Thời đại của những cuộc xung đột

Thời đại của những cuộc xung đột
Kỷ nguyên Dầu mỏ là một thế kỷ xung đột kéo dài giữa 3 nhóm thực thể chính tạo nên bức tranh dầu mỏ toàn cầu: các cường quốc, các nước xuất khẩu dầu mỏ và các Cty dầu mỏ.

Những câu chuyện tưởng như đã là quá khứ vẫn nóng hổi hơi thở hiện tại bởi những diễn biến lịch sử vẫn đang ảnh hưởng trực tiếp tới thế giới ngày nay.

“Dầu mỏ”: “Tam Quốc diễn nghĩa” thời hiện đại

Kỳ I: Kỷ nguyên của những người anh hùng

Thời đại của những cuộc xung đột ảnh 1

Tác phẩm “Dầu mỏ - Tiền bạc và Quyền lực” của tác giả Daniel Yergin do Cty sách Alpha xuất bản có tầm vóc của một “Tam quốc diễn nghĩa” thời hiện đại.

Xung đột lịch sử : quá khứ mang hơi thở hiện tại

Trước nhất phải nhắc tới cuộc đấu tranh giữa các cường quốc xung quanh nguồn tài nguyên có vai trò chi phối sức mạnh quân sự và kinh tế này. Trong Thế chiến Một, quyết định của Thủ tướng Anh Churchill “xây dựng sức mạnh hải quân dựa trên dầu mỏ” đã tạo cho quân đội Anh lợi thế nổi bật so với việc sử dụng than đá trước đó.

Việc quân đội Đức thất bại trong việc tiếp cận nguồn dầu ở Baku ở thời điểm cuối cuộc chiến đã là “một đòn quyết định”, khiến nước Đức kiệt quệ nguồn năng lượng và đầu hàng sớm. Yếu tố năng lượng đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của phe Đồng minh, dầu mỏ là “huyết mạch của chiến thắng” theo như lời thượng nghị sỹ Pháp Bérenger.

Nhưng Thế chiến Một chỉ như một “phép thử” đối với vai trò của dầu mỏ trong cuộc tranh giành quyền lực. Trong Thế chiến Hai, dầu mỏ mới thực sự là yếu tố then chốt trong chiến lược, chiến thuật của các nước lớn cũng như đóng vai trò quan yếu vào chiến thắng của phe Đồng minh.

Người đọc sẽ phát hiện ra những mốc lịch sử quan trọng lại xuất phát từ nguyên nhân dầu mỏ. Quân đội Nhật phải tấn công hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng bởi muốn ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ khi Nhật chiếm những mỏ dầu ở Đông Ấn. Quân Đức phải tấn công Liên Xô bất chấp hiệp định giữa Stalin và Hitler trước đó bởi muốn chiếm mỏ dầu ở Baku.

Tuy nhiên, âm ưu chiếm dầu của Hitler thất bại, đẩy phe Trục vào tình thế thiếu nhiên liệu trầm trọng và sụp đổ. Phe Đồng minh ngược lại với nguồn cung cấp dầu dồi dào từ Mỹ đã ngày càng chiếm ưu thế. Đoạn hay nhất là khi Hồng quân Liên Xô tiến vào tới sát boongke của Hitler thì trùm phát xít đã “ra lệnh đổ xăng vào người mình và tự thiêu để không rơi vào tay những người Slav đáng ghét”. “Vẫn còn đủ xăng để thực hiện mệnh lệnh cuối cùng đó” của Hitler.

Cuộc chiến khốc liệt thứ hai phải nhắc tới là giữa các Cty dầu lửa và các nước xuất khẩu dầu mỏ. Khởi đầu là các nhà tư bản dầu lửa phương Tây tìm cách đạt được các thoả thuận nhượng quyền khai thác với các quốc gia Trung Đông bằng cách trả một khoản tiền nhất định ban đầu. Giai đoạn khởi đầu đó, khi các nước Trung Đông chưa hiểu gì về dầu mỏ, những khoản tiền như vậy đã có thể coi là hợp đồng béo bở.

Nhưng khi đã nhận thấy sức mạnh khủng khiếp của dầu mỏ, các nước xuất khẩu dầu mỏ bắt đầu quá trình “ép ngược” các tập đoàn dầu khí phương Tây. Đầu tiên, là các hợp đồng nhượng quyền, sau đó tới những thoả thuận phân chia lợi nhuận ngày càng có lợi cho các nước có dầu, từ 50-50, rồi 60-40, 70-30 và thậm chí 98-2.

Đầu tiên, các Cty được trao độc quyền “tự tung tự tác”, sau đó, các quốc gia có mỏ dầu tiến tới “dự phần” tham gia điều hành, cuối cùng là nắm toàn bộ và chỉ thuê các Cty khai thác như những “nhà thầu”. Cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng hấp dẫn và đỉnh điểm của nó là những lần quốc hữu hóa.

Khởi điểm là vào năm 1938 khi tổng thống Mexico Lazaro Cardenas tuyên bố truất hữu các Cty dầu. Tiếp đó là thủ tướng Iran Mossadegh quốc hữu hóa Cty BP của Anh vào năm 1951. Nhưng việc quốc hữu hóa bao giờ cũng là thảm bại cho các nước có dầu bởi sự sụt giảm sản lượng trầm trọng do thiếu công nghệ của phương Tây.

Đặc sắc trong cuộc chiến giữa các Cty và các nước xuất khẩu dầu mỏ là vấn đề giá cả.  Ban đầu, các Cty có quyền định giá dầu nhưng nhận thấy giá dầu thấp ảnh hưởng tới lợi nhuận của mình, các nước xuất khẩu dầu mỏ tìm mọi cách tăng giá dầu.

Tổ chức OPEC ra đời những năm 60 xuất phát từ nhu cầu đoàn kết để kiểm soát giá dầu của các nước xuất khẩu dầu mỏ. Mỗi lần OPEC quyết định tăng giá là mỗi lần nền kinh tế toàn cấu lại chao đảo bởi dầu mỏ đã trở thành “máu” của nhiều ngành công nghiệp.

Cuộc xung đột thứ ba là giữa các cường quốc và các nước xuất khẩu dầu mỏ. Trong cuộc chiến này, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đã sử dụng thứ vật chất này như “vũ khí” để tấn công các cường quốc. Tiêu biểu là cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 giữa Ai Cập và Israel.

Các nước Trung Đông đã dùng việc “cấm vận, cắt giảm sản lượng và giới hạn xuất khẩu dầu mỏ” để gây sức ép khiến Mỹ, Anh, Nhật và các nước phương Tây khác phải thay đổi thái độ bênh vực Israel của mình. Lệnh cấm vận đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiệm trong những năm 1973 - 1974 và “vũ khí dầu mỏ” đã phát huy phần nào tác dụng của nó. 

Theo lời Kissinger thì, vũ khí dầu mỏ đã “biến đổi thế giới theo một cách không thể khác được”. Đúng như vậy, các cuộc khủng hoảng dầu mỏ dẫn tới khủng hoảng kinh tế ở phương Tây trong suốt chiều dài lịch sử đều bắt đầu từ những biến đổi trong động thái chính trị của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông, mà điển hình là cuộc khủng hoảng 1979 - 1981 khi vua Iran bị lật đổ bởi nhà lãnh đạo Hồi giáo căm thù phương Tây Ayatollah Khomeini.

Trung Đông với tư cách là rốn dầu của thế giới đã trở thành một khu vực đặc biệt quan trọng xét về mặt địa chính trị. Năm 1990, Saddam Hussein đã sai lầm khi nghĩ rằng có thể “nuốt chửng Kuwait và đặt thế giới vào sự đã rồi”. Mỗi động thái chính trị ở khu vực tối quan trọng này ngay lập tức sẽ được cộng đồng quốc tế phản ứng tức thời bởi giá dầu quyết định sự thịnh vượng của mọi nền kinh tế.

Saddam đã không ngờ rằng thế giới phương Tây và các quốc gia Ả rập lại bắt tay nhau nhanh tới vậy để ngăn chặn âm mưu của Iraq. Đúng như lời tổng thống Bush cha: “Cuộc xâm lược sẽ không kéo dài lâu” bởi “công việc của chúng ta, cuộc sống của chúng ta, tự do của chúng ta và các nước bạn bè trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới rơi vào tay Saddam Hussein.”

Bài học nhỏ từ lịch sử dài những thăng trầm

Vào năm 1986, trong một cuộc đối thoại ở trường Đại học Harvard, khi được một giáo sư hỏi về quá trình xác lập chính sách năng lượng của Arâp Xêút, Yamani - Vị Bộ trưởng Năng lượng xuất chúng của quốc gia này - đã “trả lời không hề do dự”: “Chúng tôi tuỳ cơ ứng biến.”

Khán giả cười ồ lên, nhưng chỉ một câu trả lời đó đã cho thấy tính chất lên xuống, bất định, bất thường của ngành công nghiệp dầu lửa thế giới trong suốt thế kỷ 20. Giá dầu lên rồi lại xuống, sản lượng tăng vọt rồi bị siết lại, nguồn cung thiếu hụt rồi lại dư thừa, hạn ngạch áp đặt rồi lại xóa bỏ, toàn bộ tác phẩm Dầu mỏ vẽ lại đồ thị hình sin của những thăng trầm như thế trong suốt hơn một trăm năm lịch sử.

Tuy nhiên, Dầu mỏ không chỉ là một cuốn biên niên sử chi tiết về ngành công nghiệp dầu lửa, mà đúng như Chicago Tribune Book World bình luận: “Yergin viết về lịch sử thế giới từ quan điểm dầu mỏ.” Cuốn sách như một cuốn cẩm nang về lịch sử chính trị và kinh tế của thế kỷ 20 với ngập tràn những số liệu và phân tích từ vi mô tới vĩ mô. Sự đồ sộ của tác phẩm và những kiến giải uyên thâm của tác giả tạo ra ấn tượng mạnh với người đọc.

Nhưng, điều đọng lại cuối cùng của tác phẩm với nhiều người có lẽ lại không phải là tầm khái quát khủng khiếp của tác giả trên suốt chiều dài lịch sử, mà lại là khả năng kể lại những tích truyện ngắn, nhỏ, nhiều ý nghĩa.

Giống với Tam quốc diễn nghĩa, hay nhất trong tác phẩm là các đoạn kể về cuộc đời các vĩ nhân, ở đây là vĩ nhân trong sân khấu dầu mỏ thế giới. Dù là chính khách, doanh nhân hay những kẻ giang hồ, họ đều hiện lên mạnh mẽ, kiên định, quyết liệt, mưu lược và đầy tham vọng.

Trong thế giới của những bất ổn và mưu toan tìm kiếm tiền bạc và quyền lực, đó chính là những phẩm chất để thành công. Đúng như Rockefeller đã viết trong bức thư khiển trách ban giám đốc Standard Oil: “Chúng ta phải là những con người tháo vát, dám đương đầu với bất kỳ định mệnh nào. Phải tiến tới, phải theo đuổi, phải học cách nỗ lực và chờ đợi…”

Đó là bài học nhỏ hay nhất rút ra từ lịch sử dài đầy những thăng trầm trong Dầu mỏ.

MỚI - NÓNG