Thiên đường du lịch ở thị trấn Moritzburg

Thiên đường du lịch ở thị trấn Moritzburg
TP- Với sự năng động, nhạy bén, người dân thị trấn Moritzburg không chỉ biến thị trấn của mình thành "thiên đường" mà còn hái ra tiền nhờ lượng khách du lịch viếng thăm hàng năm.
Thiên đường du lịch ở thị trấn Moritzburg ảnh 1

Thị trấn cổ với khoảng 3.000 cư dân này chỉ cách thành phố Dresden chừng 20 km, hay nói theo cách của người Đức là khoảng 20 phút ô tô, được bao bọc bởi những cánh rừng bao la.

Những ngôi nhà xinh xắn lấp ló trong vườn cây trái trĩu quả. Trung tâm thị trấn là lâu đài Moritzburg soi bóng xuống hồ nước mênh mông. Lâu đài này được Công tước Moritz vùng Saxony xây dựng từ năm 1542-1546 để làm nơi nghỉ ngơi sau mỗi cuộc săn bắn.

Chính lâu đài đẹp như trong truyện cổ tích và thiên nhiên trong lành là tâm điểm thu hút khách du lịch nội địa và thậm chí từ các nước châu á xa xôi ùn ùn kéo tới đây.

Đoàn cựu học sinh Việt Nam có khoảng gần 70 người phải chia thành từng nhóm nhỏ từ 2 - 4 người đến ở những nhà khách nằm rải rác trong thị trấn vì không có khách sạn lớn.

Tôi cùng một đồng nghiệp được bố trí ở “Nhà nghỉ trong rừng” nằm mãi trong rừng sâu. Phải đi khoảng 3 km mới ra ngoài đường lớn, nhưng chúng tôi không cảm thấy buồn mà ấm cúng như ở nhà mình.

Ngôi nhà đặc trưng của nông dân Đức được ngăn làm đôi, một bên có 6 phòng cho thuê và một bên là nơi sinh hoạt của chủ nhà. Ngay trước nhà có bãi cỏ rộng lớn làm nơi nuôi cừu và ngỗng, phía sau là hồ nước rộng rất nhiều thiên nga. Buổi sáng dậy sớm, còn thấy cả nai chạy qua trước nhà.

Nhiều người nói người Đức lạnh lùng, nhưng tiếp xúc với bà chủ và dân thị trấn, tôi không tin điều ấy. Bà chủ nhà là nông dân rất niềm nở.

Buổi tối, khách thường ra ngoài phòng chung ngồi quanh bếp lửa ấm áp uống cà phê và truyện trò vui vẻ với bà chủ. 2 ngày trước khi chúng tôi rời Moritzburg, một anh bạn đồng nghiệp là cộng tác viên VTV4 từ Leipzig đến đưa tin về hoạt động của đoàn.

Do chưa có chỗ ở nên anh đánh liều về chỗ chúng tôi. Tưởng bà chủ không đồng ý bởi phòng chỉ có 2 giường đã bố trí ở hết, thế mà bà chẳng những vui vẻ gật đầu mà còn mang đến đệm, chăn, gối thơm tho. Khi trả phòng, anh bạn đồng nghiệp được miễn phí tiền ở.

Ở Moritzburg, có một khu nhà khách được xây dựng từ năm 1675 mang tên Adams Gasthof, lâu đời nhất thị trấn. Lễ mít tinh long trọng kỷ niệm 50 năm ngày cựu học sinh VN đầu tiên đặt chân đến Moritzburg cũng diễn ra ở đây.

Sáng nào cũng vậy, Rainer Kretzschmar - ông chủ to béo và vui tính đều đến đón chúng tôi bằng chiếc xe hơi cổ về nhà khách ăn sáng. Bất cứ lúc nào, ông cũng giúp đỡ rất tận tình từ những điều nhỏ nhất. Do thị trấn không có cửa hàng Internet nên khi tôi hỏi, ông mời lên tận phòng làm việc của mình và đóng cửa lại để cho khách tự do vào mạng.

Có bận, tôi chẳng kiếm đâu ra một ít dầu gội đầu đành phải hỏi ông. Rainer tất tả ra xe và chỉ một loáng đã mang về lọ dầu gội đầu to tướng tặng cho tôi.

“Khách đến với chúng tôi bao giờ cũng cảm thấy như đang ở nhà mình vậy.” - Rainer tâm sự - “Chúng tôi luôn cố gắng để khách đến đây còn quay lại nhiều lần nữa”.

Cho nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên chỉ trong năm ngoái thị trấn nhỏ xíu này đã đón đến gần 100.000 khách du lịch nội địa và từ khắp nơi trên thế giới. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mỗi khách tiêu trung bình 600 euro.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.