Thời điểm áp thuế tới gần, Mỹ-Trung hối hả hành động

Ông Trump tham dự lễ động thổ xây dựng nhà máy Foxconn tại bang Wisconsin. Ảnh: CNN
Ông Trump tham dự lễ động thổ xây dựng nhà máy Foxconn tại bang Wisconsin. Ảnh: CNN
TP - Ngày 28/6, tập đoàn điện tử Foxconn (Đài Loan) đã làm lễ động thổ nhà máy trị giá 10 tỷ USD tại bang Wisconsin, Mỹ. Tổng thống Donald Trump tham dự buổi lễ này và nhấn mạnh lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc về thương mại.

"Chúng ta sẽ giúp tái thiết Trung Quốc. Một ngày nào đó, họ sẽ phải nói lời cảm ơn. Nhưng chúng ta không muốn làm điều đó thêm nữa. Chúng ta muốn sự công bằng và cân bằng, ” ông Trump phát biểu tại lễ khởi công xây dựng một trong những nhà máy đầu tiên của Foxconn tại Mỹ, SCMP tường thuật.

Nhà máy mới của Foxconn rộng 20 triệu m2 và sẽ tuyển mộ13.000 công nhân khi đi vào hoạt động. Foxconn hiện cung ứng hơn một nửa số linh kiện điện tử cho các sản phẩm của hãng Apple, Mỹ. Ông Trump cho biết, việc sản xuất  màn hình phẳng LCD tại nhà máy này sẽ giúp thu hẹp thâm hụt thương mại bấy lâu nay giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Trump nói tôn trọng Trung Quốc, “tuy nhiên chúng ta đã thâm hụt 500 tỷ USD/năm trong nhiều năm qua”.

Từ ngày 6/7, việc áp thuế trừng phạt đối với 50 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm các thiết bị điện tử, sẽ có hiệu lực. Cùng ngày, Trung Quốc cũng sẽ áp dụng mức thuế tương tự đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như một biện pháp trả đũa.

Ông Trump đe dọa sẽ tiếp tục áp mức thuế trừng phạt bổ sung đối với 400 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc nếu Bắc Kinh không chấm dứt các biện pháp trả đũa.

Theo các  số liệu từ  chính quyền Mỹ, thặng dư  mậu dịch của Trung Quốc với Mỹ đạt kỷ lục 375 tỷ USD vào năm ngoái  và chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm nay, đã lên tới 119 tỷ USD.

Ông  Trump nhấn mạnh: “Chúng ta đang đòi hỏi thương mại cân bằng và công bằng từ nước ngoài, kể cả nước bạn bè và nước thù địch. Chúng ta đã  mất nhiều công ty, việc làm. Đó là lý do tại sao chúng ta phải làm những điều tốt đẹp cho nước Mỹ.”

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói trên tạp chí The Journal Times: “Chính quyền của ông Trump hiểu được tầm quan trọng của việc đưa các nhà máy sản xuất hàng điện tử gia dụng trở lại Mỹ. Mỹ sẽ vẫn đứng đầu trong các sản phẩm sáng tạo đổi mới, các sản phẩm công nghệ cao gồm  các nguyên liệu và phụ kiện bán dẫn, phần mềm, nhưng Mỹ cũng phải giành lại việc sản xuất các đồ điện gia dụng qui mô lớn ”.

Trung Quốc ra “sách trắng”

Ngày 28/6, chính quyền Trung Quốc đã ban hành “sách trắng” khẳng định, nước này đã trung thực thực hiện các thỏa thuận khi gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) và muốn tiếp tục thể chế tự do thương mại. Bắc Kinh nói, muốn  tiếp tục mở cửa thị trường một cách toàn diện, sâu sắc và đa dạng hơn.

Hành động này diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng trước gọi việc toàn cầu hóa và mở cửa kinh tế của Bắc Kinh là “một trò đùa”.

Tờ SCMP đưa tin, nội các Trung Quốc đã đưa ra quan điểm trong hồ sơ dài 27 trang với  tựa đề “ Trung Quốc và WTO”. Trong khi chính phủ Trung Quốc không hề đề cập gì tới Tổng thống Mỹ Donald Trump,  cuốn sách dường như là những tuyên bố bào chữa trước những chỉ trích của ông Trump.

Chẳng hạn như hồi tháng 4, ông Trump viết trên Twitter rằng: “ Trung Quốc, một cường quốc kinh tế, lại được cho là một quốc gia đang phát triển trong WTO. Do đó, họ lại giành lấy hết những ưu thế, đặc biệt là với Mỹ. Có ai nghĩ rằng như thế là công bằng? Chúng ta bị chơi xấu. WTO không công bằng với Mỹ.”

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn, thành viên chủ chốt của đoàn đàm phán Trung Quốc với Mỹ, nói trong cuộc họp báo ra mắt “sách trắng” rằng, không thành viên WTO nào phải chịu thua thiệt vì Trung Quốc gia nhập tổ chức này từ năm 2001.

Cuốn sách ví dụ: Bắc Kinh đã giảm thuế nhập khẩu đối với xe hơi xuống còn 25% so với mức 100%  trong năm 2006. Trung Quốc đã đàm phán trong một thời gian dài khi gia nhập WTO vì thế nước này có thể duy trì mức thuế nhập khẩu cao trong vòng 5 năm. Kết quả là, các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn từ các dòng xe nhập khẩu có giá thành thấp hơn.

Trung Quốc dự kiến công bố vào ngày 30/6 danh sách những ngành công nghiệp mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Danh sách này đã được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1995 và được chỉnh sửa 7 lần. Trong danh sách mới, Trung Quốc sẽ bãi bỏ hoặc nới lỏng quyền sở hữu nước ngoài trong các lĩnh vực như năng lượng, tài nguyên, cơ sở hạ tầng, giao thông…

Hiện nay, Trung Quốc đang tìm kiếm sự ủng hộ từ châu Âu để đối chọi với Mỹ. Hồi đầu tuần, Trung Quốc nói, nước này sẽ mua thêm các sản phẩm nông trại của Pháp và ám chỉ sẽ mua cả máy bay Airbus trong tương lai.

Châu Á bị ảnh hưởng gì?

Theo CNN, châu Á sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung xảy ra. Nếu như  Mỹ  áp thuế 25% đối với 450 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc và Trung Quốc  đáp trả lại tương tự, đây là tin xấu đối với các nước và vùng lãnh thổ mạnh về xuất khẩu như Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan khi họ cung cấp sản phẩm cho Trung Quốc để nước này sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ, từ xe hơi đến các sản phẩm điện tử. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, một số công ty châu Á đang chuyển hướng sang lắp đặt các nhà máy của mình tại các nước khác trong khu vực, chẳng hạn như Thái Lan và Việt Nam để tránh bị áp thuế cao.

MỚI - NÓNG