Thiếu nữ 17 và giọt nước mắt ngày 'buôn phấn bán hương'

Thiếu nữ 17 và giọt nước mắt ngày 'buôn phấn bán hương'
Sau lần đầu rơi vào “động quỷ” và trốn thoát được, lần thứ hai T. bị bước chân lạc lối đưa vào chốn lầu xanh. Sau đó, “tú bà” còn lừa cô đưa thêm cả chị gái đến để rồi cả hai chị em cùng phải sống đời tủi nhục. Uất ức vì bị lừa, thiếu nữ 17 đã đập đầu vào tường định tự tử…

Sau lần đầu rơi vào “động quỷ” và trốn thoát được, lần thứ hai T. bị bước chân lạc lối đưa vào chốn lầu xanh. Sau đó, “tú bà” còn lừa cô đưa thêm cả chị gái đến để rồi cả hai chị em cùng phải sống đời tủi nhục. Uất ức vì bị lừa, thiếu nữ 17 đã đập đầu vào tường định tự tử…

Thiếu nữ 17 tuổi tâm sự những ngày “buôn hương bán phấn”
Thiếu nữ 17 tuổi tâm sự những ngày “buôn hương bán phấn”.

Bước chân lạc lối

Sinh ra ở một xã ven biển thuộc huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, ngay từ nhỏ, cô bé T.T.T, đã phải gặp nhiều vất vả. Năm T. lên 10, bố đã bỏ lại mẹ con em đi theo người đàn bà khác. Một mình, mẹ T. phải gồng mình trong cơn bệnh tim để kiếm tiền nuôi chị em T. khôn lớn.

Thương mẹ, khi chị cả đi lấy chồng, chị hai vào miền Nam tìm việc, T. phải nghỉ học giữa chừng ra đồng giúp mẹ. Những khi công việc đồng áng nông nhàn, T. lại cùng chúng bạn ra biển mót cá kiếm thêm chút tiền phụ mẹ nuôi cậu em trai ăn học.

Một lần đến nhà người bạn thân cùng làng, T. đã được một cô hàng xóm tên là Trần Thị Hiền (SN 1967, ở Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hoá) hứa kiếm cho công việc dọn dẹp nhà nghỉ của một người bạn ở Đồ Sơn, Hải Phòng với tiền công từ 800.000 đến 1.000.000 đồng/tháng.

Số tiền này đối với hai cô bé quả là rất lớn bởi những buổi đi mót cá phải dậy từ 4 giờ sáng đến tận giữa trưa mới được về nhà ăn bát cơm và số tiền kiếm được cũng chỉ là vài chục ngàn lẻ. Nghĩ có một khoản tiền lớn để có thể giúp cậu em trai không bị bỏ học giữa chừng như mình, T. nhận lời ngay.

Một ngày đầu tháng 3-2009, T. và cô bạn thân theo chân Hiền đến chốn phồn hoa đất quê người mà cô chưa từng đặt chân đến, làm công việc dọn dẹp phòng. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, tại đây, “má mì" Hiền bán hai cô bé cho Hoàng Đình Tuấn (SN 1980, ở Đồ Sơn, Hải Phòng) lấy 4 triệu đồng.

Sau khi Hiền về, được nói chuyện với ba nữ nhân viên của nhà nghỉ (thực chất là những cô gái “buôn hương bán phần”), T. mới lờ mờ hiểu rằng công việc chính của mình cũng giống họ - phải bán thân cho khách làng chơi ở đất Đồ Sơn này.

Sáng sớm hôm sau, khi còn đang ngái ngủ, “tú ông” Tuấn đã mò vào phòng của hai thiếu nữ 17 tuổi này ngọt nhạt bắt họ phải tiếp khách. Khi đó T. giả vờ vì đường xa, say xe nên chưa thể phục vụ khách làng chơi, mong tìm được cơ hội trốn thoát khỏi ổ chứa của Tuấn. Nhưng cô cũng chỉ trì hoãn được một ngày vì ngay ngày hôm sau, các cô gái đã bị lùa đi tiếp khách.

Hoảng sợ, bạn của T. đã gào khóc, quyết tuyệt thực để phản kháng. Khóc nhiều, lại không có gì bỏ bụng, cô bạn của T. đã bị ngất, khiến Tuấn phải gọi “đối tác” ra trả lại người. Để T. không kiếm cớ hoãn binh rồi lẩn trốn, sau khi bạn về, Tuấn đã giáng cho T. trận đòn nhừ tử và bắt cô phải phục vụ khách làng chơi.

Hàng ngày đi khách, Tuấn hứa mỗi lần tiếp khách T. sẽ được nhận 30.000 đồng, thế nhưng số tiền bán thân ít ỏi đó, T. cũng không được cầm tiền mà chủ chứa ghi vào quyển sổ nợ. Sang đến ngày thứ 8, người nhà T. gọi điện báo mẹ cô mất, sau khi khóc lóc van xin, Tuấn đã đồng ý để T. được về nhà chịu tang mẹ.

Gần 2h đêm T. mới về đến nhà, lúc đó, mọi thủ tục khâm niệm cho mẹ cô đã xong. “Điều cháu ân hận nhất là không được gặp mẹ lần cuối cùng. Trong bốn chị em gái, mẹ quý cháu nhất”- T. nói trong nước mắt.

Sau khi mẹ mất, T. được thoát khỏi cuộc sống địa ngục khi cô nhất định không quay về nơi ô nhục trước đó. Sau những ngày vụ mùa, T. lại xin những người dân làng chài ra biển kéo cá. Nhưng những mẻ cá hôm được hôm không khiến nồi cơm của hai chị em cô bé cũng hôm vơi hôm đầy.

Nghĩ cứ đi kéo cá mãi như vậy cũng chẳng được là bao, trong khi mình lại có sức khỏe khiến T. luôn muốn thoát ly khỏi làng chài, những mong có thể kiếm thêm tiền để cậu em út được học cái chữ đến nơi đến chốn…

“Tú ông” Tuấn tại cơ quan điều tra
“Tú ông” Tuấn tại cơ quan điều tra.

Vết trượt

Một ngày cuối tháng 11-2009, khi đi làm đồng về, T. gặp người chị họ tên B. vừa từ Hải Phòng về. Trong lúc trò chuyện, T. được biết, hiện B. đang làm gái bán hoa tại nhà nghỉ Thuận Phong (do Trần Anh Hoàng (SN 1970) và Trần Thị Nguyệt (SN 1987) làm chủ) ở quận Lê Chân, Hải Phòng.

Nhìn T. lam lũ, B. gạ gẫm bảo: “đằng nào mày cũng đã “mất” rồi, đi với tao đến nhà nghỉ Thuận Phong làm gái. Mỗi lần tiếp khách làng chơi, chủ nhà nghỉ sẽ thu 200 nghìn đồng, họ chia cho mình 50 nghìn đồng. Ở đây khách đông, lại lịch sự, thỉnh thoảng được bo, mày sẽ có tiền gửi về cho em. Làm một thời gian, kiếm được chút vốn thì bọn mình về đây mở cửa hàng bán gì đó, làm lại từ đầu…”.

Nghe người chị họ nói có lý, T. đã đồng ý đi theo B. ra Hải Phòng. Thế nhưng, khi đến nhà nghỉ Thuận Phong, mọi việc không đơn giản như người chị họ nói. Cũng kể từ giây phút bước vào nhà nghỉ ấy, cô gái 17 tuổi đã phải bắt đầu quãng thời gian sống tủi nhục, đau đớn nhất. Vừa ở được hai ngày, T. đã nợ chủ nhà nghỉ gần chục triệu đồng vì tiền mua quần áo, son phấn.

“Thấy cháu mặc chiếc quần bò áo phông, chị Nguyệt bảo mặc như vậy không hấp dẫn để chị kiếm mấy cái áo hai dây, mấy cái váy mặc vào mới gợi cảm. Hôm sau chị mang về cho cháu hai chiếc áo hai dây, hai chiếc quần sooc, hai chiếc váy hai dây ngắn cũn, bó sát người bảo hết 3 triệu đồng, còn bộ đồ trang điểm hết 5 triệu đồng.

Cháu thắc mắc giá cả thì chị Nguyệt bảo vì “chị không muốn da chúng mày bị hỏng nên chị phải chọn loại mĩ phẩm tốt, còn quần áo, chị toàn mua trong shop cho đẹp, mỗi chiếc phải mất 500 nghìn đồng mới mua được”. Thực chất, cháu biết chị Nguyệt chỉ mua chỗ đó hết 1 triệu đồng là cùng vì toàn hàng chợ thôi cô à. Cháu không được ra ngoài mua nên đành chấp nhận”- cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh kể.

Theo lời kể của T., chủ nhà nghỉ còn làm cho thiếu nữ này thấy “chóng mặt” bởi chỉ cần sơ ý một chút là nhân viên ở đây có thể bị phạt và tất cả các hình thức phạt đều được tính bằng tiền. Giá phạt khá “chát”, từ 500 nghìn đồng đến 4 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm và thái độ “biết lỗi” của nhân viên.

“Đi ra khỏi phòng không tắt điện, lần đầu phạt 500 nghìn đồng, lần hai là 1 triệu đồng, lần thứ ba phải nộp tiền điện cả tháng cho nhà nghỉ... Phải “tình cảm” với khách, không được từ chối khách dù bị mệt hay khách say sỉn, khách không đồng ý dùng “bao”… Nếu từ chối khách, bị khách phàn nàn thì bọn cháu bị phạt gấp 3 lần số tiền khách “đi”…” - vân vê tà áo, T. cho biết thêm.

Cuộc sống ở đây, đối với những cô gái “buôn hương” không khác gì địa ngục. Cả ngày bị giam lỏng trong bốn bức tường, trong căn phòng thiếu ánh sáng và không khí, nên thường xuyên rơi vào tình trạng mệt mỏi, ốm đau. Hàng ngày, từ 9h sáng, T. và các nhân viên ở đây đã trang điểm xong xuôi rồi ngồi chờ khách làng chơi đến. Khi có khách, các cô phải đứng xếp hàng một để những người đàn ông ham của lạ lựa chọn.

Có ngày cao điểm nhất, T. phải tiếp tới gần 20 khách làng chơi. Tiếp nhiều khách làng chơi nên mỗi tháng thu nhập của T. cũng khoảng 10 triệu đồng. Thế nhưng, đó chỉ là số tiền ảo vì chủ chứa ghi trong sổ để trừ chi tiêu hàng ngày. Trừ tiền nước uống, tiền ăn, tiền may mặc, trang điểm, làm tóc, tiền phạt… số tiền còn lại chả đáng là bao.

“Làm cái nghề bán thân này chúng cháu rất hay bị ốm do mắc bệnh phụ khoa, nên bọn cháu thường xuyên phải tiêm thuốc. Mỗi lần tiêm, bọn cháu lại mất 500 nghìn đồng/mũi. Ai khỏe, mỗi tháng cũng tiêm mất 3-4 mũi. Nhiều tháng, chúng cháu còn bị âm vì tiền tiêm thuốc, vì tiền mua quần áo mới. Dù không nhờ nhưng chị Nguyệt cứ vác một đống quần áo mới về ép phải lấy để còn “thay đổi cho bắt mắt” - cô gái trẻ vừa kể vừa ngước mắt nhìn lên trần nhà cố giấu những giọt nước mắt.

Không chỉ bị viêm nhiễm bệnh phụ khoa, những nhân viên như T còn thường xuyên bị chủ chửi bới, đánh đập. Nếu tháng nào T. ngoan ngoãn, tiếp khách nhiều, chủ còn đối xử “nhẹ nhàng”. Tháng nào, “đi” khách ít, thì T. luôn phải nhận những lời mắng nhiếc từ chủ.

Trong một lần ngồi nghe các nhân viên nói chuyện, biết T có chị gái hơn hai tuổi đang làm trong Nam nhưng muốn ra ngoài Bắc kiếm việc để được gần chị, gần em, Nguyệt đã đối xử với thiếu nữ này ưu ái hơn.

Một ngày đầu tháng 7-2010, trong khi đợi khách làng chơi, Nguyệt chủ động trò chuyện thân mật với T. Trong câu chuyện của mình, Nguyệt ngụ ý rằng, đang cần tìm người giặt quần áo cho các nhân viên ở đây. Nếu chị gái T. đồng ý đến làm thì chả mấy hai chị em sẽ trả đủ số tiền còn nợ của cô và cô có thể về đoàn tụ cùng gia đình.

Tin lời Nguyệt, T. đã nhắn chị gái đến nhà nghỉ Thuận Phong làm. Thế nhưng, khi chị người chị đến, đôi Nguyệt-Hoàng lại bắt cô làm gái mại dâm dưới dạng có hợp đồng lao động là nhân viên dọn phòng.

Uất ức vì bị lừa, T. đã gào khóc, chửi bới, Hoàng lao vào vừa đấm vừa tát cô gái trẻ, còn Nguyệt thì lấy áo bịt miệng T. lại không để tiếng khóc của cô lọt ra ngoài. Vừa bịt miệng thiếu nữ này, Nguyệt vừa rít lên: “Không phải vì riêng mày mà nghỉ nghỉ của tao bị sập được”.

Lợi dụng lúc Nguyệt lỏng tay, T. giằng được áo, chạy ra ngoài, đập đầu vào tường định tự tử. Sợ có án mạng tại nhà nghỉ, Hoàng đồng ý thả T. về, giữ chị gái T. lại, nói: “Mày về lo kiếm tiền trả nợ đi. Lúc nào mày trả được nợ thì chị gái mày được về”.

Cặp đôi “tú ông- tú bà” Hoàng-Nguyệt tại cơ quan công an
Cặp đôi “tú ông- tú bà” Hoàng-Nguyệt tại cơ quan công an.

Ước mơ giản dị…

T. về nhà được gần 10 ngày, đang tìm cách cứu chị mình ra thì nghe tin công an đã phá ổ mại dâm và chị gái cô được giải cứu. Tới công an quận Đống Đa, Hà Nội tường trình về việc bị Hiền lừa bán cùng những thủ đoạn “cầm chân” gái bán thân của cặp Hoàng- Nguyệt, T., cho biết, đang ngồi chờ chị gái để hai chị em cùng về nhà.

Cột lại mái tóc ngắn cho gọn gàng, thiếu nữ tâm sự, bây giờ hai chị em đã đoàn tụ, cô sẽ không bao giờ làm cái nghề nhơ nhuốc ấy. Về nhà, cô sẽ cùng chị cố gắng học thành thạo nghề may để vừa có thể nuôi sống bản thân lại có thể cho cậu em trai tiếp tục được đi học hành. “Cháu hy vọng, được học hành tử tế, cuộc sống của em cháu sẽ tốt hơn. Hai chị em cháu có vất vả đến mấy cũng thấy vui…”- T. bẽn lẽn cười.

Theo Tuệ Lâm
Phunutoday

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.