Thời khắc cuối cùng trước nhà Đại tướng

Thời khắc cuối cùng trước nhà Đại tướng
TP - Đêm hôm trước là một đêm không ngủ của hàng chục nghìn người dân đến từ nhiều miền quê trên cả nước. Họ trắng đêm trên tàu xe, vạ vật trên các dãy phố để ngày hôm qua vào viếng Đại tướng. Đó cũng là ngày cuối cùng đồng bào được viếng Đại tướng tại nhà riêng.

> Hàng ngàn người chờ tới đêm mong viếng Đại tướng
> Chuyện kể trong ngày 10/10

Những phút cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nhẫn nại tới phút cuối

Những phút cuối cùng trước khi cánh cửa ngôi nhà Đại tướng đóng lại, dòng người vẫn nối dài từ phố Hoàng Diệu vòng tới quảng trường Ba Đình, trong đó nhiều đoạn đường người dân xếp thành hàng ba, hàng bốn tràn xuống cả lòng đường.

Xếp hàng từ 7 giờ sáng, đến gần giờ đóng cửa bà Trần Thị Liễu (57 tuổi, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh) vẫn ở đoạn cuối đường Điện Biên Phủ. “Từ quê tôi bắt xe ra Hà Nội để viếng Đại tướng. Nếu không được vào bái thì buồn lắm. Có lẽ tôi sẽ bái vọng thôi. Đông quá, chắc là không đến lượt”. Cùng hàng với bà Liễu, có bà Hồng (Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) nhẫn nại chờ. Cùng với sự nhẫn nại của dòng người chờ tiến gần hơn ngôi nhà 30 Hoàng Diệu là những sinh viên tình nguyện nắm tay nhau phân làn đường.

Ông Đinh Khắc Tuấn (quê Ninh Bình), ngoài 70 tuổi đêm qua thức cùng nhiều đồng đội trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ. Sáng nay ông là một trong những người đầu tiên vào viếng. Hoàn thành tâm nguyện ông mới bắt xe về quê. Ông cho biết, lên Hà Nội từ sáng 9/10 nhưng đến tối vẫn không đến lượt, ông cùng những đồng đội mới quen không về nhà người quen ngủ mà tranh thủ ngồi lại vỉa hè hàn huyên chuyện chiến trường xưa.

Bên gốc cây già, ông Lưu Đức Ngò (quê xã Nghĩa Hiệp, Yên Mỹ, Hưng Yên) lạc cả giọng khi nói về những cuộc chiến của Đại tướng cho nhiều người trẻ đang vây quanh. Đêm trước, ông Ngò cũng không ngủ để thực hiện ý tưởng ghép 42 tấm ảnh, viết lời bình về Đại tướng và những trận đánh mà ông sưu tầm suốt 10 năm qua lên 4 bức tranh lớn. Sáng qua, ông Ngò mang lên viếng bác xong lại treo bên gốc cây cho mọi người xem.

Anh Trần Tuấn Cường (Tuyên Quang), bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện K T.Ư nhích bước khó nhọc trong dòng người chật kín, mong kịp giờ viếng. Anh cho biết, nghe tin bác mất khi vừa mổ u xơ và u mỡ được ít ngày. Cha anh cũng từng là bộ đội (đã mất) khi hay tin dữ, cái cảm giác ngày mất cha lặp lại đau lắm.

Anh nói với bác sỹ, tôi có tâm nguyện được đi viếng Đại tướng nhưng vì sức khỏe chưa hồi phục nên các bác sỹ không cho phép. Hôm trước, khi bản tin phát đi, hôm qua là ngày cuối người dân được vào viếng.

Anh lại xin phép lần nữa và bác sỹ cho anh thực hiện tâm nguyện. Đứa con gái dẫn bố đi, thi thoảng mệt lại rời hàng ra bóng cây ngồi nghỉ lấy sức. Anh nói: “Mẹ tôi (dân công từng phục vụ trận Điện Biên Phủ) khóc nhiều và dặn con cố gắng vào viếng bác rồi về kể mẹ nghe nên tôi quyết đi”.

Người dân mang theo ảnh Đại tướng. Ảnh: Như Ý
Người dân mang theo ảnh Đại tướng. Ảnh: Như Ý.

Hội tụ 

Dù đã thông báo từ trước về việc viếng Đại tướng tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu kết thúc lúc 18h, nhưng, đến cuối giờ chiều 10/10, hàng nghìn người kiên nhẫn xếp hàng kéo dài từ hết đường Hoàng Diệu qua Điện Biên Phủ, Lăng Bác đến hết đường Hoàng Văn Thụ.

Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, gia đình nhà Đại tướng quyết định kéo dài thời gian mở cửa đến 21h30.

Đến khi cánh cửa đóng lại, vẫn còn hàng nghìn người nán lại trước số 30 Hoàng Diệu, mang theo hoa và di ảnh Đại tướng, bái vọng.

Ngay trên vỉa hè trước hàng rào nhà 30 Hoàng Diệu, nhiều bạn trẻ đốt nến tưởng nhớ Đại tướng trong đêm.

Trong dòng người hôm qua, có nhiều người từ miền Nam đáp chuyến bay từ sáng sớm, có người vội vã xuống chuyến tàu đêm từ Cần Thơ, đất mũi Cà Mau…

Ở Hà Nội các em nhỏ đương độ mẫu giáo, trường tiểu học cũng được bố mẹ, các cô dẫn đường vào viếng bác. Các đoàn cựu chiến binh trong sắc phục trắng, ngực đeo huân huy chương. Màu áo xanh chiến sỹ công an, màu áo xanh tình nguyện... hòa vào nhau. Dường như, cả dân tộc hội tụ về viếng bác hôm qua.

Vừa đáp máy bay từ TPHCM ra, bà Huyền Diệu vội đến đường Hoàng Diệu viếng Đại tướng. Một tay cầm di ảnh, một tay cầm hoa bà còng lưng chống gậy đi giữa lòng đường. Bà Diệu được cảnh vệ ưu tiên dẫn lên trước. Bà chia sẻ, vốn là người Hà Nội, từng có nhiều kỷ niệm thời chiến tranh và đặc biệt, biết đến Đại tướng từ thời còn nhỏ, nên nghe tin Đại tướng mất, phải ra bằng được để viếng thăm và đến Quảng Bình để đưa Đại tướng về với quê hương, đất mẹ.

Để đến viếng Đại tướng ngày cuối, chị Trần Thị Thiển từ xã Trung Nghĩa (Bắc Ninh) cho biết, ở quê chị lúa chín đang vào vụ gặt nên 3 giờ sáng dậy đi gặt hết sào lúa rồi vội vã ra tuyến xe buýt đầu tiên ra Hà Nội.

Những người phụ nữ hằng ngày buôn bán ở chợ tỉnh Yên Bái đêm qua sửa soạn để 1 giờ sáng thuê xe kịp về Hà Nội. 16 người góp tiền thuê xe lầm lũi chạy trong đêm. Đến 5 giờ sáng, họ đã cách nhà bác khoảng hơn 1km.

Ngồi bên hè đường Hoàng Diệu nghỉ ngơi, trên tay vẫn bế con, chị Phạm Phương Thảo (SN 1984 quê ở Gia Viễn, Ninh Bình) cho biết: “Hai mẹ con đi từ hơn 5 giờ sáng, phải bắt xe khách, sau đó đi xe ôm đến đây”. Con trai chị Thảo mới được gần 6 tháng tuổi, cũng được mẹ cho đi cùng. “Đời mình không còn cơ hội được gặp Bác Hồ. Nay Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi, chỉ còn lần duy nhất này thôi, phải cố gắng đi chứ”, chị Thảo nói.

Và cả du khách nước ngoài…

Gia Co Mo, 28 tuổi đến từ Italia cho biết, đêm qua anh lên mạng đọc nhiều thông tin về Đại tướng và quyết định đến sớm xếp hàng cùng một người bạn. Anh nói, chuyến du lịch 1 tháng ở Việt Nam lần này đặc biệt hơn vì cảnh người dân xếp hàng dài mấy ngày qua để viếng một người là điều anh chưa thấy ở đâu cả.

Đến làm nhiệm vụ từ 6h sáng, hết làm hàng rào chắn trên đường, chỉ dẫn người dân, đến phục vụ nước uống..., giữa trưa tình nguyện viên Trương Thị Thu Hà và Lê Thị Ngát (Học viện Báo chí Tuyên truyền) phải về đi học. “Tiếc quá, hôm nay là ngày cuối cùng rồi mà mình chưa được vào viếng Đại tướng. Có lẽ hôm sau mình sẽ đi cùng đoàn đi đưa Đại tướng về Quảng Bình”, Thu Hà nói.

Công bố tuyến đường đoàn xe chở linh cữu Đại tướng đi qua để nhân dân tiễn biệt

Chiều 10/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban tổ chức Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã họp với các bộ, ngành là thành viên Ban Tổ chức Lễ Quốc tang về công tác triển khai tổ chức Lễ Quốc tang bảo đảm chu tất, an toàn.

Ban tổ chức lễ tang và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã xem xét phương án bảo đảm an ninh tuyệt đối an toàn cho lễ tang tại Hà Nội, Quảng Bình. Đối với việc di quan bằng máy bay từ Hà Nội vào Quảng Bình, các bộ, ngành phải bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình di chuyển. Mọi công việc đều phải chuẩn bị nhanh chóng và kịp thời cho những người đi máy bay cùng đoàn vào Quảng Bình tham dự Lễ an táng Đại tướng.

Tham gia Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm Ban Lễ tang Nhà nước, Ban tổ chức Lễ Quốc tang, gia đình, đại diện các cơ quan, đơn vị. Việc bố trí vị trí các đoàn vào viếng phải thực sự hợp lý, khoa học. Bên cạnh đó, Ban Lễ tang đã công bố rộng rãi tuyến đường mà đoàn xe chở linh cữu Đại tướng sẽ đi qua để nhân dân biết và tiễn biệt Đại tướng hai bên đường đi.

Theo Chinhphu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.