'Thời bình sao nhiều tướng thế'?

ĐBQH Nguyễn Tạo - Lâm Đồng (ảnh Như Ý)
ĐBQH Nguyễn Tạo - Lâm Đồng (ảnh Như Ý)
TPO - Theo ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), trong thời gian vừa qua nhiều cử tri và nhân dân thấy phong hàm hơi nhiều trong điều kiện nước ta không có chiến tranh, không có tình hình gì quá đặc biệt.

Cố gắng hạn chế việc phong hàm nhanh

Theo ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), việc thăng hàm và phong hàm cấp tướng đã và đang triển khai thực hiện theo quy định, nhưng dư luận xã hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí có ý kiến đặt vấn đề tại sao trong lực lượng vũ trang Việt Nam trong thời bình sao mà nhiều tướng đến thế.

“Từ năm 2000 trở lại đây, số lượng tướng trong lực lượng vũ trang nói chung và trong ngành công an nói riêng đã tăng lên rất nhiều”, ông Tạo nói và cho rằng, phải bảo đảm được vị trí, uy tín của đội ngũ tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nói chung và trong công an nói riêng, cố gắng hạn chế việc phong hàm nhanh, nhiều như trong thời gian đã qua.

“Có những lúc chúng ta phong hàm quá nhanh, nhanh hơn và nhiều người được phong hàm trong một năm, nhưng chất lượng của đội ngũ tướng lĩnh là vấn đề cần được suy nghĩ. Cử tri đã và đang băn khoăn vì một số cán bộ tướng lĩnh vi phạm pháp luật trong thời gian vừa qua”, ông Tạo nêu ý kiến.

'Thời bình sao nhiều tướng thế'? ảnh 1 Photo: ĐB Đỗ Ngọc Thịnh - Khánh Hòa (ảnh Như Ý)

Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) cho rằng, phong hàm cấp tướng trong lực lượng công an nhân dân là một vấn đề rất quan trọng và cần thiết, phức tạp. Việc phong hàm cũng là để ghi nhận những đóng góp của những người có vị trí quan trọng, nhưng cũng cần lưu ý tới dư luận của nhân dân trong thời gian vừa qua đối với việc phong hàm cấp tướng của công an nhân dân.

“Trong thời gian vừa qua nhiều cử tri và nhân dân thấy phong hàm hơi nhiều trong điều kiện nước ta không có chiến tranh, không có tình hình gì quá đặc biệt và kinh - xã hội chúng ta cũng rất khó khăn. Do đó, chúng tôi kiến nghị phong hàm cấp tướng chúng ta nên quán triệt tinh thần của Bác Hồ”, ông Thịnh nói.

Từ đó, ông Thịnh kiến nghị chỉ phong hàm cấp tướng đối với những lực lượng trực tiếp chiến đấu và trực tiếp phòng chống các vi phạm pháp luật và tội phạm. Còn các đơn vị hành chính sự nghiệp cũng nên thực hiện pháp luật theo các đơn vị hành chính sự nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước khác.

Đề nghị giám đốc Công an tỉnh là Thiếu tướng

Đề cập đến quy định bậc hàm cao nhất là cấp tướng cho giám đốc công an các tỉnh, thành phố loại 1, ĐB Lê Tấn Tới - Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liệu ủng hộ tất cả Giám đốc Công an tỉnh đều có cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng.

'Thời bình sao nhiều tướng thế'? ảnh 2 Photo: ĐBQH Lê Tấn Tới - Bạc Liêu (ảnh Như Ý)

Theo ông quy định phân loại đơn vị hành chính thì cả nước có 11 địa phương loại 1, đồng nghĩa có 11 Giám đốc Công an tỉnh được phong hàm tướng. Thực tế cho thấy các tỉnh, thành phố loại 1 đa số tình hình an ninh trật tự, diễn biến phức tạp nhưng không đồng nghĩa phức tạp hơn các địa phương còn lại. Như tỉnh Bình Dương tình hình phạm pháp hình sự xảy ra rất phức tạp nhưng Bình Dương không phải tỉnh loại 1.

Cũng theo ông Tới, chức danh Cục trưởng và Giám đốc Công an tỉnh là ngang nhau, đều được quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Điều này sẽ mâu thuẫn khi thực hiện luân chuyển công tác cán bộ theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về ngành công an vì cấp tướng mà luân chuyển về địa phương thì sai lệch.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, công việc của công an thành phố loại 1 rất nặng nề, chịu trách hiệm trước lãnh đạo Bộ Công an, cấp uỷ chính quyền địa phương về an ninh trật tự. Chính vì thế thực hiện theo phương án tỉnh, thành phố loại 1 quân hàm thiếu tướng, tạo thuận lợi cho luân chuyển, đào tạo công an nhân dân”,ông Cầu nói.

MỚI - NÓNG