Thiếu tá chục năm làm bà đỡ

Chị Bhnước Thị Hằng và con gái A Lăng Họ gọi anh Hiệp là người cha thứ hai. Ảnh: H. Văn
Chị Bhnước Thị Hằng và con gái A Lăng Họ gọi anh Hiệp là người cha thứ hai. Ảnh: H. Văn
TP - Người dân xóm núi vẫn gọi anh bằng cái tên thân thương A Lăng Hiệp - “bố Hiệp” hay “mẹ Hiệp” để cám ơn người đã cứu sống sinh mạng của nhiều đứa trẻ Cơ Tu và những người dân mang bạo bệnh. Đó là thiếu tá Nguyễn Văn Hiệp, Đồn Biên phòng A Nông, Tây Giang (Quảng Nam).

Phép màu

Năm 1989, y sĩ Hiệp về Đồn Biên phòng A Nông, trong thời điểm xã chưa có bệnh xá. Thế là anh đảm đương luôn việc khám chữa bệnh cho người dân. Từ đó, bất kể ngày đêm, từ những vụ té ngã trên rẫy, sốt xuất huyết, ngộ độc thức ăn…đồng bào đều tìm đến y sĩ Hiệp.

“Đồn tự hào khi có một quân y như thiếu tá Nguyễn Văn Hiệp. Không chỉ đảm đương tốt công việc mà anh còn rất được người dân tin yêu, mến phục. Có được tình cảm đó không hề là điều dễ dàng”.

Đại úy Nguyễn Thành, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Nông

Bấy giờ, ba xã A Nông, A Tiêng và BhaLêê thiếu thốn mọi bề. Lâu lâu mới có đoàn y tế dưới huyện lên cũng chỉ kịp ở lại vài ngày tiêm thuốc phòng dịch hay tuyên truyền. Xuống được tới trung tâm y tế huyện cũng mất hai ngày đi bộ.

“Hồi đấy phương tiện đi lại chưa có, điện đóm cũng không. Cứ cầm đuốc mà băng giữa rừng, lo đi sao cho kịp cứu dân chứ không biết sợ là gì”, anh Hiệp kể.

Lặn lội đi xa không quản, mà khó nhất là chữa “bệnh tư tưởng” cho người dân. Thói quen cúng bái của người dân mỗi khi mang bệnh khiến nhiều ca khi tới cứu thì đã trễ. Bệnh nặng hay bệnh nhẹ đều làm lễ cúng Giàng trước đã, cúng miết không khỏi mới chạy tìm bác sĩ thì đã muộn. 

Có lần tới chữa bệnh cho một ca thương hàn ở xã Lăng (Tây Giang, Quảng Nam), thấy bệnh nhân nằm lịm trên chiếu, trước bàn cúng. Chiếc hòm đã đặt bên cạnh, người thân tất tả lo chuẩn bị chôn cất. Biết bệnh nhân trong giai đoạn nguy hiểm nhưng vẫn còn kịp cứu chữa, anh truyền dịch, tiêm thuốc, ở lại theo dõi 2 ngày. Cho tới khi bệnh nhân tỉnh lại. Từ đó người dân tin vào y sĩ Hiệp, đau ốm đều uống thuốc.

“Bà đỡ”

Nhiều đứa trẻ gọi anh bằng “bố Hiệp”. Tiếng tăm về “bà đỡ” quân y Nguyễn Văn Hiệp nhiều năm nay vang khắp vùng. Ngày ấy chưa có bệnh xá, không có nữ hộ sinh, những ca sinh khó phải nhờ tới sự giúp đỡ của y sĩ Hiệp. Ngoài kiến thức sách vở, anh Hiệp phải dùng “chiêu” học từ dân, tích lũy thành kinh nghiệm. Những đứa trẻ Cơ Tu lần lượt ra đời nhân lên niềm vui giữa nơi núi rừng quạnh quẽ.

Một ám ảnh lớn trong cuộc đời làm thầy thuốc của anh Hiệp gắn với đứa con thứ 14 của một phụ nữ Cơ Tu trên đỉnh dốc Anon cách đây hơn 10 năm. 12 giờ đêm, một người đàn ông chạy về đồn tìm gặp anh Hiệp nhờ đỡ đẻ cho một ca đã chuyển dạ 3 ngày nhưng vẫn không thể sinh thường.

Anh xách túi đồ cùng với người đàn ông băng rừng vượt núi, gần sáng thì tới nơi. Sản phụ nằm lịm trên giường. Anh Hiệp vận dụng hết cả kiến thức và kinh nghiệm, cuối cùng cứu được sản phụ. Mọi người vỡ òa khi thấy mẹ sống, đứa trẻ được sinh ra. Cô bé A Lăng Họ, con gái của Bhnước Thị Hằng (thôn A Rớt, A Nông) được anh Hiệp cứu trong một ca sinh khó, giờ đây đã lớn. A Lăng Họ gọi anh là bố Hiệp, coi anh là người sinh ra mình lần thứ hai.

Giờ Tây Giang đã có trạm xá xã. Anh Hiệp là quân y, thường ngày chăm sóc sức khỏe cho các chiến sỹ trong đồn, tuần nào cũng dành hai buổi cùng đi với các y tá về với bản khám bệnh miễn phí cho bà con. Đi đến đâu A Lăng Hiệp cũng được người dân chào đón, anh vui vẻ đáp lễ bằng vốn tiếng Cơ Tu tự học.

47 tuổi đời, anh có 24 năm gắn bó với núi rừng và người dân nơi đây. Để yên tâm công tác, anh đưa cả vợ con lên núi, dựng một quán tạp hóa nhỏ để bán cho người đồng bào. Nhìn người vợ hiền và những đứa con ngoan, anh bảo phải cảm ơn ân phúc, bởi quanh năm suốt tháng ở trên núi vậy mà cô hàng xóm khi xưa vẫn chờ đợi, chung tình và trở thành hậu phương cùng anh xây dựng hạnh phúc nơi biên ải xa xôi.

MỚI - NÓNG