Thợ Việt Nam trên công trường Nga

Thợ Việt Nam trên công trường Nga
Tìm hiểu về công việc và cuộc sống của những người thợ xây dựng Việt Nam (VN) trên đất Nga vốn không dễ, vì họ theo công trình nay đây mai đó.
Thợ Việt Nam trên công trường Nga ảnh 1
Thợ xây dựng VN trước một công trình đang thi công ở ngoại ô Mátxcơva.

May mắn được một ông chủ thầu bật đèn xanh, chúng tôi tới gặp các đồng hương tại một công trình gần ngoại ô Mátxcơva giữa cái lạnh - 15 độ C.

Đó là hai căn nhà 15 tầng đang trong quá trình thi công nằm trên khoảng rừng thưa, rầm rập xe pháo và ngổn ngang vật liệu.

Khi chúng tôi tới, một số xe tải to vật chở vữa trộn sẵn từ một công trường khác tới vừa đổ xuống nền đá lạnh ngắt, nhóm công nhân VN trông xù xì vì lớp lớp quần áo chống rét nhanh nhẹn xúc lên xe goòng rồi chuyển lên các tầng trên cao vài chục mét bằng chiếc cần cầu đỏ cao lênh khênh.

Trên đó, tốp thợ xây VN khác lọt thỏm bên các đồng nghiệp Nga, Uzbek... to lớn đang mải miết đặt từng viên gạch.

Vốn chỉ quen "cày" thang máy, mới leo tới tầng 12 chúng tôi ai cũng thở dốc, giọng nói run lập cập và hoa mắt chóng mặt khi nhìn xuống phía dưới. Nhưng đã thấm gì so với mối nguy hiểm luôn rình rập người thợ nơi đây, sơ suất hoặc bất cẩn một chút là có thể rơi tự do xuống đất.

Dù bị cấm gây ô nhiễm môi trường, song để có thể chống chọi được với giá rét, cánh thợ xây buộc lòng phải đốt chút lửa trong các thùng goòng để lúc giải lao chạy tới hơ qua.

Vừa làm, các anh vừa tranh thủ tiếp chuyện chúng tôi. Họ kể có hai tổ, mỗi tổ 18 người, tuổi từ 18-50, đa phần quê Thái Bình và miền Trung và vốn là dân chạy chợ trước đây ở cả Mátxcơva và các thành phố xa do làm ăn thất bát dạt về. Thâm niên nhất là số lao động cũ thời thập niên 1980, tân binh gồm vài anh vốn là dân du lịch ở lại mới sang Nga được vài ba năm.

Ngoài vài người có kinh nghiệm làm nghề xây dựng khi còn trong nước, số còn lại tuy chưa qua trường lớp đào tạo nào nhưng tay nghề theo nhận xét của giới chuyên môn thì cũng tương đối khá. Họ nhận làm đủ mọi công đoạn, từ đào móng, đổ nền tới xây, phết giấy bồi tường, sơn trần...

Tuy nhiên, trình độ cánh thợ VN cũng chỉ mới đáp ứng được đòi hỏi của những công trình xây dựng hoặc sửa chữa nhỏ cỡ trung bình như nhà chung cư cao trên dưới chục tầng, còn loại nhà cao cấp hơn thường dành cho cánh thợ Nga, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức.

Làm việc cùng thợ nước ngoài và đặc biệt là dưới sự chỉ đạo của các kỹ sư Nga luôn tận tình và nghiêm khắc, thợ VN học hỏi thêm được nhiều cả về kỷ luật, kỹ thuật và an toàn lao động để đạt hiệu quả công việc.

Ông chủ thầu cho chúng tôi tháp tùng là Nguyễn Sĩ Xuân, 39 tuổi, quê Anh Sơn, Nghệ An, cựu sinh viên Đại học Giao thông đường sắt (MGIMO) Mátxcơva, hiện là Giám đốc Công ty xây dựng Long Vương.

Anh Xuân cho biết đây là công trình thứ 5 của Long Vương, tiếp đó sẽ thi công ở thành phố xa. Công việc xây dựng ở đâu cũng đầy vất vả và nguy hiểm, song được khoản thu nhập trung bình 500-800USD/tháng sau khi đã trừ ăn ở bù lại.

Thường thì họ làm theo tiến độ cung cấp vật liệu, đủ thi công nhanh, chậm ngược lại. Cũng có những rủi ro khó tránh khỏi như công trình đang thi công thì bị chủ đầu tư bỏ rơi, hoặc lý do tế nhị như chủ thầu và đối tác địa phương không thanh toán, khiến chủ thầu VN và thợ mất trắng.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về số chủ thầu và thợ VN tại đây, anh Xuân lắc đầu: "Chịu không nắm rõ, chưa kể tại các thành phố xa, chỉ quanh Mátxcơva có khoảng chục đội".

Chúng tôi ghé qua căn nhà tạm rộng vài chục mét vuông dùng làm nơi ăn ở cho công nhân. Hai sạp giường kê song song mỗi bên khoảng chục chiếc ngổn ngang chăn nệm, và bao quanh là các vật dụng tối cần thiết như gạo mắm, thực phẩm, bếp điện, rõ ràng thiếu bàn tay phụ nữ.

Mỗi ngày nhóm thợ cắt cử một người đi chợ và nấu nướng, sao cho đảm bảo đủ ngày ba bữa với chi phí mỗi người từ 120-150 rúp (5USD), chủ lực vẫn là cơm và các món ăn VN. Ăn ở thế cũng tàm tạm, chỉ riêng món ăn tinh thần gần như bằng không, chẳng sách báo cũng không tivi.

Ngày làm việc cật lực, tối đến cơm xong chỉ giải trí bằng cách tán dóc vài câu hoặc chơi ván cờ tướng, tú lơ khơ xong là lăn ra ngủ. Trời lạnh như vậy, nhưng do điều kiện di chuyển liên tục nên trong phòng chỉ có lò sưởi di động, lạnh quá thì tăng cường thêm... bếp điện, khá nguy hiểm.

Mang tiếng đi nước ngoài nhưng anh em cũng phải cày vất vả lắm mới dành dụm được chút lưng vốn gửi về nhà. Mà đó là phải đầy đủ giấy tờ tuỳ thân, giấy phép xây dựng cùng hợp tác với chủ thầu người Nga hợp pháp, tay nghề và kỹ thuật cũng phải đảm bảo.

Theo chúng tôi, trong thời buổi buôn bán lẻ đang eo hẹp dần với người nước ngoài ở Nga, thì ngoài các hướng đi khác như sản xuất mì ăn liền, may mặc, trồng trọt, thì chuyển sang lĩnh vực xây dựng cũng là hướng nghe nói được chính quyền sở tại khuyến khích. Về phần người VN ta thì đây cũng là hướng tạo việc làm và giúp không ít người giải quyết được khó khăn trước mắt.

Theo Võ Hoài Nam
Lao động

MỚI - NÓNG