Trong đề thi có câu phân tích tư tưởng "Đất nước của Nhân dân" và câu Nghị luận, "Sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai?", trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày.
Nhận định về đề thi, thí sinh, Đặng Lê Tuấn, thí sinh tại điểm thi THCS Đại Kim, quận Hoàng Mai cho biết, đề Văn năm nay dễ, không có yếu tốt bất ngờ. Tuấn làm trọn vẹn đề Văn không hết thời gian. Em cũng chia sẻ, nội dung của đề năm nay phần đọc hiểu là một đoạn trích ngoài sách giáo khoa và yêu cầu thí sinh trả lời các câu hỏi cơ bản, không làm khó thí sinh. Phần Làm văn câu 5 điểm đề ra tác phẩm Đất nước của nhân dân, tác giả Nguyễn Khoa Điềm cũng đã được thầy cô giáo ôn rất kỹ.
Thí sinh Nguyễn Võ Quang Trung, trường THPT Thanh Hà, Huyện Lạc Thủy, Hòa Bình cho rằng, đề năm nay cơ bản, không lắt léo, không có gì bất ngờ, đánh đố thí sinh.
Dù thi ban A, nhưng Trung vẫn làm được ít nhất 70% các câu hỏi trong bài thi với trên 2 tờ giấy thi: “Đề này nhiều bạn em trong phòng đều làm được, chỉ dừng bút trước 10-15 phút để đọc lại bài”- Trung chia sẻ.
Với em Lê Nguyệt Anh, trường THPT Thanh Hà, Huyện Lạc Thủy, Hòa Bình em viết ngắn gọn chỉ trong một tờ giấy thi và xong bài khi còn 15 phút.
Các thí sinh trao đổi với nhau lại bài thi môn Ngữ Văn. Ảnh: Đỗ Hợp
Đề Văn không khó, không quá bất ngờ
Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) nhận xét, đề thi Ngữ văn văn nay yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức cơ bản, không khó.
Ở phần I, phần đọc hiểu, ngữ liệu đoạn trích khá hay. 4 câu hỏi yêu cầu thí sinh trả lời cũng bao gồm các kiến thức cơ bản, không đánh đố, không làm khó thí sinh. Phần làm văn, câu 1, đề yêu cầu thí sinh viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày khá thiết thực với mục đích giáo dục. Đó là, trân trọng cuộc sống từng ngày.
Câu nghị luận xã hội đề cập tới bài thơ “Đất nước của nhân dân” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được đánh giá là khó nhất trong chương trình SGK lớp 12 hiện hành nhưng đoạn thơ yêu cầu các em phân tích lại là đoạn thơ rất cơ bản, thầy cô nào cũng giảng dạy rất kỹ cho học sinh trên lớp. “Đoạn thơ tuy có hơi dài nhưng nếu học sinh có học lực khá sẽ giải quyết được trọn vẹn nội dung đề yêu cầu.
“Tóm lại, đề thi năm nay không khó, không có yếu tố bất ngờ, phù hợp với kỳ thi đặc biệt năm nay. Một năm việc học chắp vá, ngắt quảng bởi dịch bệnh COVID-19”, cô Nga nói. Cô Nga cũng dự đoạn, với đề thi này, phổ điểm sẽ ở mức 6- 7 điểm”- Cô Nga nhấn mạnh.
Cô Nguyễn Đình Thị Thủy, giáo viên dạy Văn của Trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội) cho rằng, đề thi Ngữ văn văn nay cơ bản, đáp ứng được yêu cầu và cấu trúc, kĩ năng cho học sinh lớp 12.
Cô Thủy cũng cho biết thêm, phần đọc hiểu mức độ nhận biết được ưu tiên nên học sinh mức trung bình và trung bình khá cơ bản đều trả lời được.
Phần nghị luận xã hội cũng không bị cứng nhắc, gần gũi với nhận thức, lối sống của giới trẻ và cũng có tính phân loại đòi hỏi học sinh phải tư duy, nhận thức được được quan điểm sống tích cực.
Tuy nhiên, theo cô Thủy, câu nghị luận văn hoạc cho đoạn thơ hơi dài so với lượng thời gian của bài thơ.