Thiếu thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế ở TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tình trạng thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế đang diễn ra tại các cơ sở y tế ở TPHCM, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động khám chữa bệnh. Ngoài lý do dịch bệnh, những khó khăn trong đấu thầu mua sắm thuốc được nhận định là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên.
Thiếu thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế ở TPHCM ảnh 1
Trạm y tế hết thuốc, ông Nguyễn Văn C phải đến bệnh viện thăm khám

Được chẩn đoán bị tăng huyết áp, đái tháo đường týp 2, rối loạn lipid máu, ông Nguyễn Văn C (70 tuổi, ngụ tại phường 5, quận 8) đến trạm y tế thăm khám và lấy thuốc điều trị. Tuy nhiên, trạm y tế thông báo đã hết thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế nên ông phải lên tuyến trên là Bệnh viện quận 8 mới được cấp đủ thuốc.

Ông C cho biết: “Tôi đau bệnh, đi lại khó khăn, nếu ra ngoài mua thì phải tự bỏ tiền túi còn muốn có thuốc từ chế độ bảo hiểm thì phải lên tuyến trên, bất đắc dĩ tôi phải đến bệnh viện. Người bệnh chúng tôi rất mong sớm có thuốc trở lại để hoạt động khám chữa bệnh của người dân được thuận tiện hơn”.

Tại một số bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TPHCM, tình trạng thiếu thuốc trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả cũng đang diễn ra cục bộ với một số loại thuốc. BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết: “Hiện một số loại thuốc tại bệnh viện đã hết. Với những thuốc biệt dược gốc đã hết, chúng tôi sử dụng thuốc generic tương đương để thay thế, đảm bảo điều trị cho người bệnh”.

Cụ thể, bệnh viện đã hết thuốc Dopamin dạng tiêm nhưng không có thuốc thay thế. Đây là loại thuốc dành cho cấp cứu, sử dụng trong những trường hợp huyết áp thấp, xảy ra khi người bệnh đang bị sốc bởi cơn đau tim, chấn thương, phẫu thuật, suy tim, suy thận, và các bệnh nghiêm trọng khác.

Để ứng phó với tình hình trên, bác sĩ của bệnh viện đang sử dụng tạm Nor-Adrenalin phối hợp với Dobutamin để vận mạch. Bệnh viện đang đề xuất với Sở Y tế TPHCM để sớm được cấp thêm số lượng thuốc Dopamin phục vụ hoạt động chuyên môn trong khám chữa bệnh.

Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM , hệ thống trạm y tế đã thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian dài. Hiện nay, dịch được kiểm soát tốt, các trạm y tế chuyển sang khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Bà Quỳnh Như thừa nhận, trong giai đoạn chuyển tiếp này của hệ thống trạm y tế, có hiện tượng thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế.

Cũng theo bà Quỳnh Như, trạm y tế hiện là cơ sở khám, chữa bệnh hạng 4. Các bệnh viện của TPHCM xếp hạng 1 và hạng 2. Theo quy định, trạm y tế sẽ được cung ứng danh mục thuốc ở hạng 4 (tại Thông tư 30/2018/TT-BYT của Bộ Y tế). Do đó, một số thuốc trong danh mục bảo hiểm dành cho nhóm bệnh mạn tính khi chuyển từ các cơ sở y tế hạng 1 và hạng 2 (bệnh viện) về khám và điều trị tại cơ sở hạng 4 (trạm y tế) sẽ bị thiếu. Trong khi đó, việc phê duyệt danh mục kỹ thuật và danh mục thuốc vượt tuyến (hạng) đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

Thực tế đang diễn ra tại TPHCM cho thấy, việc mua sắm thuốc tại các trạm y tế cũng đang gặp khó khăn do không có nhà thầu tham gia cung ứng thuốc. Để giải quyết khó khăn trên, Sở Y tế TPHCM cho biết, thời gian tới việc mua sắm thuốc tại các trạm y tế sẽ được thực hiện theo hướng mua sắm tập trung để đảm bảo lựa chọn nhà thầu tham gia cung ứng.

Sở Y tế TPHCM cho biết, đã tổ chức họp với các trung tâm y tế quận huyện và trạm y tế phường xã, thông tin về việc lập danh mục thuốc vượt tuyến tại các trạm y tế và triển khai theo quy trình mua sắm thuốc để cung ứng cho người bệnh.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết: “Hiện một số loại thuốc tại bệnh viện đã hết. Với những thuốc biệt dược gốc bị hết, chúng tôi sử dụng thuốc generic tương đương sinh học để thay thế, đảm bảo điều trị cho người bệnh”.

Ngày 16/6, tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tiền Phong về đề xuất tái thành lập Trung tâm mua sắm vật tư, thiết bị y tế , bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết: Với việc tái lập trung tâm mua sắm tập trung, Sở Y tế cũng đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm vì đã có thời gian từng duy trì hoạt động mô hình này.

“Thời gian tới, Sở Y tế TPHCM sẽ có những thay đổi, điều chỉnh về nhân sự và hoạt động của trung tâm mua sắm mới nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, nội dung đề án hiện được Sở Y tế TPHCM gửi đến các sở ngành và UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức xem xét góp ý và trình UBND TP HCM phê duyệt nên chưa có phương án cuối cùng về thời gian triển khai cũng như các phương án nhân sự và cách thức vận hành. Sau khi được UBND TPHCM phê duyệt đề án, chúng tôi sẽ thông tin chi tiết đến cộng đồng”, bà Quỳnh như nói.

MỚI - NÓNG
Đoạn đường Nguyễn Trãi bên cạnh hầm chui Thanh Xuân mênh mông nước tối 7/9. Ảnh: Thái An.
Mưa tối ngập đường Hà Nội, xe chết máy, rác trôi đầy
TPO - Tối nay (7/9), thêm nhiều cây xanh đổ gãy trên đường phố Hà Nội, nhưng người đi đường sợ hơn cả vẫn là tình trạng ngập nước ở một số nơi. Xe chết máy, nhiều người bì bõm, hì hục dắt xe cả đoạn phố dài, trong khi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng lững lờ trôi…