Thiếu công bằng, nhân văn trong xét tuyển giáo viên mầm non?

Thiếu công bằng, nhân văn trong xét tuyển giáo viên mầm non?
TPO - Có đủ điều kiện về bằng cấp giáo viên mầm non nhưng không được xem xét ưu tiên tuyển dụng khiến cho hàng trăm nhân viên, giáo viên đang hợp đồng với hàng chục trường mầm non ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) bức xúc, nghi ngờ việc xét tuyển không công bằng, thiếu nhân văn.  

Tỉnh chỉ đạo xem xét, huyện ngó lơ?

Nhiều năm qua, trong khi ngành chức năng chỉ đạo tạm ngưng việc tuyển dụng, để đảm bảo hoạt động chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng trẻ, các trường mầm non trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã chủ động ký hợp đồng với hàng trăm lao động (có bằng trung cấp sư phạm mầm non trở lên). Các hợp đồng đều thể hiện là hợp đồng nhân viên dinh dưỡng, nhưng thực tế, đại đa số các nhân viên dinh dưỡng đều tham gia đứng lớp.

Với mức lương chỉ vài trăm nghìn đồng (năm 2013) đến hơn 2 triệu đồng/ tháng (tùy vào từng trường), không chế độ bảo hiểm, không có thu nhập dịp hè, nhưng những lao động này vẫn yêu nghề, miệt mài cống hiến, chờ ngày được cơ quan chức năng quan tâm tuyển dụng.

Ngày 23/8/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định giao tuyển dụng số lượng hợp đồng giáo viên mầm non theo quyết định 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ (tổng số hợp đồng được giao là 1.200 người, trong đó, huyện Hoằng Hóa được giao 65 chỉ tiêu) với tiêu chí xét tuyển là ưu tiên xét hết hết số người đạt trình độ Đại học, sau đó đến Cao đẳng và đến trình độ Trung cấp… Những tiêu chí đưa ra đã gặp nhiều bất cập trong quá trình triển khai nên ngày 12/1/2018,UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 466/UBND – THKH về việc thực hiện xét hợp đồng giáo viên mầm non và giáo viên Tiếng Anh theo QĐ số 60/2011/QĐ-TTg.

Cụ thể, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo: Để sớm tạo sự ổn định, phát triển bền vững cho ngành giáo dục, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở GD&ĐT, Sở Lao động, thương binh và Xã hội, các ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu hướng dẫn việc tuyển dụng hợp đồng giáo viên mầm non theo hướng ưu tiên xét những giáo viên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp theo quy định và có thời gian hợp đồng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Đảm bảo đúng quy định hiện hành của pháp luật, khách quan, công khai, minh bạch. Trong đó, về trình độ chuyên môn: Đối với giáo viên mầm non là Tốt nghiệp Trung cấp sư phạm mầm non trở lên.

Đối với các huyện đã được chấp thuận kết quả xét tuyển và thực hiện tuyển dụng hợp đồng lao động giáo viên mầm non, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Chủ tịch UBND các huyện rà soát số giáo viên nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác để bố trí, sắp xếp cho số giáo viên thuộc diện có thời gian hợp đồng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn chưa được tuyển dụng trước khi có ý kiến chỉ đạo tại văn bản này.

Tuy nhiên, tại huyện Hoằng Hóa vẫn áp dụng tiêu chí xét trúng tuyển trước đó. Ngày 15/3, huyện Hoằng Hóa công bố danh sách trúng tuyển với 65 người có trình độ Đại học, Cao đẳng, phần đông là người mới ra trường chưa có thời gian cống hiến cho ngành. Kết quả này khiến nhiều nhân viên, giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non trên địa bàn huyện vô cùng bức xúc.

Có hay không tiêu cực trong tuyển dụng?

Từ năm 2013 cho đến năm 2016, những nhân viên, giáo viên hợp đồng này luôn được các nhà trường báo cáo danh sách ra phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa và được phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa tổng hợp báo cáo danh sách lên Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Tuy nhiên, khi thực hiện xét tuyển hợp đồng giáo viên mầm non theo chủ trương của tỉnh Thanh Hóa, thì số nhân viên, giáo viên này không được ưu tiên xét tuyển.

Với những bất cập trong xét tuyển giáo viên mầm non tại địa bàn huyện Hoằng Hóa, những giáo viên này tha thiết mong cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ việc xét tuyển giáo viên mầm non hợp đồng của huyện Hoằng Hóa như vậy đã đúng chủ trương chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa hay chưa và đã thấu tình, đạt lý chưa?

Cô Nguyễn Thị Đào - Hiệu trưởng mầm non xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa, cho biết thêm: Nhiều năm nay, UBND tỉnh không cho tuyển dụng giáo viên, trong khi đó, số lượng trẻ ra lớp ngày càng tăng khiến nhà trường thiếu nhiều giáo viên. Nếu không có những nhân viên hợp đồng theo thời vụ thì nhà trường không thể tổ chức ăn bán trú cho học sinh được, chất lượng dạy học, chăm sóc trẻ cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, không thể phủ nhận vai trò cũng như những cống hiến của các nhân viên hợp đồng tại các trường. Chúng tôi mong cơ quan chức năng quan tâm ưu tiên khi có cơ chế tuyển dụng để những nhân viên đã có thời gian cống hiến cho ngành bớt thiệt thòi.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Phúc – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hoằng Hóa khẳng định, huyện Hoằng Hóa không có giáo viên hợp đồng tại các trường mà chỉ là hợp đồng nhân viên dinh dưỡng và các nhân viên này không tham gia đứng lớp. Vì vậy, khi có chỉ tiêu xét tuyển giáo viên mầm non theo quyết định của UBND tỉnh, huyện cũng nhận được công văn 466/UBND – THKH của Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng xét thấy trên địa bàn huyện không có đối tượng hợp đồng lao động tại các trường nên thực hiện xét tuyển theo công văn trước. Đó là ưu tiên xét hết hết số người đạt trình độ Đại học, sau đó đến Cao đẳng và đến trình độ Trung cấp. Còn việc các nhân viên dinh dưỡng tham gia đứng lớp là do các cô tự nguyện, huyện không có trách nhiệm trong việc này.

Và khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì UBDN huyện Hoằng Hóa đang tiếp tục thực hiện việc tuyển dụng 146 viên chức cho mầm non, tiểu học. Câu chuyện dư luận “nếu không chạy không thể trúng tuyển” râm ran tại huyện Hoằng Hóa khiến cho nhiều lao động, gia đình tiếp tục nghi ngờ về sự công bằng trong tuyển dụng.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.