Thiếu đủ thứ!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thiếu đủ thứ, từ sách giáo khoa đến sách chuyên đề, thậm chí cả câu chuyện thiếu giáo viên, khiến nhiều người cho rằng, ngành giáo dục đang chới với trong những kế hoạch và mục tiêu mình đặt ra.

Đầu năm học mới, chị Hằng ở TPHCM, làm việc trong một tổ chức tuyển dụng nhân sự, hoang mang khi nghe con trai, lớp 11, kể không mua được các sách chuyên đề, sách tham khảo “đúng chuẩn”, phải mượn của anh chị khoá trước. Thế nhưng, khi bạn chị chia sẻ, đến sách giáo khoa, nếu không đăng ký cũng khó mua. Bấy giờ, chị mới nghĩ, việc thiếu sách cũng không phải là vấn đề khó hiểu, khi mà nguồn nhân lực là giáo viên cũng đang thiếu trên diện rộng.

Thiếu đủ thứ! ảnh 1

Tác giả Ngọc Lâm

Thực trạng thiếu sách hay khó mua một cuốn sách trong danh mục sách giáo khoa đầu năm học mới là điều khó chấp nhận. Tại sao sách giáo khoa nằm trong danh mục được nhà trường yêu cầu, nhưng lại không có bán? Có phải sự “đổi mới giáo dục” diễn ra liên tục, khiến Nhà xuất bản hay Hội đồng biên soạn sách giáo khoa không kịp sản xuất? Nhiều người còn cho rằng, ngành giáo dục đang thực sự lúng túng kể từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc thiếu sách, thiếu giáo trình tham khảo, cũng là cơ hội cho sách lậu, sách dởm, sách không đạt chuẩn lên ngôi.

Câu chuyện về một cô giáo Ngữ văn ở Thừa Thiên Huế đạo cuốn sách tham khảo về “Lý luận văn học” của một thầy giáo “dỏm” ở Vũng Tàu dậy sóng cộng đồng mạng mới đây, chính là sự báo động đáng sợ về thực trạng thiếu đủ thứ của ngành giáo dục. Người ta thắc mắc, vì sao một cuốn sách tham khảo của một người “tự gắn mác” thầy giáo, dù chưa tốt nghiệp cấp 3, có thể được lưu hành rộng rãi bởi một NXB có tên tuổi? Tệ hơn, cuốn sách đó còn được một cô giáo dạy Ngữ văn sao chép và nhân bản dưới cái tên của mình và bán lại một lần nữa.

Câu hỏi đặt ra, học sinh thiếu kiến thức, thiếu thông tin hay là sự dễ dãi của ngành giáo dục? Câu chuyện trên không chỉ phản ánh sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng trong vấn đề xuất bản, còn phản ánh thực trạng thiếu và yếu cả về chất và lượng nguồn sách chuyên đề, tham khảo.

Sự dễ dãi trong quản lý giáo dục, kiểm duyệt sách tham khảo khiến cho những thầy cô giáo “dỏm”, thầy cô giáo bị lợi nhuận ám lương tâm có cơ hội “lộng hành”. Ngược lại, tại các cơ sở đào tạo chính thống là các trường học, sự ngặt nghèo về tiền lương khiến nhiều giáo viên buộc phải từ bỏ đam mê dạy học. Nhiều người không mặn mà với việc nghiên cứu, biên soạn sách.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, thế nhưng, khi việc dạy học hay viết sách không đủ sống, thì tình trạng sách lậu, hay giáo viên nghỉ việc đi làm thêm vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Nói như một người bạn tôi, anh gắn bó với nghề biên tập hơn 15 năm qua, việc bỏ chất xám thu về hai đồng, trong khi việc sao chép, tổng hợp có thể đem lại lợi nhuận gấp trăm lần, thì việc thiếu sách chuyên đề, hay chất lượng sách giáo khoa bị thả nổi sẽ là thực trạng được báo trước.

Thiếu đủ thứ, từ giáo viên, đến sách giáo khoa, thiếu kinh phí dẫn đến lạm thu, vẫn là những chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Dẫu biết thế, nhưng với vai trò người cầm bút thì tôi cho rằng, vẫn còn trăn trở, có nghĩa vẫn phải cần nói ra.

MỚI - NÓNG