lại, rạng sáng 3/1,  khi cả nhà đang ngủ thì bất ngờ có tiếng nổ như xé tai khiến ngôi nhà của chị bị rung chuyển mạnh. Cửa kính cường lực vị nổ bung như ngô rang, những mảng mái nhà bay tung toé. Không chỉ gia định chị L. bị ảnh hưởng, theo thống kê của UBND xã Văn Môn, tính sơ bộ đến ngày 4/1 đã có khoảng 200 gia đình bị thiệt hại, nhẹ thì tốc mái, vỡ kính, nặng thì sập nhà, chết người.

Dù được cảnh báo, tuy nhiên theo quan sát của phóng viên cho thấy, hàng trăm hộ dân sinh sống trong bán kính 500m của vụ nổ đang nháo nhác thu gom đầu đạn, dọn dẹp những mảnh vỡ mà vụ nổ để lại. Sau vụ nổ xảy ra, nhiều người dân xã Văn Môn tỏ ra lo ngại bởi còn hàng nghìn đầu đạn chưa được thu gom, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Và việc này đã xảy ra vào khoảng 14h30 ngày 3/1, khi anh Hà (45 tuổi, quê Thanh Hoá), thợ mộc của gia đình ông Nguyễn Văn Đàm ở thôn Quan Độ, trong lúc thu nhặt đầu đạn rơi vãi xung quanh xưởng mộc thì bất ngờ có một viên đạn phát nổ. Anh Hà bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.

Không chỉ nguy cơ đầu đạn rơi vãi, nhiều mặt hàng phế liệu khác tập kết trên địa bàn xã Văn Môn cũng đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ghi nhận của Tiền Phong cho thấy, ngả đường dẫn vào xã Văn Môn nhan nhản các loại phế liệu. Có hộ gia đình tập kết máy biến áp, có gia đình tập kết dây điện, linh kiện máy tính, dàn âm thanh…, đều đã cũ nát và được vứt ngổn ngang từ trong nhà ra đường.

Lãnh đạo xã: Nổ rồi mới biết...

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Gia, Phó chủ tịch UBND xã Văn Môn, Yên Phong cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 3.000 hộ gia đình, trong đó có khoảng 521 hộ kinh doanh. Tại thôn Quan Độ, có khoảng 100 hộ kinh doanh phế liệu, trong đó có tới 40 hộ là doanh nghiệp. Ông Gia cho rằng, các đơn vị kinh doanh thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định của pháp luật. Ngoài ra, cấp xã không có thẩm quyền để kiểm tra các đơn vị kinh doanh trên địa bàn và cũng không có thẩm quyền để kiểm tra các phương tiện vận chuyển hàng hoá.

Ông Nguyễn Hoàng Gia cho rằng, việc kinh doanh loại vật liệu quân đội trên địa bàn là rất hiếm, trường hợp có “quan hệ đặc biệt” mới có loại mặt hàng này. Sau vụ nổ xảy ra, qua kiểm tra, xã mới biết cơ sở của ông Nguyễn Văn Tiến kinh doanh loại hàng hoá này.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, việc quản lý các làng nghề nói chung, trong đó có các làng nghề thu mua, tái chế phế liệu được giao cho các địa phương. Mỗi địa phương lại giao cho các đơn vị quản lý khác nhau, có tỉnh giao cho Sở Công thương, có tỉnh giao cho Sở NN&PTNT.

Bộ TN&MT chỉ quản lý với các làng nghề thu mua, tái chế chất thải nguy hại. Việc thu mua, tái chế này phải có giấy phép theo quy định. Còn với các  phế liệu như bom mìn, vật liệu nổ lại quản lý theo quy định trong lĩnh vực quốc phòng.

An ninh Quân đội vào cuộc điều tra

Chiều 4/1, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, liên quan tới vụ nổ lớn xảy ra tại kho chứa phế liệu ở làng Quan Độ, xã Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh) khiến 2 cháu nhỏ tử vong và nhiều người bị thương, cơ quan An ninh điều tra của Quân đội đã vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc.

Theo một cán bộ Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, khi các loại vật liệu nổ như đạn, bom, mìn khi hết niên hạn sử dụng thì không được phép bán ra ngoài cho tư nhân mà phải huỷ nổ theo quy định.

Nguyễn Sơn

Chủ kho phế liệu có thể bị xử lý ra sao?

Liên quan đến vụ nổ vừa xảy ra tại Bắc Ninh, luật sư Trần Tuấn Anh – GĐ Cty luật Minh Bạch cho rằng, theo Bộ luật Hình sự, người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị coi là tội phạm. Người phạm tội có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên đến chung thân. Ngoài ra, có thể bị áp dụng xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một đến năm năm (Điều 304 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018).

Theo luật sư Tuấn Anh, tùy vào tính chất mức độ phạm tội, hậu quả do tội phạm gây ra đối với người khác (về tính mạng, sức khỏe, tài sản) và giá trị của vật phạm pháp sẽ là căn cứ để định khung hình phạt đối với người phạm tội. Đối với trường hợp phạm tội làm 2 người chết hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200% hoặc trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.

Thanh Hà

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.