Đội lốt y học cổ truyền...
Sau 0h, đường phố Nha Trang vắng dần bóng người. Bên ánh đèn đường vàng héo hắt, cơ sở massage y học cổ truyền trên đường Trần Văn Ơn vẫn tấp nập những bước chân ra, vào. Càng về khuya, dịch vụ massage ở đây càng đông khách. Không biết là đi massage có phục hồi sức khỏe như bản chất vốn có của nó hay không, nhưng ngồi, nhìn và đánh giá thì hầu hết các vị khách có vẻ tơi bời, uể oải hơn khi massage xong.
Ngay tiền sảnh, “thượng khách” được mời chào rất nhiệt tình. Vẫn là những hình ảnh lễ tân ăn mặc lịch sự. Song chỉ vài câu mào đầu, sự lịch sự cũng không khỏa lấp được những trần trụi nơi kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. “Đi super VIP nhé anh? Giá 600.000 đồng. Còn VIP thì giá 220.000 đồng. Nhân viên ở đây phục vụ nhiệt tình” - lễ tân nháy mắt mời mọc.
Sở dĩ chúng tôi quyết định chọn cơ sở này bởi một phần từ cái biển hiệu “y học cổ truyền”. Song, khi đã “lâm trận” mới vỡ lẽ, cái mác “y học cổ truyền” chỉ là tấm màn thưa che mắt. Sau công đoạn xông ướt, xông khô là đến đoạn tắm bồn. Nhân viên tên Ngọc cầm vòi hoa sen xịt tứ tung, thỏ thẻ: “Em gội đầu cho cưng nhen”. Một tay kì cọ lấy lệ, tay còn lại của cô bắt đầu xoa khắp cơ thể không mảnh vải của khách như mời mọc. Những hành động mang tính “khiêu khích” chính là tiền đề cho công đoạn mát xa, mát gần.
Ngoài massage thường và VIP, cơ sở này cũng tồn tại loại phòng super VIP. Sử dụng loại phòng này, nhân viên sẽ khỏa thân để xông hơi và tắm cùng thượng khách. Ở đây, có 5 nhân viên chuyên làm dịch vụ super VIP. Nghe nói những nhân viên này cũng từng phục vụ ở các cơ sở massage mà chúng tôi đã đề cập. Tất cả các “tuyệt chiêu” mà nhân viên phục vụ khách, có lẽ chưa hề có trong bất kì một tài liệu y học cổ truyền nào.
Nghề không bằng cấp
Massage VIP, super VIP… cái mỹ từ dễ tạo nên ấn tượng về sự chăm sóc sức khỏe cao cấp. Nhưng khi đã “điểm mặt” hầu hết các tụ điểm trong thành phố, có thể khẳng định đó là những nơi chăm sóc sức khỏe chỉ là phụ, mà cái chính chỉ là nơi giải quyết khoản kia. Các liệu pháp chăm sóc sức khỏe dường như không được người ta quan tâm. Khi thấy kỹ thuật viên xoa bóp qua loa, tôi liền thắc mắc về tay nghề.
Nghe vậy, nhân viên này cười muốn sặc: “Vào đây đâu để đấm bóp hả anh, chủ yếu làm cho anh thỏa mãn là được. Bọn em khi vào đây có ai đòi bằng cấp đâu. Tay nghề cũng chỉ được hướng dẫn sơ sơ à!”. Đồng cảnh ngộ với tôi, một anh bạn cũng phàn nàn về tay nghề của nữ nhân viên massage cho mình: “Mình vào massage mà nó cứ lóng nga lóng ngóng đến bực mình, làm gì cũng không biết... nhưng được cái dễ thương”.
Tôi đùa: “May mà không cho kỹ thuật viên đạp lưng, bẻ cổ đó, chứ với tay nghề như mấy em này có khi phải vô trung tâm chấn thương chỉnh hình hoặc phục hồi chức năng chứ chẳng chơi...”. Tiền vé mắc, tiền “bo” nhiều nhưng chất lượng xoa bóp chắc chắn không thể bằng những cơ sở massage lành mạnh khác.
Sau 0h, cơ sở massage H.B.N vẫn sáng đèn đón khách.
Theo quy định, tất cả các nhân viên làm nghề massage đều phải có chứng chỉ hành nghề. Theo chúng tôi được biết, đúng là các cơ sở này có một số người có chứng chỉ thật, tuy nhiên đa phần các nhân viên khi được tuyển vào thì chủ cơ sở bắt nhân viên phải đóng tiền “chạy” chứng chỉ. Theo các nhân viên, họ phải đóng 6, 7 triệu đồng mới có chứng chỉ.
Điều dễ dàng nhận ra từ những cơ sở massage đang mọc lên như “nấm sau mưa” trên khắp các con đường của thành phố chính là lợi nhuận từ việc kinh doanh. Vì lợi ích, họ sẵn sàng nhận những cô gái không được đào tạo bài bản về massage. Thước đo tay nghề, không gì khác ngoài sự chịu chơi, chiều khách và các chiêu trò... Không ít cô gái trẻ sẵn sàng lao mình như những con thiêu thân dù biết rằng cuộc đời cũng sẽ bị vùi dập bởi chính cái nghề mà mình đã chọn.
Đời nữ massage
Với nghề này, nhân viên khi còn xuân sắc của H.Đ một tháng có thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Nhân viên ở massage đường Trần Văn Ơn, tuy ít hơn nhưng cũng khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Song, khi nói đến chuyện thu nhập, Ngọc ngậm ngùi tâm sự: “Ai cũng nghĩ làm nghề này sẽ chóng giàu. Nhưng của thiên trả địa cả anh ơi. Làm nghề này có vay có trả nên trời không cho hưởng. Được đồng nào, không lo cái này cũng phải lo cái kia. Nhiều đứa lao vào cờ bạc, nuôi trai, có khi còn âm tiền lương tháng. Rồi tiền vay, tiền góp nó ăn chặn hết”.
Có điều lạ lùng, dù các nhân viên massage đều có ký kết hợp đồng, song lương của họ lại chính là tiền bo. Khéo chiều khách thì được nhiều tiền, còn không móc được tiền bo coi như làm không công. Đã không có lương, tiền bo cũng bị quản lý chặn đầu, chặn đuôi. Mỗi lần có khách, nhân viên đều phải trích lại 5 đến 10% trên tổng số tiền được bo. Khách không bo thì phải tự bỏ tiền túi ra nộp.
Một nhân viên massage ở một khách sạn lớn trên đường N.T.T than: “Bọn em ở đây phải chịu đủ thứ tiền, đã vậy muốn ăn uống phải mua luôn ở nhà hàng của khách sạn với giá quá đắt. Mỗi ngày tốn hai trăm ngàn tiền ăn. Rồi đủ thứ tiền lặt vặt khác nên thu nhập chẳng dư được bao nhiêu”.
Giữa các nhân viên massage nữ cũng có những “điều luật” tồn tại trong mỗi khi làm cho khách. “Cho tua” là “luật” được áp dụng nhiều nhất. Nội dung cơ bản của luật này là khi làm khách đã quá 30 phút mà bị khách kêu đổi người thì nhân viên đang làm phải “cho tua” người khác và nếu lỡ khách không bo thì nhân viên bị đổi phải bỏ tiền túi ra bù cho người làm sau.
Massage vốn là nghề đường hoàng, chân chính. Theo thời gian, những suy đồi về lối sống và những điểm massage trá hình biến tướng đang tạo cho mọi người nhìn nghề này bằng ánh mắt thiếu thiện cảm.
Với những tồn tại của dịch vụ massage như hiện nay, sẽ không ít những hệ lụy kèm theo. Còn sống trong môi trường này, ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối luôn cận kề nhau. Lẽ nào chúng ta có thể chấp nhận những dịch vụ mại dâm trá hình này cứ tồn tại một cách công khai.