Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt: Phải cưỡng chế một số người về khu cách ly

Ảnh: Nguyễn Minh
Ảnh: Nguyễn Minh
TPO - Ngày 23/3, tại hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh (BTL) Thủ đô Hà Nội đã nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cách ly công dân.

Theo ông Duyệt, Hà Nội là địa bàn trọng tâm nên BTL Thủ đô được Bộ Quốc phòng và thành phố giao tổ chức lực lượng, phương tiện tiếp nhận vận chuyển toàn bộ công dân Việt Nam và hành khách nước ngoài từ quốc gia, vùng có dịch về nước qua Nội Bài đến cơ sở cách ly của quân đội và Hà Nội. Hiện đơn vị có 115 phương tiện vận tải phục vụ nhiệm vụ này, trong đó có 69 phương tiện của Bộ Quốc phòng tăng cường.

Cự ly vận chuyển công dân về các khu cách ly ở các tỉnh trên địa bàn các Quân khu 1, 2, 3 và Quân đoàn 1 thường khá xa, tần suất hoạt động của bộ đội rất lớn, cao điểm như trong đêm và ngày 22/3 vận chuyển gần 1.700 công dân, ngày 21/3 là hơn 1.100 người.

Bên cạnh đó là nhiệm vụ tổ chức khu vực doanh trại để tiếp nhận cách ly công dân theo phác đồ 14 ngày của Bộ Y tế; phục vụ bảo đảm hậu cần ăn uống, ngủ nghỉ, chăm lo đời sống cho gần 1.000 công dân được cách ly trên địa bàn BTL Thủ đô. Mặt khác, chỉ đạo các cơ quan quân sự dưới quyền tham mưu tổ chức thành lập và cách ly tại các cơ sở lưu trú do thành phố chuẩn bị. Đó là các trường đại học, ký túc xá, cơ sở công lập, do quân đội đảm nhiệm vai trò nòng cốt.

“Nếu địa bàn quận Nam Từ Liêm có 2 địa điểm cách ly theo phương án của Hà Nội với gần 1 vạn công dân thì nhiệm vụ của cơ quan quân sự quận rất nặng nề. Tôi đã báo cáo là không thể đưa bộ đội chủ lực ra để làm nhiệm vụ này, vì còn sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, sẵn sàng cho tình huống cao hơn”, ông Duyệt nói.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt: Phải cưỡng chế một số người về khu cách ly ảnh 1 Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận công dân từ vùng dịch trở về cách ly tại Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: PV

Tư lệnh BTL Thủ đô cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ giao cho thành phố Hà Nội chuẩn bị các khu vực để sẵn sàng bàn giao cho Bộ Quốc phòng tiếp nhận cách ly 20 nghìn công dân, bắt đầu từ ngày 25/3. Ông nói: “Hiện chúng tôi đang chuẩn bị các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra các cơ sở. Với số lượng các đơn vị quân đội trên thủ đô, còn các cơ sở đại học, chỉ còn thiếu vài nghìn nữa thôi để bàn giao cho quân đội. Những ngày tới công dân từ châu Âu về qua sân bay Nội Bài sẽ rất đông”.

Nhiều công dân đòi cách ly ở khách sạn

Nói về những khó khăn vướng mắc, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt cho biết lực lượng quân y của BTL Thủ đô rất mỏng, tổ chức biên chế khác với quân khu, không có bệnh viện. Quá trình vận chuyển lực lượng chưa có xe chuyên trách vận chuyển cho người tàn tật. Giai đoạn 1 phòng ngừa công dân mang mầm bệnh từ Trung Quốc, Hàn Quốc về nước rất tốt, nhưng giai đoạn 2 (đầu tháng 3) có biểu hiện còn lơi lỏng ở một số điểm.

“Số du học sinh ở châu Âu trở về nhìn chung đều thuộc gia đình có điều kiện nên khi về đến sân bay Nội Bài thì một số người có biểu hiện thiếu hợp tác với cơ quan chức năng. Có trường hợp, công an và an ninh hàng không phải kiên quyết thì mới vận chuyển được về các địa điểm cách ly. Có nhiều trường hợp yêu cầu cho cách ly tại khách sạn. Điều này không đúng với quy định của Thủ tướng. Rất đáng quan ngại là chúng tôi tổ chức 5 điểm cách ly mà 4 điểm đã có ca dương tính, một điểm hôm nay mới lấy mẫu xét nghiệm, chưa có kết quả”, ông Duyệt nêu rõ.

Cũng theo ông Duyệt, các cơ sở quân đội cách ly tốt nhưng qua kiểm tra cơ sở do thành phố chuẩn bị thì chưa ổn, như ký túc xá chật chội, có phòng đến 12-14 giường sát nhau là nguy cơ lây nhiễm chéo, việc đảm bảo ăn uống khó khăn. Nếu tính phương án sử dụng thì có thể phải ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp bữa ăn vì không thể tổ chức nấu ăn do không có bếp, điều kiện như doanh trại.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt: Phải cưỡng chế một số người về khu cách ly ảnh 2 Khử khuẩn phương tiện đưa đón công dân cách ly của BTL Thủ đô Hà Nội

Trước những vướng mắc này, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt đề xuất xuất cấp cho BTL Thủ đô khoảng 20.000 bộ quân trang dùng chung (chăn, chiếu, màn, gối), còn lại 15 mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết thì ngân sách thành phố bảo đảm, vì các trường đại học và các cơ sở công lập của thành phố sử dụng làm nơi cách ly chỉ có giường không.

Ông Duyệt đề nghị Bộ Quốc phòng và Ban chỉ đạo chống dịch tham mưu cho Thủ tướng và Chính phủ thống nhất theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng là không cách ly công dân Việt Nam tại các khách sạn: “Nếu địa phương này làm mà địa phương khác không làm thì công dân sẽ so sánh. Cách ly tại khách sạn cực kỳ khó khăn, lấy đâu ra nhân lực, y bác sĩ để hàng ngày đến kiểm tra sức khoẻ, rồi phòng lây nhiễm chéo như thế nào?. Trường hợp này chỉ bất khả kháng khi các cơ sở quân đội, bệnh viện dã chiến, lưu trú, ký túc xã không còn chỗ, mà phải cách xa khu dân cư mới được. Thủ tướng chỉ đạo chỉ những người có hộ chiếu công vụ, khách quốc tế đến làm việc, các chuyên gia…. Hà Nội kiên quyết ko cho công dân vào cách ly tại khách sạn, nhà có tiền vào nhà khác thì không, sẽ sinh ra so sánh, bất ổn trong xã hội”.

Cũng tại hội nghị, Tư lệnh BTL Thủ đô đề xuất khen thưởng đối với những người trực tiếp làm nhiệm vụ trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, quân khu, đơn vị có cửa khẩu, BTL Thủ đô, y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch; có thể thăng quân hàm vượt cấp cho sĩ quan, nâng lương cho quân nhân chuyên nghiệp, khen thưởng hạ sĩ quan, binh sĩ.

“Cần thiết thiết lập cơ chế lãnh đạo chỉ huy bộ máy vận hành tại 2 cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất, như vậy chúng tôi mới điều tiết được. Quân chúng tôi làm theo Bộ Quốc phòng giao, các việc khác không làm được, chứ còn yêu cầu vào khuân vác rồi chuyển từ cửa máy bay ra và rất nhiều việc khác không thể làm được”.

MỚI - NÓNG