Không có đột biến của cảm xúc
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: “Thơ ca về tình yêu thường đề cập tới hai trạng thái. Một là sự đam mê khát vọng, cuồng nhiệt. Hai là, đánh mất nó và đớn đau. Cả hai trạng thái này đều tạo ra sự chênh vênh của cảm xúc, sự đột biến của cảm xúc, nên trong thơ tình mới xuất hiện những câu thơ đầy rồ dại, lãng mạn, liều lĩnh, phiêu lưu”.
Chính đặc điểm có ở thơ tình yêu lại thiếu trong thơ viết cho vợ. Thi sĩ Nguyễn Quang Thiều nói tiếp: “Còn với vợ thì sự liều lĩnh trong ái tình ít đi, thậm chí không còn nữa. Người ta ở trong cảm giác chỉn chu, bình lặng, cân bằng, an toàn, không có đột phá, xung đột. Vi thế, ít tạo ra bùng nổ của cảm xúc, của ngôn ngữ. Thơ viết cho vợ thường chân tình, đằm thắm, thậm chí biết ơn”.
Nhà thơ Lương Ngọc An chia sẻ với phóng viên Tiền Phong góc nhìn khác: “Các nhà thơ toàn làm thơ tình/thất tình nên người yêu, phụ nữ nói chung mới là đối tượng, là nhân vật để dùng thơ tỏ tình. Khi đã thành vợ là… hết. Thậm chí thơ thất tình vẫn là mạch chính trong dòng thơ tình, bởi chính sự mất mát, hụt hẫng, mới dễ thành thơ. Thơ tình viên mãn cũng đã là hiếm. Ít người làm thơ tặng vợ cũng là vì thế”.
“Thương vợ”, “Nhớ vợ” hay “Vợ ơi”?
Nhắc đến nhà thơ sáng tác nhiều thơ về vợ, người yêu thơ sẽ chọn Nguyễn Duy. Vợ ơi của Nguyễn Duy là một thi phẩm được không ít độc giả thuộc lòng:
“Khi trong túi có mấy đồng ngọ nguậy
Ta chạy rông như gì nhỉ-quên đời
Lúc xơ xác bờm xờm từ sợi tóc
Đói lả mò về
Cơm đâu
Vợ ơi…
Và tao tác bạn bè cơn hoạn nạn
Đòn du côn tóe máu tâm hồn
Và tung tóe cả bướm vàng bướm trắng
Này giọt cay giọt đắng giọt buồn nôn
Móc họng mửa ra cầu vồng bảy sắc
Vợ dìu ta
Từng bậc
Thang mòn…
Đêm huyền ảo một kinh kì se lạnh
Một mình ta cô quạnh giữa muôn người
Mặt sông lạ gợn nếp nhăn đuôi mắt
Bủn rủn buồn
Ta thầm kêu Vợ ơi…
Có lẽ đến thời điểm này, Nguyễn Duy vẫn là nhà thơ Việt Nam duy nhất có tuyển thơ tặng vợ. Ông đã nói hộ tâm tình của bao người đàn ông với bạn đời của mình: “Trời cho sống ta cũng già em ạ / Con thương cha không bằng bà thương ông / Tình như rượu chôn lâu đằm lịm / Cuối đời đem ra nhấm mới mềm lòng”.
Không có hẳn tuyển thơ tặng vợ như Nguyễn Duy nhưng chỉ với Nhớ vợ đã giúp Cầm Vĩnh Ui (Cầm Giang) tạo chỗ đứng trong lòng độc giả. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều “bỏ phiếu” cho Nhớ vợ: “Tôi nhớ vợ tôi lắm / Xin được về hai ngày / Nhà tôi ở Mường Lay / Có con sông Nậm Rốm / Ngày kia tôi sẽ đến / Lại cầm súng được ngay / Tôi càng bắn đúng Tây / Vì tay có hơi vợ…”.
Theo ông, đây là bài thơ thành công nhất ở mảng đề tài thơ tặng vợ của các thi sĩ Việt: “Nhớ vợ chứa đựng khát vọng của yêu đương, hơi nịnh vợ một chút. Thi phẩm nói được sự xúc động, trong đó có tình nghĩa, có sự khao khát, có những trạng thái đầy yêu thương trai gái…”.
Thương vợ của Trần Tế Xương (bút danh Tú Xương) là bài thơ viết về vợ hân hạnh được vào sách giáo khoa: “Quanh năm buôn bán ở mom sông / Nuôi đủ năm con với một chồng / Lặn lội thân cò khi quãng vẵng / Eo sèo mặt nước buổi đò đông…”.
Tú Xương cũng viết cho vợ rất nhiều trong đó có Văn tế sống vợ. Người kế tục Tú Xương ở dòng thơ trào phúng là Tú Mỡ (tên thật Hồ Trọng Hiếu). Nhắc đến Tú Mỡ không thể không nhắc đến bài thơ Khóc người vợ hiền: “Bà Tú ơi! Bà Tú ơi /Té ra bà đã qua đời, thực ư? / Tôi cứ tưởng nằm mơ quái ác / Vùng dậy là tỉnh giấc chiếm bao…”.