Thờ mẫu, lên đồng ở bảo tàng

Trưng bày tín ngưỡng đạo Mẫu thu hút cả người nước ngoài. Ảnh: T.Toan
Trưng bày tín ngưỡng đạo Mẫu thu hút cả người nước ngoài. Ảnh: T.Toan
TP - Xem tư liệu lên đồng cùng hình ảnh sinh động tại trưng bày Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui trong cuộc sống đương đại, ở bảo tàng Phụ nữ khai mạc sáng 5-1.

> Tùng Dương: Thích mặc vest, chân đất lên đồng

Trưng bày tín ngưỡng đạo Mẫu thu hút cả người nước ngoài. Ảnh: T.Toan
Trưng bày tín ngưỡng đạo Mẫu thu hút cả người nước ngoài. Ảnh: T.Toan.
 

Bàn thờ Mẫu được xem là tâm điểm phòng trưng bày- đủ tượng, hoành phi, câu đối và đồ lễ. Nhiều hiện vật, hình ảnh khác xoay quanh đạo Mẫu, với nghi thức chính là lên đồng, theo thiết kế của chuyên gia bảo tàng Mỹ. Thậm chí, còn có cả phòng nhỏ bên cạnh gian trưng bày, người xem có thể ghé qua xem phim tư liệu về giá hầu đồng. Công chúng tận thấy trang phục các ông đồng, bà đồng ăn vận ở các giá hầu. Người ta còn dựng manequin vận trang phục ông Hoàng Mười, đang đề thơ trên quạt giấy.

Nghề may trang phục ở làng Hoàng Xá (Thường Tín, Hà Nội), nghề làm mã gắn trực tiếp với nghi thức lên đồng; hình ảnh của các giá hầu đồng của giới ông đồng bà cốt khắp cả nước… được tái hiện qua áp phích ảnh kèm chú thích tỉ mỉ.

Trưng bày gồm bốn chủ đề Mẫu-Tâm-Đẹp-Vui tương ứng 4 màu đặc trưng của Tứ phủ: đỏ-miền trời, trắng-miền nước, vàng-miền đất và xanh-miền rừng. Không gian trưng bày tại tầng 3 tòa nhà B không quá rộng, nhưng phần nào tái hiện những giá trị cốt lõi của đạo Mẫu.

Người xem dễ dàng đọc chú giải, qua mấy chục phỏng vấn với các thanh đồng, người dân thực hành đạo Mẫu: “Tùy theo khả năng của mỗi người- con giàu một bó con khó một nén- những người có điều kiện thì sắm sửa lễ nghi tươm tất hơn. Nhưng ở quê những người nghèo, tâm người ta có thế nào thì người ta sắm thế đấy”, bà đồng Mai Thúy Vịnh, 60 tuổi Duy Tiên, Hà Nam.

“Tôi thấy hầu đồng rất đẹp, đẹp ở phong thái tôn nghiêm, đúng phép Thánh. Trình diễn các giá chính là nghệ thuật diễn xướng, không phải cái gì mờ ảo, hoang tưởng cả”, bà Nguyễn Thị Thúy, 63 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội. Vui nhân lên khi được lộc Thánh, vì họ tin rằng “một miếng lộc Thánh bằng một gánh lộc trần”.

Không phải chốc lát các nhà nghiên cứu, trưng bày đưa được ý tưởng về tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời và biến chuyển, phù hợp tới đời sống ngày nay.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy, TS Laurel Kendall từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ trong vai trò cố vấn, James Hicks đến từ New York phụ trách thiết kế, cùng nhiều thành viên âm thầm nghiên cứu đạo Mẫu từ tháng 6-2009 đến nay mới công bố.

TS Laurel Kendall chia sẻ: “Ấn tượng của tôi về đạo Mẫu khi quyết định làm trưng bày: Tâm-Đẹp-Vui. Chủ đề Tâm nổi lên trong quá trình phỏng vấn một số người thờ Mẫu, cho chúng tôi ấn tượng rất mạnh: Suy nghĩ của những người theo đạo Mẫu, họ muốn làm việc thiện đến đâu. Tiếp đến, khi nói đến đạo Mẫu, một trong những nghi lễ đẹp là lên đồng- nghệ thuật trình diễn. Nó còn mang lại cho tất cả niềm vui”.

Chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu nghi lễ lên đồng Laurel Kendall (từng làm triển lãm Hành trình Việt Nam ở Mỹ, sau đó trưng bày ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) nói thêm, bà bắt đầu nghiên cứu nghi lễ lên đồng của người Hàn Quốc cách đây 30 năm, sau nhận thấy khá nhiều điểm tương đồng với nghi lễ ở Việt Nam.

Từ năm 1998, Lauren bắt đầu tham gia hầu đồng Việt Nam. “Khi người ta thực hiện nghi lễ lên đồng, như trình diễn trên sân khấu, mang tính nghệ thuật, có cả yếu tố kịch tính. Vì thế, không có gì mâu thuẫn khi nói lên đồng là nghệ thuật trình diễn”, Lauren Kendall nói.

Không nên cấm lên đồng

Đưa đạo Mẫu, lên đồng để UNESCO công nhận là cả quá trình dài. Chúng ta phải làm từng bước, để xã hội nhận thức đúng giá trị nhân văn, giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu. Về ý định cấm lên đồng, đương nhiên là không thể, vì nó có sức trường tồn đến ngày nay. Những cái gì chưa đúng, chưa hợp lí thì ta điều chỉnh dần, có cấm là cấm những hành vi trục lợi, vi phạm pháp luật.

Chúng ta cũng không nên đưa ra khái niệm mê tín dị đoan, vì nó làm méo mó tín ngưỡng dân gian này. Xã hội cũng nên loại bỏ khái niệm này, bởi suy nghĩ này là cách quản lí của mấy chục năm trước, làm hỏng văn hóa của ta rất nhiều.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG