Đồng bằng sông Cửu Long:

Thiếu đường vào khu công nghiệp, thiếu người quản lý môi trường

Thiếu đường vào khu công nghiệp, thiếu người quản lý môi trường
TP- ĐBSCL đã có 197 khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp nhưng sản xuất công nghiệp vẫn rất yếu do chưa thu hút được các nhà đầu tư. Thế nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp thì đã nghiêm trọng.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên? Bài viết này phản ánh thực trạng ở tỉnh Cà Mau và TP Cần Thơ.

Thiếu đường vào khu công nghiệp, thiếu người quản lý môi trường ảnh 1
Đường vào KCN Hòa Trung  Ảnh: Tiến Hưng

Cà Mau: KCN thiếu đường vào

Cà Mau có 4 KCN. KCN Khánh An nằm kề Cụm khí- điện - đạm Cà Mau, thuộc xã Khánh An (U Minh) diện tích 360 ha, thành lập năm 2003.

Đường từ trung tâm TP Cà Mau vào KCN Khánh An dài 11 km làm nhiều năm chưa xong. Trên đoạn đường này còn cầu Tắc Thủ bắc qua dòng sông rộng gần 100 m xây cũng chưa xong, lưu thông qua sông chỉ có chiếc cầu sắt cho xe trọng tải dưới 5 tấn.

KCN Hòa Trung ở xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) và xã Lương Thế Trân (Cái Nước) có diện tích 352 ha, chuyên ngành chế biến thủy sản. Đoạn đường từ Quốc lộ 1A vào Hòa Trung chỉ 7 km đang rải đá xô, mưa lầy nắng bụi. 5 doanh nghiệp hăng hái hùn tiền sửa đoạn lầy lội để xe có thể chạy nhưng bà con có đất chưa được bồi thường thiệt hại nên không cho sửa.

Ông Nguyễn Đình Việt, PGĐ Cty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Hòa Trung kể: “UBND huyện Cái Nước thông báo ngân sách bồi thường cho người dân bề ngang 4 m, còn 3,5m các doanh nghiệp hùn vô. Chúng tôi đồng ý góp hơn 1 tỷ đồng để bồi thường cho dân, mở rộng đường 7,5m nhưng đến nay chưa triển khai được”.

Cơ sở chế biến của ông Việt khánh thành đầu năm 2008, tổng vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng, nay chỉ hoạt động 1/3 công suất thiết kế, vì đường vận chuyển nguyên liệu quá trắc trở.

Đường đến KCN Năm Căn còn phải qua phà Đầm Cùng (huyện Năm Căn, Cái Nước) với những cây cầu sắt gỉ sét. Đường về KCN Sông Đốc đang thi công chưa biết bao giờ mới hoàn thành.

Ông Dương Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Chúng tôi đang xúc tiến đấu nối các tuyến đường vào KCN cho thông suốt nhưng vướng công tác giải phóng mặt bằng nên rất khó khăn”.

Cần Thơ: Thiếu người quản lý môi trường

Cần Thơ có 129 doanh nghiệp, hơn 5.000 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hàng chục khu chợ, trung tâm thương  mại, hàng ngàn hộ nuôi cá và hàng vạn hộ kinh doanh cá thể ngày đêm xả nước thải, chất thải độc hại ra môi trường.

Riêng huyện Thốt Nốt có 1 KCN với 4 nhà máy chế biến thủy sản và nhiều nhà máy rải rác bên ngoài xả nước thải trực tiếp ra sông, 57 cơ sở nấu cồn, 464 ao-bè nuôi cá và nhiều hộ chế biến phụ phẩm từ cá tra, nấu nhớt, hắc ín… Đầu năm 2008, chỉ có 48 cơ sở kinh doanh đăng ký cam kết bảo vệ môi trường. Còn lại xả chất thải độc hại “vô tư”.

ĐBSCL hiện có 20 KCN và 177 cụm công nghiệp, tổng diện tích đất quy hoạch 19.102 ha và chỉ mới có 1.511 ha đất được nhà đầu tư thuê (7,9%).

Trong đó, tổng diện tích KCN 3.645 ha và diện tích đất được thuê là 810 ha (22,2%); tổng diện tích cụm công nghiệp 15.457 ha và diện tích đất được thuê là 701 ha (4,5%).

Không phải tất cả diện tích đất được thuê đều đã có cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động mà một số nhà đầu tư thuê xong vẫn bỏ trống. Sáu Nghệ

Và trong 6 tháng đầu năm 2008, Phòng TN-MT Thốt Nốt kiểm tra được 30 cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, đề xuất xử lý 3 trường hợp, còn lại là nhắc nhở.

Phòng TN-MT huyện Thốt Nốt hiện làm việc trong căn phòng rộng khoảng 10 m2 ở tầng hai một căn nhà cũ.

Bộ phận quản lý môi trường có 2 người, Trưởng phòng và 1 nhân viên.

Trưởng phòng Tô Thiện Tứ nói: “Tôi ở ngành công an mới được điều sang, kiến thức về môi trường còn chưa nắm vững, chưa nói đến chuyện quản lý. Nhân viên cũng không có kiến thức về môi trường”.

Công việc quản lý môi trường ở huyện Thốt Nốt qua lời anh Tứ thừa nhận: “Kiểm tra, xử phạt là rất nhiêu khê, cán bộ phòng không kham nổi”.

Phòng Quản lý Môi trường TP Cần Thơ thuộc Sở TN-MT được biên chế 10 người, mỗi năm kiểm tra định kỳ doanh nghiệp đã hết thời gian.Việc kiểm tra đột xuất hoặc theo dõi thường xuyên vi phạm về môi trường của các doanh nghiệp gần như bỏ ngỏ.

Trưởng phòng Lê Quang Minh kể: “Trước đây, việc thu phí môi trường chưa được phân cấp, mỗi năm Sở TN-MT thu xấp xỉ 500 triệu đồng với những doanh nghiệp lớn, còn hơn 4.000 cơ sở sản xuất nhỏ bỏ qua, thất thu không dưới 10 tỷ đồng.

Còn hiện nay, phân cấp cho quận huyện nhưng mỗi quận huyện chỉ có 1 - 2 cán bộ, lại kiêm nhiệm nhiều việc nên việc thu phí và giám sát bảo vệ môi trường càng nhiêu khê”.

Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Cần Thơ thành lập tháng 10/2007, có 25 cán bộ, chiến sỹ, đầu tháng 10/2008 mới được đầu tư 200 triệu đồng để mua máy móc và phương tiện phục vụ chuyên môn. Thượng tá Lê Văn Chì, Trưởng phòng nói: “Hoạt động nghiệp vụ của chúng tôi chỉ cầm chừng vì thiếu cả nhân sự lẫn kinh phí”.

MỚI - NÓNG