Thơ vào đề thi kể rằng anh chồng cai sữa cho con bằng cách bôi “dung dịch màu vàng” lên “đôi gò bồng đảo” của vợ để con “ngậm cay khỏi bú”. Đi làm được một lúc, anh sực nhớ lúc sáng bôi nhầm thuốc cực độc cho vợ, bèn hốt hoảng phóng về. Đến nhà thấy đông người xúm xít, anh chồng suýt ngã lăn vì sợ, thì thằng cu con 4 tuổi từ nhà phóng ra hổn hển mách, rằng chú hàng xóm “chết trong kia ba ạ…!”.
Bài thơ khiến nhớ lại “Thư gửi bố…” một dạo từng bị phạt te tua.
Bài thơ kể trên dùng làm đề thi chỉ dành cho người lớn, cũng còn may. Còn đây là thơ được coi là cẩm nang giáo dục trẻ con: “Việt Nam nhiều loại sữa ngon/ Sử dụng hợp lý thì còn hơn Tây”; “Cái miệng xinh xắn ngọt ngào/ Sinh ra là để xin chào, hê lô (hello)”, hehe…
Đấy, ai cứ nói xấu thơ và tất nhiên là cả người làm thơ, mặc kệ. Thơ có giá thế, sống khỏe thế, kể cả khuyết danh lẫn vô danh, làm gì được nhau.
Tất nhiên trên mạng đang có khối lời chỉ trích việc lấy thơ “nhảm” để làm đề thi nghiêm túc. Nhất là với giới luật học. Cũng như bó tay với loại “thơ” vừa khiến nhiều tập đoàn “giành nhau mua” từ nửa tỉ đến vài tỉ như báo chí tung tẩy!
Cho dù sản xuất ra vần vè cho trẻ con không đặt nặng những cái gọi là thi pháp cầu kì. Nhưng không phải sự nôm na mách qué giả giọng nào cũng đồng nghĩa với sự hồn nhiên trong sáng thực sự của tuổi thơ.
“Chịu đựng, kiên nhẫn dựng xây/ Vượt qua khó nhọc sẽ đầy vinh quang”. “Khơi nguồn văn hóa đọc” mà nhiều vị phong tặng là đấy, còn gì!