Thiệt vì chậm xây TT giao dịch nguyên phụ liệu dệt may

Thiệt vì chậm xây TT giao dịch nguyên phụ liệu dệt may
TP - Theo dự kiến ban đầu, Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu dệt may TPHCM sẽ được thành lập và đi vào hoạt động vào cuối năm 2005, nhưng đến nay vẫn chưa chọn được địa điểm xây dựng.
Thiệt vì chậm xây TT giao dịch nguyên phụ liệu dệt may ảnh 1

Ngành may mặc XK bị thiệt hại không nhỏ vì chưa có TTGDNPL

Trung tâm ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của các DN ngành dệt may khu vực các tỉnh, thành phía Nam. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay chọn… địa điểm xây dựng.

Thay địa điểm xây dựng như thay... áo

Đề án thành lập một trung tâm giao dịch cung ứng nguyên phụ liệu hàng dệt may (TTGDNPL) ở trong nước đã sớm được UBND TPHCM quan tâm, chỉ đạo triển khai ngay từ đầu những năm 2000.

Ban đầu, UBND TPHCM đã quyết định chọn chợ Tân Bình (quận Tân Bình) làm địa điểm xây dựng TTGDNPL. Tuy là nơi kinh doanh đa ngành nhưng chợ này có vai trò như một chợ đầu mối, chuyên bán buôn các mặt hàng may sẵn cho các chợ bán lẻ trong thành phố và các tỉnh.

Đặc biệt, tầng hầm chợ Tân Bình còn có hơn 10 điểm kinh doanh nguyên phụ liệu dệt may với quy mô nhỏ, rất phù hợp để nhân rộng thành TTGDNPL.

Thế nhưng, đến đầu năm 2005, TPHCM quyết định ngưng, không “nâng cấp” chợ Tân Bình thành TTGDNPL. Thay vào đó, UBND TPHCM quyết định chọn một khu đất thuộc địa bàn quận 2.

Theo ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Thương mại, chợ Tân Bình nằm trong nội ô thành phố, gần với điểm “nóng” về ùn tắc giao thông là Ngã tư Bảy Hiền, đường Lý Thường Kiệt … trong khi các phương tiện vận tải ra vào TTGDNPL “ăn hàng” là xe container.

Chọn địa điểm này là đi ngược với chủ trương di dời các chợ đầu mối ra ngoại thành mà UBND TPHCM đã và đang thực hiện.

Trong năm 2005, UBND TPHCM đã nhiều lần họp bàn, Thường trực Ủy ban chỉ đạo bằng mọi cách phải hoàn thành đúng thời hạn nhưng do lúng túng trong việc xác định địa điểm xây dựng nên đến nay, TTGDNPL vẫn còn trên giấy.

Cụ thể: Sau một thời gian, UBND TP xác định địa điểm xây dựng TTGDNPL tại quận 2 không phù hợp nên đã yêu cầu chủ đầu tư (Tập đoàn dệt may VN) chọn một khu đất khác thuộc phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức). 

Do có nhiều vướng mắc trong thủ tục giao đất và giải phóng mặt bằng nên mới đây, chủ đầu tư lại đề nghị UBND TPHCM cho phép được dời địa điểm xây dựng TTGDNPL sang phường Hiệp Thành (quận 12).

Càng chậm càng thiệt thòi!

Theo số liệu của Sở Thương mại TPHCM, trong năm 2005, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 1,9 tỷ USD, trong khi đó tổng giá trị nhập khẩu nguyên phụ liệu năm 2005 chiếm gần 1,2 tỷ USD (trong 6 tháng đầu năm nay, doanh số hàng may mặc XK/nguyên phụ liệu nhập khẩu là 434,1 triệu USD/151,9 triệu USD).

Như vậy, giá trị gia tăng mà ngành dệt may TPHCM tạo ra trong cả năm 2005 chỉ tương đương 700 triệu USD  Trong khi đó tỷ trọng hàng dệt may của TPHCM chiếm đến 15,2% tổng kim ngạch XK chung của TPHCM.

Theo ông Trần Vinh Nhung, ngoài lý do hàng XK chủ yếu theo hình thức gia công, hiệu quả kinh tế ngành hàng này sở dĩ không cao, giá trị gia tăng trong sản phẩm XK đạt thấp còn do hàng dệt may XK có tỷ trọng nguyên phụ liệu NK chiếm trên 70%.

Theo một số chuyên gia kinh tế, lệ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu NK sẽ khiến các DN thiếu tính chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất, trong tìm kiếm hợp đồng gia công, XK.

Sử dụng nguồn NK, giá thành sản xuất sẽ bị đội lên và làm giảm giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm. “Phương án đầu tư xây dựng TTGDNPL bị kéo dài nên đã làm chậm việc chuyển đổi cơ cấu hàng dệt may XK theo hướng tăng tỷ lệ hàng xuất FOB tăng giá trị gia tăng”. – Ông Nhung nhận định.

Cũng theo ông Nhung, việc chậm cho ra đời TTGDNPL còn làm công tác quản lý Nhà nước thêm phức tạp. Theo quy định, nguyên phụ liệu NK nếu dư thừa thì các DN được phép chuyển nhượng và phải nộp thuế.

Trong năm 2005, Chi cục QLTT TPHCM đã phát hiện 2 Cty TNHH, sau khi NK nguyên phụ liệu đã không tổ chức sản xuất mà thực hiện “thanh lý hợp đồng gia công” rồi tuồn lượng hàng này ra bên ngoài nhằm mục đích trốn thuế NK.

MỚI - NÓNG