Ông Quang cho biết trục trặc trong việc giải ngân vốn ODA cho tuyến metro số 1 khiến nhà tài trợ rất quan ngại trong việc đầu tư những tuyến metro tiếp theo. Phía nhà tài trợ đã nêu quan ngại này trong quá trình làm việc với phía Việt Nam.
Tuyến metro số 1 đi về hướng quận 9, qua khu công nghệ cao. Các nhà đầu tư đang đầu tư vào khu vực này trong các cuộc họp với lãnh đạo TPHCM, đều bày tỏ mong muốn sớm hoàn thành tuyến metro số 1 để họ nâng quy mô vốn đầu tư. Nếu không hoàn thành tuyến metro số 1 đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư vào khu công nghệ cao và nhiều dự án khác tại TPHCM.
Ông Quang cho biết trong nhiều lần làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tất cả những vấn đề Bộ này nêu ra phía TPHCM "đã trình bày rất cụ thể".
"Còn những vấn đề khác nếu chưa rõ có thể tiếp tục tháo gỡ. Bây giờ ngưng lại không giải ngân vốn cho tuyến metro số 1 như hiện nay thì sẽ rất khó khăn. Phía nhà tài trợ họ không hiểu vì sao thủ tục của chúng ta lại phức tạp đến như vậy”, ông Quang nói
Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang gặp khó khăn do thiếu vốn. Nguồn vốn ODA từ Trung ương chưa được phân bổ.
Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012 với tổng chiều dài toàn tuyến gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương).
Trong năm 2017, Trung ương đã cấp thêm cho dự án tuyến Metro số tiền 2.119 tỷ đồng nhưng đến nay đã sử dụng hết. Hiện nay dự án đang nợ các nhà thầu. Để xử lý khó khăn trước mắt, vừa qua UBND TPHCM đã tạm ứng hai đợt: đợt đầu trước tết Nguyên Đán 2017 với số tiền 600 tỷ đồng. Mới đây, UBND TP.HCM tiếp tục tạm ứng 500 tỷ đồng để giải quyết các khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, việc tạm ứng chỉ là giải pháp tạm thời vì bình quân mỗi tháng chủ đầu tư phải trả cho các nhà thầu thi công từ 500-600 tỷ đồng.