Thơ, thở nhẹ giữa hoan ca

Nhà thơ Đinh Hoàng Anh cùng chồng họa sĩ Thái Tĩnh trong một buổi Hát Thơ bên bờ nước. ảnh: NVCC
Nhà thơ Đinh Hoàng Anh cùng chồng họa sĩ Thái Tĩnh trong một buổi Hát Thơ bên bờ nước. ảnh: NVCC
TP - Đinh Hoàng Anh là một thi sĩ thật hiếm hoi hiện thời, khi mỗi dòng thơ của chị đều giúp ta chạm vào nỗi hoan ca thật dịu dàng, và lạ lùng. Nó khiến hơi thở ta trở nên nhẹ bẫng, thấy lồng ngực mở rộng đón nhận biết bao trăng sao, cây cỏ, mùa màng và những dòng nước chảy…

Một lần trong vườn có cây hoa hồng nở hoa ngay trước cơn mưa. Sáng hôm sau cánh hoa tan nát. Thi sĩ thầm hỏi cây "Sao bạn không chờ đợi thời khắc tốt hơn để bừng nở, cho hoa được bề lâu". Cây hồng thì thầm trả lời "Mọi thời khắc đều tốt đẹp. Và không quan trọng hoa lâu bền hay không, quan trọng là việc nở hoa" (Thời khắc nở hoa).  Ừ, vậy thôi mà. “Trong cuộc đời thật dài của con người, có biết bao giây phút để có thể nở hoa/ Nhưng ta thường quên đi điều đó” (Khúc ru số 12 – Nở hoa).

Còn đây nữa. “Đôi khi tôi mở cửa mời nỗi buồn vào nhà/ Người bạn ấy vẫn chờ tôi bên ngoài, với làn môi tím ngắt và đôi tay giá lạnh…/ Vào đi, rồi cùng tôi nhấp chén trà phảng phất mùi vị của hoa cúc ướp khô từ những mùa thu xưa, và chúng ta sẽ trò chuyện trong im lặng/ Vào đi, cùng nghe mưa, và có thể cùng khóc khe khẽ với đất trời/ Để rồi ngày mai, khi bạn ra đi, tôi lại dõi theo những vết chân trên cỏ ướt, lung linh những vụn trời xanh” (Khúc ru số 29 – Nỗi buồn).

Đinh Hoàng Anh có thật nhiều những câu thơ, tứ thơ đẹp, sâu lắng suy tư mà nhẹ nhõm, thanh thoát, phảng phất Kahlil Gibran, Whitman.

“Lần theo hàng phím, như tìm về vùng đất cổ xưa/Nơi có người tình cũ bao năm vẫn đợi ta bên chiếc lò sưởi nhỏ/Bên ngoài cửa là tuyết rơi trắng xóa những cành gầy…/Những ngón tay dạo chơi giữa hai bờ sinh tử của những hàng phím trắng và đen/ Đâu đó là ánh sáng xuyên băng giá, đâu đó là vực sâu không đáy…/ Những ngón tay khô nhưng không hề run rẩy vẽ lại ánh trăng và cầu vồng sau cơn mưa trên hàng phím đã ngả màu/ ta chợt thấy tuyết đậu xuống tay ta như những bông hoa màu trắng/ Mùi hương của chúng rơi thật khẽ vào tim ta” (Khúc ru số 24 – Hàng phím cũ)

Đó phải chăng là hồi ức những năm tháng dài gần suốt thời thanh nữ học tập trên quê hương Puskin, Olga Berggoltz, từ thời là cô sinh viên khoa Toán  cho đến ngày lấy bằng tiến sĩ, với nhiều công trình nghiên cứu? Sự “chính xác” của một chuyên gia Toán học trong thơ ra sao, và sau này là một doanh nhân, một thiền nhân?

Mới đây tại Đà Nẵng, cùng chồng hát thơ ra mắt “Nguyện Ca” - tập thơ thứ 12 sau 11 năm chính thức in sách, Đinh Hoàng Anh tự bạch “làm thơ như quá trình gọt vỏ, đi vào bên trong, sâu dần, chạm tới cốt lõi, về với con người ngây thơ trong sáng từ rất nhỏ. Đến lúc viết rất đơn giản không cần dụng công. Nghe xung quanh cây cỏ đất trời, mưa lộ ra bên trong. Hồi trước cơn mưa nhắc hoài niệm. Sau này thấy thiên nhiên ở bên trong mình rồi…”. Vậy có là “chính xác” không, khi nhân gian này mãi loay hoay với lối đi dưới chân mình để rồi cứ mơ hồ, lầm lẫn? Khi con người muốn ngôi sao bản mệnh bật sáng lên để rọi đường, thì “trước tiên phải tắt đi mọi ngọn đèn phù phiếm, mọi hy vọng hão huyền, mọi bám víu vào những người xung quanh” (Sao chỉ đường)

 * *

Hồi cuối năm rồi, tôi có hẹn với Đinh Hoàng Anh tại sân bay Đà Nẵng. Để tặng chị cuốn sách, trước giờ chị bay về Hà Nội. Sát giờ, ngó ra thấy từ chiếc xe 4 chỗ vừa đậu bước xuống ba người. Một người đàn ông vóc dáng cao lớn, gương mặt như tượng tạc, râu tóc gió thổi như Tiêu Phong. Một phụ nữ nhỏ nhắn, gương mặt và ánh mắt phảng phất nét xinh đẹp dịu dàng nhưng nước da khá nhợt nhạt. Và một cậu thiếu niên. Ngoài đồ đoàn, hành lý, từ trên xe còn chuyển xuống một chiếc bình khí oxi bằng thép cỡ lớn. Sau mới hay, bình oxi ấy dành cho chị, đề phòng những “cơn ngạt thở tình cờ” (tên tập thơ của nhà thơ trẻ Trần Lê Sơn Ý). Hoàng Anh kể mấy hôm trước ở Hội An, một cơn ngạt thở tìm đến lúc gần sáng, không nhờ tài điểm huyệt của họa sĩ Thái Tĩnh thì giờ có lẽ chị đã “ở đâu đó” rồi! Căn bệnh hen suyễn (hay xẹp phổi gì đó) hành chị từ khi còn trẻ. 

Con người cứ loay hoay với câu hỏi, rồi loay hoay với câu trả lời, rồi loay hoay trong vô vàn giấc mộng về sự thức tỉnh. Thế mà bước đầu tiên để có sự an nhiên tự tại, là vứt đi mọi câu hỏi trên đời. Bởi vì hằng ngày cỏ cây hoa lá trời mây nước gió vẫn trả lời ta, mỗi hơi thở của ta cũng trả lời ta, nhưng ta không nghe đó thôi”.          Đinh Hoàng Anh

Loay hoay mãi họa sĩ Thái Tĩnh vẫn không làm được thủ tục để đưa chiếc bình thép đựng oxi lên máy bay. Anh nói chưa phải dùng đến thứ này, nhưng vẫn muốn đem theo đề phòng bất trắc dọc đường…Cuối cùng, tôi “ôm” giùm cái bình chuyển trả cho người anh họ của chị là nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng khi ấy cũng đang ở Đà Nẵng.

Từng một thời thiếu phụ tuổi Bính Ngọ ấy “Cào rách mạch máu xé toang hơi thở/ Nghe con tim chạy lồng như ngựa hoang/ Về phía mùa đông xám/ Không mùi hương dịu/ Không hoa trắng bay/ Không có chân trời... (Mở cửa). "Đôi khi, ta gặp một ai đó, và như thể bỗng nhiên đứng trước vực thẳm/ Mở ra toang hoác vô vàn vết thương.../ ta cảm thấy thật rõ trái tim người mang chúng đang bị bóp nghẹt/ Và chính ta cũng dường như ngạt thở" (Sợi tơ trên vực thẳm).

Rồi đến một chặng “thở” nhẹ mới giữa hoan ca: "Lắng vào từng hơi thở, từng nhịp đập của nguồn năng lượng vô biên đang chảy trong ta... sẽ nhận ra mọi kho báu bí ẩn, huyền nhiệm nhất" (Tìm kiếm). “Và từng hơi thở của ta đều nhắc nhở về điều đó/ Xin đừng nói về mùa cây thay lá…/ Đừng nói về nỗi buồn, hãy sống nó, hãy sống những giấc mơ một cách tràn trề nhất, chỉ có điều không quên về bước chân của người lữ khách vẫn nhịp nhàng đi bên trong ta, trong từng hơi thở không ngưng nghỉ suốt cuộc đời ta” (Khúc ru số 26 – Mùa cây thay lá)

Thơ Đinh Hoàng Anh bền bỉ, nhẫn nại ngợi ca cuộc sống. Nhiều khi không quan tâm đến chắt nén câu thơ, bài thơ thường như những những đoản văn trôi miên man. Tự nhiên như hơi thở, như nước. “Một dòng sông khác một cái giếng ở chỗ không lưu giữ chút gì của ngày hôm qua, và chỉ khi đó sóng mới có thể hòa điệu với từng hơi thở của đất trời” (Hoa sen một ngàn cánh).

Một dòng thơ hiếm hoi giữa thế gian đang quá ồn ào. Như “tiếng rung của dây đàn còn vọng trong thinh không, khi ngón tay đã buông”. Như hơi thở, như không khí “càng trao đi nhiều nước càng tươi mới và trong sạch”. 

__________

Thơ trong bài viết trích từ hai tập “Hát bên dòng nước chảy” (NXB Văn học, 2017) và “Nguyện cầu” (NXB Văn học, 2018)

MỚI - NÓNG