Thiếu quy định trình tự tranh tụng

Phiên tòa xét xử vụ kiện ICC kiện báo NNVN
Phiên tòa xét xử vụ kiện ICC kiện báo NNVN
TP - Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh trọng tâm của cải cách tư pháp là công tác xét xử, một trong những điều phải đẩy mạnh là tranh tụng tại toà... Thực tế, hoạt động pháp đình những năm qua cho thấy không khí dân chủ, khoa học tại các phiên toà đang được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, phần tranh tụng tại các phiên toà hiện nay vẫn đang có những bất cập, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của cải cách.

Phiên tòa xét xử vụ kiện ICC kiện báo NNVN
Phiên tòa xét xử vụ kiện ICC kiện báo NNVN.

Nhiều người đều nhận thấy phần tranh tụng tại các phiên toà hiện nay, nhất là những phiên toà có nhiều luật sư tham gia, thường rất khó theo dõi. Trong phần tranh luận, đối đáp, các luật sư rất dễ lặp lại điều các luật sư khác hoặc chính mình đã phát biểu; bên cạnh đó, họ lại dễ bỏ sót không đối đáp lại những luận điểm mà phía đối lập đưa ra.

Nêu một ví dụ

Tại phiên toà phúc thẩm do TAND TP Hà Nội mở trong hai ngày 21 và 22-10 (bản án sẽ tuyên vào chiều 26-10) để xét xử vụ kiện bên nguyên là một doanh nghiệp (Cty cổ phần ICC), bên bị là báo Nông nghiệp Việt Nam và nhà báo Nghiêm Thị Hằng, đã có tổng cộng năm luật sư tham gia. Phần tranh luận tại phiên toà này, tuy không bị hạn chế thời gian, song lại rất khó nắm bắt, và không khỏi gây cảm giác mệt mỏi cho những ngươì dự toà và cho chính HĐXX.

Có lý do khách quan, đây là vụ án phức tạp, các nội dung cần tranh luận rất nhiều, số lượng luật sư lại đông. Tuy nhiên, những người dự toà đều cảm thấy việc tranh luận của các bên về từng nội dung còn thiếu một trình tự chặt chẽ: nội dung nào tranh luận trước, nội dung nào tranh luận sau, nội dung nào đã xong thì không nhắc lại, nội dung nào chưa tranh luận đến thì cần đi tiếp, không bỏ sót...

Chẳng hạn, tại ngày xét xử thứ nhất, các luật sư của bị đơn nêu Cty ICC không có quyền khởi kiện bài báo nói về việc UBND TP Hà Nội cấp đất cho Cty ICC thực hiện dự án là không đúng luật. Lý do phía bị đơn nêu: Nội dung bài báo này nói về quyết định của UBND TP Hà Nội, nếu báo sai, UBND TP Hà Nội mới là người có quyền khởi kiện, không phải Cty ICC.

Các luật sư của nguyên đơn đối đáp: Bài báo đã nêu không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của UBND TP Hà Nội, mà còn gây thiệt hại quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Cty ICC, vì đơn vị này là người được giao đất theo quyết định của UBND TP Hà Nội. Vì vậy, Cty ICC có quyền kiện toà báo.

Sang ngày xét xử thứ hai, người ta vẫn thấy luật sư của bị đơn nhắc lại luận điểm đã nêu ở ngày thứ nhất. Luật sư của bên bị còn cho rằng, các luật sư của bên nguyên không trích dẫn điều luật cụ thể khi đưa ra quan điểm. (Thực tế, ngay từ ngày thứ nhất, các luật sư của bên nguyên đã nêu Điều 4, Điều 161 Bộ luật Tố tụng Dân sự, để bảo vệ quan điểm của mình).

Việc lặp đi lặp lại các nội dung trong phần tranh luận tại phiên toà này không chỉ không cần thiết, mà nó còn làm cho các vấn đề vốn dĩ đã khá phức tạp, càng trở nên khó nắm bắt.

Cần có quy định

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, để đẩy mạnh hơn nữa cải cách tư pháp, cải cách công tác xét xử, cần có các quy định cụ thể, chặt chẽ về trình tự của phần tranh luận trong các phiên toà hình sự, dân sự, hành chính. Trước mắt, nếu chúng ta chưa thể đưa ngay các quy định này vào các bộ luật tố tụng được, các chuyên gia cho rằng TAND Tối cao cần có những hướng dẫn để các toà địa phương và các toà chuyên ngành có căn cứ thực hiện.

Chẳng hạn, đối với phần tranh tụng tại một phiên toà hình sự. Một số chuyên gia pháp luật cho rằng, phần này nên được tiến hành theo trình tự chặt chẽ như sau tranh luận về tố tụng; tranh luận về hành vi vi phạm pháp luật; tranh luận về tội danh; tranh luận về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; tranh luận về phần dân sự; tranh luận về các vấn đề khác...

Chủ toạ phiên toà sẽ là người dẫn dắt để việc phát biểu quan điểm và đối đáp của các luật sư với công tố viên, hoặc giữa các luật sư với nhau, đi theo từng vấn đề đúng trình tự vừa nêu, sẽ tránh được trùng lặp hoặc bỏ sót.

Các chuyên gia pháp luật đưa ra ý tưởng này cho rằng, khi đã có quy định như trên, phần trình bày luận cứ, quan điểm của các luật sư tại toà cũng cần được sắp xếp đúng theo trình tự trên. Khi đó, các luật sư cần có bài luận cứ (hoặc luận cứ rút gọn trình bày bằng văn bản để cung cấp cho HĐXX và phía đối lập, trước khi đi vào phần tranh luận. Khi có nhiều luật sư cùng bảo vệ cho một thân chủ, cần có quy định các luật sư phải có sự phân công với nhau, ai đi sâu vào phần nào, để khi ra trước toà, họ không phát biểu trùng lặp.

Các chuyên gia pháp luật đưa ra ý tưởng này cho rằng, nếu có các quy định như vậy, phần tranh tụng tại các phiên toà sẽ đi vào thực chất, khi đó mới đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.