Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải:

Thiếu điện là do nhiều dự án chậm tiến độ

Thiếu điện là do nhiều dự án chậm tiến độ
TP - Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đã có cuộc trao đổi nhanh với báo giới về vấn đề tình trạng thiếu điện trầm trọng và cắt điện luân phiên.
Thiếu điện là do nhiều dự án chậm tiến độ ảnh 1
Bao giờ mới hết cảnh thiếu điện?

Bộ trưởng nói: Kinh tế tăng trưởng, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đang chảy rất mạnh vào nước ta, thì thiếu điện là điều chẳng ai muốn. Nhất là Bộ trưởng Công nghiệp, vì dễ mất chức lắm! Quốc hội đã duyệt mức tăng trưởng GDP là 8,5%, thì mức tăng trưởng điện cũng phải 17% và cao hơn.

Trước đây chúng ta dự báo tăng trưởng điện  là 15%, mới đây Thủ tướng đã phê duyệt mức tăng trưởng lên  17%. Vì vậy phải chuẩn bị cung cấp nguồn điện nhiều hơn nữa. Đến nay, phải có bình quân 3.800 MW bình quân/năm, tức là cần đầu tư khoảng trên 4 tỷ USD. Cùng với đó, tiến độ  triển khai các dự án cũng phải nhanh hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng thiếu điện hiện nay là do qui hoạch phát triển điện đã không theo kịp đà tăng trưởng kinh tế?

Mọi người thường nghĩ chắc là quy hoạch sai nên mới dẫn đến thiếu điện. Nếu như tất cả các công trình trong quy hoạch đều đã thực hiện mà vẫn thiếu điện thì nói thế được. Nhưng thực tế, nhiều dự án chưa thực hiện hết,  nhiều công trình chậm tiến độ. Vậy có người hỏi sao không đưa tỷ lệ dự phòng lên cao hơn 30-40%, nhưng công trình không hoạt động thì lấy gì mà “chạy”?

Nói rằng quy hoạch phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhưng quy hoạch kinh tế-xã hội trước nêu tăng trưởng 8%, thì phải dựa trên 8% chứ không thể dựa vào mức tăng trưởng 10%.

Thực tế, chúng ta mong muốn hệ thống điện có dự phòng, các dự  án đã triển khai rất nhiều với trên 30 nhà máy điện lớn, thủy điện nhỏ cũng hàng chục cái, nhưng tiến độ triển khai các nhà máy  lớn thì chậm, còn các dự án thủy điện nhỏ lại vướng mắc về vấn đề thu xếp vốn...

Nếu những công trình chúng ta triển khai đều vào đúng tiến độ thì đã có lượng điện dự phòng, nhưng thực tế bị chậm như tôi đã nói. Đơn cử, năm nay chúng ta mong mỏi hai nhà máy Uông Bí, Cà Mau vào vận hành,  nhưng riêng việc thiếu 2 nhà máy đấy thì mỗi nơi đã 300-400 triệu (kWh) rồi...

Như vậy Bộ trưởng cho rằng tình trạng thiếu điện hiện nay không phải do chất lượng của công tác qui hoạch phát triển điện?

Thử đặt ra vấn đề: Tại sao không tính dài ra, ví như nhà máy xây dựng 5 năm sao không tính 7, nhiệt điện  3 năm tính hẳn lên 5 năm... Thực tế những  vấn đề đó đã có trong quy hoạch. Đơn cử vấn đề dự phòng công suất, các nước họ chỉ tính 10-15%. Thậm chí, nếu hệ thống tốt, dự phòng càng thấp thì càng kinh tế.

Trong các quy hoạch  của mình, đã nâng lên 30-40% dự phòng. Nhưng tất cả những vấn đề tôi vừa nêu ở trên chỉ làm cho kế hoạch dự phòng chỉ còn trên giấy. 

Hơn nữa, những biến động về thời tiết cũng gây ảnh hưởng, tổng dung lượng nước về hồ Hòa Bình trong nhiều năm trước đạt khoảng 56-57 tỷ m3/năm, nhưng trong mấy năm nay chỉ đạt độ 47-50 tỷ m3. 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!                                                                      

V.V.Thành ghi

MỚI - NÓNG