Thịt nghi bẩn từ 21 nhà máy Brazil: Chưa vào Việt Nam

Người tiêu dùng khó có thể phân biệt thịt lợn sạch và thịt lợn bẩn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Người tiêu dùng khó có thể phân biệt thịt lợn sạch và thịt lợn bẩn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Gần 3.000 tấn thịt từ Brazil đã  nhập vào Việt Nam từ đầu năm đến nay. Một số nhà máy sản xuất thịt của Brazil bị nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm và đang bị điều tra.

Siêu thị  “thề” không nhập thịt từ Brazil

Khảo sát của PV Tiền Phong tại siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội) ngày 24/3, không có thịt xuất xứ từ Brazil. Đại diện siêu thị Big C cho biết, từ trước đến nay, siêu thị không nhập bất kỳ loại thịt nào có xuất xứ từ Brazil. Siêu thị chủ yếu bán thịt nhập từ Mỹ, Úc.

Tại siêu thị Co.opmart (Hà Đông, Hà Nội), hàng bày bán chủ yếu được chăn nuôi và giết mổ trong nước, một số ít nhập khẩu từ Mỹ và Úc.  Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách Co.op mart Hà Đông cho biết các siêu thị thuộc hệ thống Co.opmart từ trước đến nay không bán thịt nhập khẩu từ Brazil, sản lượng tiêu thụ chủ yếu là mặt hàng chăn nuôi trong nước. Theo bà Dung, hệ thống chỉ bán những mặt hàng nhập khẩu nào truy rõ được nguồn gốc.

“Khi nhập khẩu mặt hàng nào chúng tôi phải sang tận nước đó xem quy trình sản xuất, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn mới nhập về bán tại hệ thống. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung từ một mối và thuận tiện trong việc kiểm soát chất lượng, toàn bộ thịt của siêu thị, bao gồm thịt nhập khẩu là của nhà cung cấp Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản  (Vissan). Tại hệ thống siêu thị của co.opmart, khách hàng có thể dùng điện thoại truy xuất ngay nguồn gốc thịt bày bán”, bà Dung nói.

Tại siêu thị Lotte Đống Đa (Hà Nội), gần cuối giờ chiều, lượng người đổ vào siêu thị ngày một đông. Trong giỏ hàng của nhiều khách hàng, mặt hàng thịt tươi sống chiếm đa số. Chị Bích Quyên (Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Mấy hôm nay nghe báo đài nói thịt bẩn từ Brazil nên tôi chủ yếu vào siêu thị mua thịt gà VietGap, thịt lợn của CP và thịt bò nhập khẩu từ Úc cho an toàn chứ không dám ra chợ mua”.

Ông Bùi Mạnh Hải, Giám đốc siêu thị Lotte Đống Đa khẳng định, siêu thị chưa bao giờ bán thịt nhập khẩu từ Brazil mà chủ yếu thịt nhập từ Úc, Mỹ. Mọi đơn vị phân phối đưa hàng vào siêu thị đều phải đầy đủ giấy tờ.

Không có lô thịt nào nhập từ 21 nhà máy bị điều tra

Ngày 24/3, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay, không có bất kỳ lô hàng thịt nào có nguồn gốc từ 21 nhà máy của Brazil đang bị điều tra được nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngoài ra, Đại sứ quán Brazil tại Hà Nội khẳng định với Cục Thú y, phía Brazil đã lập tức cấm 21 nhà máy sản xuất thịt đang bị điều tra lưu hành sản phẩm thịt ra thị trường trong và ngoài nước. Cục Thú y cho biết, qua rà soát, cục chưa phát hiện lô hàng nào nhập khẩu vào nước ta có nguồn gốc từ 21 nhà máy bị điều tra.

Theo lãnh đạo Cục Thú y, sau khi có thông tin về một số nhà máy sản xuất thịt của Brazil bị nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm và đang bị điều tra, Cục đã họp khẩn cấp với các cơ quan thú y cửa khẩu. Cục này yêu cầu các trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu kiểm soát chặt, rà soát các lô hàng thịt từ Brazil nhập vào Việt Nam xem có nguồn gốc từ các nhà máy bị điều tra
hay không.

Trước đó, trước thông tin nguy cơ thịt “bẩn” tuồn vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã quyết định tạm ngừng nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil đang bị điều tra vì nghi ngờ sản xuất thịt “bẩn”, có hiệu lực ngày 23/3/2017. Bộ này cũng yêu cầu cơ quan thú y, kiểm soát chặt các lô hàng thịt được chuyển lên tàu, máy bay để vận chuyển từ Brazil về Việt Nam trước ngày 23/3.

Cục Thú y khuyến cáo người tiêu dùng, nếu có nhu cầu sử dụng thịt nhập khẩu, nên đến các siêu thị, cửa hàng…có uy tín để mua thịt. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần xem xét kỹ nguồn gốc thịt (thùng, kiện thịt nhập khẩu đều có nhãn mác ghi rõ ràng nguồn gốc xuất xứ thịt), tránh bị các tổ chức, cá nhân gian lận trong buôn bán.

Thịt nhập khẩu chủ yếu về  từ Mỹ, Ấn Độ,  Úc

Liên quan đến việc Bộ NN&PTNT tạm dừng nhập khẩu (NK) thịt gia súc, gia cầm từ Brazil do nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (thuộc Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính), cho biết đến nay đơn vị vẫn chưa nhận được văn bản cụ thể nào của Bộ NN&PTNT về việc phối hợp kiểm tra, giám sát.

“Hoạt động nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm vẫn được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Riêng mặt hàng thịt gia súc, gia cầm luôn phải tăng cường kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm. Đây là mặt hàng phải bảo quản tốt, nếu không có căn cứ và văn bản chính thức của các bộ ngành thì hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện bình thường. Nếu tạm dừng thông quan hàng hóa không có căn cứ sẽ gây hư hỏng, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp” – vị đại diện này nói. Được biết, thịt gia súc và gia cầm của Brazil chủ yếu nhập khẩu ở khu vực cảng biển Hải Phòng và TPHCM.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến hết ngày 15/3, cả nước nhập khẩu 2.780 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD. Trong đó, thịt và phụ phẩm khác của gà thuộc loài Gallus domesticus với tổng trọng lượng 1.540 tấn, trị giá hơn 1,5 triệu USD; tiếp theo là cánh gà thuộc loài Gallus domesticus với 770 tấn, trị giá hơn 1,4 triệu USD; các loại thịt và phụ phẩm dạng thịt khác là 470 tấn, trị giá hơn 1 triệu USD.

Cũng theo Tổng cục Hải quan tính từ đầu năm đến ngày 15/3, cả nước nhập khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ trị giá 65 triệu USD. Hoa Kỳ là thị trường cung cấp thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ lớn nhất cho Việt Nam với tổng giá trị nhập khẩu hơn 20 triệu USD, chiếm tỷ trọng 31,7% trị giá kim ngạch; đứng thứ hai là thị trường Ấn Độ với 15 triệu USD; chiếm tỷ trọng 23,4%; thị trường Australia đứng thứ ba với hơn 8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 13,4%, thị trường Brazil đứng thứ tư với tỷ trọng 6,2%...

Năm 2016 cả nước nhập khẩu một lượng lớn thịt và phụ phẩm dạng thịt xuất xứ từ Brazil với 21 nghìn tấn, trị giá gần 25 triệu USD, giảm 0,1% về lượng, nhưng tăng 4,7% về trị giá so với năm 2015.

Sau khi có thông tin về vụ bê bối thịt bẩn, Bộ Công Thương đã gửi công văn hỏa tốc tới Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính đề nghị phối hợp chặt chẽ, cũng như kiểm soát các mặt hàng thịt và sản phẩm từ thịt được nhập khẩu từ Brazil. Đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ theo dõi sát vụ việc, và đưa ra khuyến cáo cho người dân.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Brazil, hai tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt với trị giá kim ngạch đạt 12,8 triệu USD, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam. Các số liệu nhập khẩu cũng cho thấy, lượng thịt nhập khẩu từ Brazil sang Việt Nam có chiều hướng tăng mạnh thời gian gần đây. “Các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm các sản phẩm thịt nhập khẩu từ Brazil thực sự an toàn đối với người tiêu dùng”, Thương vụ Việt Nam tại Brazil khuyến cáo.

MỚI - NÓNG