Thời củ mật

TP - Tháng củ mật, toàn dân lao vào kiếm tiền lo Tết nhất, lũ bất lương cũng thế. Cuối năm nay, một công ty truyền thông tư nhân loan báo sự kiện “vinh danh nghệ nhân văn hóa dân gian”. Ai muốn nhận bằng nghệ nhân phải nộp 30 triệu đồng- gọi là “tiền hỗ trợ truyền thông”. Thấy bảo một cụ bà 70 được giảm giá chỉ phải nộp 10 triệu đồng.

Các “nghệ nhân” ở quê thiếu thông tin đi một nhẽ, những người có học vị tiến sĩ trở lên nơi thành phố chưa chắc đã thoát tròng. Mới đây lại một công ty truyền thông lập ra hẳn một “viện khoa học” chuyên “nghiên cứu” nhân tài để vinh danh. Vẫn chiêu bài nọ: Ông đưa tiền, tôi thò các kiểu bảng vàng, cúp mạ vàng. Khuyến mại tham gia lễ báo công, cầu quốc thái dân an, dâng hương, giao lưu chụp ảnh với lãnh đạo… Giá sau khi mặc cả cũng chỉ rơi vào tầm 10 triệu.

Kiểu buôn bằng bán cúp này phản ánh lối tư duy ngược đời đang phát tác: Người tưởng được thưởng lại mất tiền cho giải thưởng, người đang thất nghiệp lại phải bỏ tiền (số tiền có khi bằng hàng chục năm lương) để đổi lấy việc làm. Biết ứng dụng lối sống ngược đời vào làm ăn có khi lại khá. Ai mà tưởng tượng được có ngày những kẻ chuyên đầu độc hàng loạt lại có thể kiếm ăn bằng chính công việc đó. Cũng vào tháng cuối năm, riêng tại một chợ đầu mối ở Hà Nội đã phát hiện 1 tấn thịt lợn thối đang được khử mùi để đưa vào thị trường.

Ngành thực phẩm bẩn ngày càng hoành hành khiến người dân ngày càng phải “cống hiến” nhiều tiền cho… bệnh viện mà có khi vẫn khó giữ tính mạng (!) Lạ thay thông tin về các vụ phát hiện thực phẩm bẩn nhiều lên nhưng chẳng mấy khi thấy thủ phạm bị xử lý ra trò. Vừa xong một tài xế chở hơn 2 tạ lợn sữa chết thối về miền Tây tiêu thụ, công an TPHCM bắt được cũng chỉ phạt 6 triệu đồng.

Với ngành đầu độc trên diện rộng này, chắc tháng nào cũng là tháng củ mật quá! Vì kiếm tiền quá nhanh, lại không gặp nguy hiểm gì mấy. Với người dân, lúc nào cũng phải “củ soát cẩn mật” từ miếng ăn đưa vào miệng. Nói chung thời nào người ta chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý gọi là thời củ mật vậy.