Thơ trong ca từ nhạc Trịnh

Thơ trong ca từ nhạc Trịnh
TP - Người Việt sẽ không quên ông, không quên những giai điệu và lời ca của ông - thực chất là những bài thơ đậm chất con người.
Thơ trong ca từ nhạc Trịnh ảnh 1

Cũng như chính cuộc đời đã trở thành huyền thoại của nhạc sĩ họ Trịnh, có nhiều đồn đại về số lượng bài hát của ông. Công chúng thường phỏng đoán ông có hơn 400 ca khúc, có người nói 600, lại có dư luận nói tới 1.000 ca khúc.

Chính Trịnh, lúc sinh thời cũng không biết mình đã viết bao nhiêu ca khúc vì ông sống cuộc sống lang bạt, có lúc phải trốn tránh nên các sáng tác thất lạc khắp nơi.

Năm 1991, một sinh viên người Nhật, cô Yoshii Michico làm luận văn cao học về nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn đã sưu tầm được 196 bài hát. Một công trình công phu khác do TS.Kh. Phạm Văn Đỉnh, sưu tầm được 288 bài.

Nxb Lao Động - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây vừa ra mắt một tập sách dày dặn gần 500 trang “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng”, in trên 240 ca từ của Trịnh Công Sơn qua các thời kỳ.

Ca từ của nhạc sĩ họ Trịnh được nhìn nhận như một tác phẩm văn học qua những khảo cứu công phu của một giảng viên đại học - Nguyễn Thị Thanh Thúy (ký tên trên sách là Ban Mai): “Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam”, “Trịnh Công Sơn người tình của cuộc sống”, “Trịnh Công Sơn người ca thơ”...

Danh tiếng Trịnh Công Sơn đã lan ra ngoài biên giới từ lâu, một trong những lý do là tinh thần chống chiến tranh của những “ca khúc da vàng”. Thế giới yêu thích ông còn vì ông là một nghệ sĩ đương đại, đã ghi lại một “thế hệ bị bỏ rơi” phía Nam thời ấy.

Ông đã từng kêu lên thê thiết:

Xin cho tôi yên ngủ một ngày

Xin cho đêm không có đạn bay

(Xin cho tôi, 1965)

Ông buồn bã khi bị buộc phải làm nhân chứng cho mất mát:

Tôi mất trong chiến tranh này

Bao nhiêu bao nhiêu nụ cười

Em từ Hà Nội có bao giờ được yên vui

Bao năm lửa khói nung khô trái tim

yêu người

(Tôi đã mất, 1970).

Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè

Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi

quê hương

(Xin mặt trời ngủ yên, 1964).

Cùng trong tâm thế này là những dòng như tự dặn mình góp tiếng cho đời trong khi chiến sự vẫn leo thang hàng giờ:

Một ngày còn sống

Góp tiếng mong manh

Bạn bè ngồi quanh

Tuốt sáng giáo gươm

Từng ngày đảo điên

Giết chết linh hồn

Một ngày cầu xin

Thong dong con đường.

(Vẫn nhớ cuộc đời, 1972)

Con mắt quán chiếu của ông ghi nhận một không khí đô thị đầy bất trắc:

Đại bác đêm đêm dội về thành phố

Người phu quét đường dựng chổi

lắng nghe

...

Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng

Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng

Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn

(Đại bác ru đêm, 1967)

Và một nông thôn tan tác:

Một buổi sáng mùa xuân

Một đứa bé ra đồng

Đạp trái mìn nổ chậm

Xác không còn đôi chân

(Một buổi sáng mùa xuân, 1969)

Trong những năm tháng đem tối đó, Trịnh vẫn luôn tin về sức sống Việt:

Làm sao ta giết hết những đứa con

Việt Nam

Dù quê hương bóng tối

Trong tim vẫn chờ mong

Xưa ta không thù hận

Vì đâu tay ta vấy máu...

Cơn mơ nào vừa bừng lên trong giờ cuối

Khi viên đạn vừa cắm vào người

Tuổi trẻ Việt Nam nhìn trời sáng

phương Đông...

(Tuổi trẻ Việt Nam, 1969, đoạn điệp khúc)

Cũng trong những năm 1968 - 1969 đầy máu lửa ấy, Trịnh Công Sơn vẫn mơ đến ngày đất Việt thống nhất và vinh quang:

Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay

Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi

...

Rừng núi dang tay nối lại biển xa

Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà

Mặt đất bao la

Anh em ta về

Gặp nhau mừng như bão cát

Quay cuồng trời rộng

Bàn tay ta nắm

Nối tròn một vòng Việt Nam

(Nối vòng tay lớn, 1968)

và giấc mơ thay đổi toàn diện:

Ta đi trong cách mạng tự hào

Ta sẽ chiếm trăm công trường

Ta xây nên nghìn phố hòa bình

Đã đến ngày dựng núi đứng lên

Khắp nước nhà nở trái vinh quang

(Việt Nam ơi hãy vùng lên, 1969)

Ông mơ:

Khi đất nước tôi thanh bình

Tôi sẽ đi không ngừng

Sài Gòn ra Trung

Hà Nội vô Nam

Tôi đi chung cuộc mừng...

Mọi người ra phố mời rao nụ cười

(Tôi sẽ đi thăm, 1967)

Một tâm hồn, một tấm lòng với người Việt, với sự yên bình của đất nước. Nhưng Trịnh Công Sơn vẫn phải chịu những búa rìu công kích của một thời ấu trĩ. Nhiều tác phẩm của ông bị suy diễn, bị quy chụp, ông sống âm thầm lặng lẽ nhiều năm nhưng vẫn tỏa sáng trong lòng người yêu thơ yêu nhạc.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho biết, ngày ấy “đi đâu, bất cứ nơi nào, trong nước hay ngoài nước, nơi nào có người Việt, là nơi đó tôi được nghe nhạc Sơn”.

Nhà thơ Nguyễn Duy kể rằng, ở dọc Trường Sơn, bộ đội miền Bắc cũng đã nghe tình ca của Trịnh.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng kể lại những hồi ức về ngày đầu tiên nghe nhạc Trịnh. Anh nói: Nhạc Trịnh như làn gió khởi xa xăm đâu đó, tách khỏi hằn thù trận mạc, tha thiết một tình yêu đồng loại, giống nòi, yêu bạn bè, hòa bình, đạo lý.

Trịnh Công Sơn là người có sáng tác đa dạng và phong phú, nhưng luôn mang một dấu ấn riêng rất khó trộn lẫn. Một trong những dấu ấn đó là đến từ ca từ của ông.

Dù ông có viết tình ca như trong Tình xa (66-67), Tình sầu (1965) với những câu bất hủ: Tình yêu như trái phá/ Con tim mù lòa... Nắng thủy tinh (1963), Tưởng rằng đã quên (1972)...  hay thậm chí trong những bài hát có vẻ “tuyên truyền” như Ước mơ về dòng điện (1980) vẫn là những câu vẫn mang đậm chất Trịnh:

Dòng điện như dòng sông

Cho đời một tấm lòng

Đi qua những con đường

Hẹn hò cùng nhà máy

Chăm lo những đồng xanh.

Ít người biết Trịnh còn sáng tác cả nhạc thiếu nhi với những câu hát gần gũi với đồng dao như bài Mẹ đi vắng (1982) hoặc Vì bé ngoan:

Bờ a ba là ba của bé

mờ e me là mẹ của em

Lờ a la ba không la mắng

Đờ on đon mẹ không đánh đòn.

Bao trùm nhất và tận cùng nhất, Trịnh Công Sơn vẫn đau đáu về thân phận con người và tình yêu:

Mây che trên đầu và nắng trên vai

Đôi chân ta đi sông còn ở lại

Con tim yêu thương vô tình chợt gọi

Lại thấy trong ta hiện bóng con người

(Một cõi đi về,1974)

Đúng như nhận định của nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Gần nửa thế kỷ sáng tác ca khúc, hành trình của Trịnh Công Sơn là hành trình của một trái tim yêu người, yêu giống nòi, các nhà thơ từ Nam đến Bắc đều coi anh là thi sĩ”.

Và không như ông tự nhận cuộc đời mình là “vết chân dã tràng”, người Việt sẽ không quên ông, không quên những giai điệu và lời ca của ông - thực chất là những bài thơ đậm chất con người.

MỚI - NÓNG