Thiếu nhi cũng là kênh giám sát hiệu quả

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chia sẻ ý kiến
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chia sẻ ý kiến
TP - Gặp gỡ thiếu nhi chương trình được lãnh đạo TPHCM tổ chức hàng năm sau Tết Nguyên đán. Năm nay, chương trình có sự tham dự của bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cùng nhiều lãnh đạo các sở, ban ngành và hơn 170 em học sinh.

Học sinh than học nhiều

Mở đầu chương trình, em Huỳnh Thị Thùy Dương, trường THCS Tân Tạo, Bình Tân cho rằng việc học hiện nay rất nhiều, học từ sáng tới chiều rồi còn học thêm. “Riêng bản thân em phải học đến 12 giờ trưa mới được nghỉ”, Dương nói và đề xuất cần có thêm nhiều phòng thí nghiệm, thực hành, cần được thực tế nhiều hơn chứ không chỉ học lý thuyết để trả bài...

Em Nguyễn Đạt Mẫn, trường THCS Lê Quý Đôn quận Thủ Đức cho biết, trường em có 55 lớp, sĩ số 49 – 50 bạn/lớp là quá đông dù trường Mẫn là trường trọng điểm. “Với sĩ số như vậy thì giáo viên không đủ thời gian để quan tâm đến từng học sinh”, Mẫn nói. Em Ngô Triệu Vi, trường THCS Linh Trung, quận Thủ Đức cho biết hiện có 50 – 70% học sinh học một buổi/ngày vì số lượng học sinh quá đông dẫn đến thiệt thòi, học không đủ kiến thức. Đồng quan điểm, em Võ Ngọc Thủy Tiên, trường Nguyễn Văn Luông, quận 6 cho rằng, cần giảm bớt áp lực thi đua cho giáo viên. Còn em Trần Quỳnh Trang, trường THCS Nguyễn Trung Trực (quận 12) chia sẻ, sau bài học thường kiểm tra lý thuyết nên tụi em thường học vẹt, không hiểu bài, như lịch sử, giáo dục công dân...

Trong khi đó, nhiều em học sinh khác bày tỏ bức xúc về môi trường ô nhiễm, đặc biệt là vấn đề phân loại rác. Em Khánh Thi, trường Trần Đại Nghĩa cho biết, ở trường học rác được phân loại và học sinh chấp hành nhưng những người đi thu gom lại trộn hai loại rác vào một là điều thật sự vô lý. Việc bất cập phân loại rác vừa tốn công sức của học sinh, nhà trường nhưng không hiệu quả này nhận được gần ½ ý kiến của các em thiếu nhi tại chương trình. Em Nguyễn Lý Nhã Thy, trường THCS (quận 4) bày tỏ về vấn đề nhà vệ sinh công cộng khi ở trung tâm quận 1, các nhà vệ sinh này vừa sạch sẽ lại không mất tiền trong khi quận 4 nơi Thy ở lại không sạch mà còn mất phí…

Lắng nghe để thay đổi

Sau hơn 40 ý kiến của các em thiếu nhi, lần lượt lãnh đạo các sở ngành TPHCM như sở GD&ĐT, sở Tài nguyên Môi trường, sở Giao thông Vận tải, Ban An toàn vệ sinh thực phẩm, Thành Đoàn… đã giải thích, chia sẻ đồng thời lắng nghe nhiều vấn đề cũng như đề xuất của các em.

Đánh giá về kết quả, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung cho rằng, chương trình thu được nhiều kết quả, là dịp để lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nhe, để thiếu nhi trưởng thành.

Theo bà Dung, mỗi năm gặp một lần với một chủ đề là cần thiết nhưng năm tới cần dành dung lượng cho các em bày tỏ cảm nhận về sự thay đổi của thành phố để đo lường sự phát triển của thành phố qua đánh giá của người dân, thiếu nhi. “Thiếu nhi là kênh giám sát hiệu quả, rất tinh tế, sâu sắc, kể cả Nghị quyết của HĐND TPHCM. Mặt trận Tổ quốc nên phối hợp và có kênh thường xuyên tiếp nhận, lắng nghe. Tại sao mỗi trường không có một cây sáng tạo để các em bày tỏ ý kiến trên đó”, Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung nói.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, gặp gỡ đầu năm, các cô chú rất tự hào về các con. Theo ông Phong, ý kiến của các con chủ yếu về môi trường, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm… đã được lãnh đạo các sở ban ngành thông tin lại, tiếp thu. “Môi trường được nhiều con quan tâm. Người lớn nói chung, phụ huynh nói riêng xem chương trình hôm nay là lời nhắc nhở của các con về ý thức bảo vệ môi trường. Rất hay. Rất có ích”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ.

Người đứng đầu thành phố cũng đặt hàng các em thiếu nhi trong vấn đề bảo vệ môi trường. “TPHCM vận động không xả rác ra đường phố, các cháu có thể tham gia và vận động người lớn cùng tham gia. Các cháu có buồn không khi xem pháo hoa, bóng đá, khi tan cuộc rồi để lại đầy rác trong khi nhiều bạn trẻ vận động và tiến hành thu gom. Một người chỉ biết xả và một người khắc phục”, ông Phong nói. Về bạo lực học đường, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng phải tuyên truyền thường xuyên.

Tuy nhiên, ông Phong cũng khuyên các em thiếu nhi đừng lạm dụng quá smartphone. “Đó chỉ là phương tiện, không phải đồ chơi. Đừng chú tâm vào và chỉ biết “chấm, quẹt”, mạnh ai nấy quẹt. Lúc rảnh rỗi thì đừng “quẹt” smartphone mà hãy giúp bố mẹ. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ hoặc tham gia các hoạt động, phong trào của Đoàn, Đội,…để rèn luyện nhân cách các con”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khuyên.

MỚI - NÓNG