Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: Tài sản cán bộ, người dân biết hết!

TP - “Việc kê khai tài sản bây giờ không chính xác, lại hình thức quá. Anh giấu được ai chứ làm sao giấu được người dân? Họ biết hết, cái chính là người ta có nói hay không”, ĐBQH, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 chia sẻ với Tiền Phong bên lề kỳ họp ngày 20/11.

Theo chương trình kỳ họp, hôm nay (21/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận tại tổ, cá nhân ông từng cho rằng, kê khai tài sản cần phải kê ba đời. Ông có thể nói rõ hơn về việc này?

Việc kê khai tài sản ba đời đã được làm từ lâu rồi chứ có phải bây giờ mới làm đâu. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản ba đời ít người thực hiện, lại không được chú trọng. Phải kê khai, xem đời ông mình có gì, đời bố mình có gì, rồi đời mình có gì, cứ nói rõ ra, sao phải giấu giếm?

Kê khai tài sản là một vấn đề, nhưng kê khai xong thì cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm thẩm định lại. Đồng thời, kê khai đó phải được xác minh ở địa phương mà cán bộ đó cư trú hay cơ quan mà cán bộ đó làm việc, xem kê khai đó đúng hay chưa đúng thì mới chính xác.

Thực tế vừa qua việc thu hồi tài sản còn rất hạn chế. Nhiều người cho rằng, chúng ta đang bất lực trước tài sản bất minh, không rõ nguồn gốc?

Tài sản bất minh thì có nhiều vấn đề, mất nhiều thời gian, vì cần quá trình điều tra, xác minh. Kết luận về một con người không hề đơn giản, bởi còn liên quan đến sinh mệnh chính trị, nghề nghiệp của người ta. Không thể nói bừa mà phải chính xác.

Còn thu hồi tài sản, chủ yếu là do chúng ta chưa cương quyết. Tài sản tham nhũng chẳng lẽ có cánh mà bay? Nó chỉ có vào những người thân, người quen chứ chẳng đi đâu cả.

Trước nay, việc thanh tra tài sản thường chỉ thực hiện khi báo chí đưa ra. Trong khi tài sản thì người dân xung quanh biết cả. Họ biết thừa, chỉ có điều có nói không thôi.

Việc kiểm soát, ngăn chặn tẩu tán tài sản trước mắt cũng khó, nhưng với điều kiện hiện nay, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, các cơ quan pháp luật vào cuộc rất mạnh, tôi nghĩ ít nhiều cũng răn đe một số cán bộ có hành vi tham nhũng.

Trước mắt khó khăn, nhưng về lâu dài có thể thu hồi được, còn thu hồi được bao nhiêu thì chưa rõ. Đó là mong muốn của Đảng, Nhà nước, của cử tri, nhân dân và cá nhân tôi cũng thế.

Ông có hiến kế gì để nâng cao kết quả thu hồi tài sản trong thời gian tới?

Không có gì khó khăn, nhưng cơ quan chức năng đi thực hiện nhiệm vụ để thẩm định, kiểm tra, xác minh tài sản phải là những người thực sự liêm chính, chí công, vô tư mới làm được, còn nếu vì động cơ, mục đích gì đó sẽ không làm được.

Tôi đã nghiên cứu rất nhiều chủ trương chống tham nhũng của nhiều nước, trong đó có Trung Quốc. Nhiều cán bộ trước đây chống tham nhũng rất mạnh, rồi bị cho nghỉ. Sau này họ đã tranh thủ ý kiến các vị này, nên xác định và làm không có vụ nào oan cả.

Ông vừa nói cần cán bộ liêm chính, chí công vô tư, tuy nhiên vừa qua Ủy ban Tư pháp cho rằng, có tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng?

Đó là điều không tránh khỏi bởi cái gì cũng đều có hai mặt. Nhưng cần cố gắng làm sao để mặt tích cực phải chủ đạo, mặt tiêu cực giảm bớt đi. Lực lượng đi xác minh phải rất có bản lĩnh, liêm khiết.

Ngày xưa tôi ở đơn vị, các đoàn kiểm toán, thanh tra lên làm việc. Tôi nói các anh cứ làm nghiêm túc. Tôi sai ở đâu các anh cứ xử lý, nhưng ngược lại các anh không được đòi hỏi cái gì, và nếu đòi hỏi, tôi sẽ xử lý các anh. Thế là hai bên thông cảm, hiểu nhau. Qua các lần thanh tra, kiểm tra, đưa ra tập thể, cán bộ chiến sỹ công khai, không có vấn đề gì, nếu có thì xử lý ngay.

Cảm ơn ông.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: Tài sản cán bộ, người dân biết hết! ảnh 1

“Ngày xưa tôi ở đơn vị, các đoàn kiểm toán, thanh tra lên làm việc. Tôi nói các anh cứ làm nghiêm túc. Tôi sai ở đâu các anh cứ xử lý, nhưng ngược lại các anh không được đòi hỏi cái gì, và nếu đòi hỏi, tôi sẽ xử lý các anh”.

                Thiếu tướng Sùng Thìn Cò

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.