Thi tuyển vào lớp 10: Nặng trĩu nỗi lo trượt trường công

Thi tuyển vào lớp 10: Nặng trĩu nỗi lo trượt trường công
TP - Đề thi Văn và Toán lớp 10 ở Hà Nội được đánh giá vừa sức nhưng phân loại được học sinh. Nhiều thí sinh cho biết làm hết bài thi khi chưa hết thời gian. Trong khi đó, ở mỗi điểm thi, hàng trăm phụ huynh phấp phỏng đứng chờ con, canh cánh nỗi lo con trượt trường công.

Khủng hoảng, mất ngủ, lo hơn thi đại học

Chị Trần Thị Thanh Phương, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ nỗi “đoạn trường” khi chỉ cách đây 1 năm, con gái chị thi tuyển lớp 10 đạt 45 điểm nên trượt cả nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 trường công ở gần nhà. Chị kể: “Mẹ con khóc hết nước mắt vì nhiều nỗi khổ”. Gia đình chị Phương ở gần Bến xe phía nam nên sau khi con trượt cả hai nguyện vọng, chị tá hỏa đi tìm trường học cho con.

Tìm mãi, cuối cùng cũng có một trường công ở Thường Tín, cách nhà khoảng 20 cây số nhận con vào học. Từ đây, cả gia đình chị rơi vào khủng hoảng vì khó sắp xếp được thời gian đưa đón con. Chị kể, làm việc trong bệnh viện yêu cầu 7h kém nhân viên có mặt, hai mẹ con phải hò nhau dậy từ 5 giờ sáng chở con đi, rồi mẹ quay lại cơ quan làm việc. Lắm hôm mẹ xong việc, tối mịt mới đến trường đón con. Điều đó chưa tệ bằng con vào môi trường mới, bị bạn bè trêu chọc, chỉ trỏ đến nỗi con không dám rời lớp đi vệ sinh. Thấp thỏm không thể làm việc, chị xin cô giáo cho con được dùng điện thoại để liên hệ với gia đình.

“Một thời gian, cháu gần như trầm cảm, sợ quá gia đình phải liên hệ đủ đường để xin chuyển cháu về trường công gần nhà”, chị Phương nói. Theo chị Phương, con không đỗ được vào trường công là nỗi ám ảnh của phụ huynh. Bởi tuổi của con cần môi trường tốt để học tập, vui chơi nếu chẳng may vào ngôi trường không tốt sẽ làm hỏng cả cuộc đời của con.

Ngày 11/6, tại điểm thi THPT Lê Quý Đôn (quận Hà Đông), chị Kiều Thị Xuân, phụ huynh có con thi vào trường này chia sẻ, vì lo nên cả đêm qua chị không thể chợp mắt. Chị Xuân quê ở Sơn La nhưng vì mong muốn con có tương lai sáng ở chốn thị thành nên ngay từ khi con còn nhỏ gia đình đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu các trường học có chất lượng ở Hà Nội để gửi gắm. Lớp 6, con trai chị thi đỗ trường Marie Curie, gia đình gửi cháu xuống nhà ông bà để theo nghiệp đèn sách.

Đều đặn tháng 2 lần chị khăn gói về Hà Nội thăm và chăm sóc con trai. Đợt thi này, tuần nào cũng bắt xe khách về chăm cháu ôn tập. Chị chia sẻ: “dù kết quả học tập 9 năm của con luôn đạt loại giỏi, thi thử ở trường con cũng đạt 17 điểm 2 môn nhưng với tỉ lệ 99% học sinh giỏi đăng ký thi vào Lê Quý Đôn có tỉ lệ chọi khoảng 1/2,5 nên gia đình và cháu đều rất lo lắng”.

Không yên tâm với nguyện vọng 1, chị ghi danh cho cháu vào nguyện vọng 2 ở trường FPT và một trường dân lập. “Dù sao tôi vẫn mong con được vào trường công lập vì dân lập chất lượng cao với học phí lên đến gần chục triệu đồng gia đình không đủ tiền, còn dân lập khác thì lo con bước sang ngã rẽ khác của cuộc đời”, chị nói.

Con vào phòng thi ở điểm thi THCS Khương Đình, anh Nguyễn Trung Chính ở Thanh Xuân Bắc vẫn lo lắng dõi theo. Anh chia sẻ, con thi vào lớp 10 cả nhà căng thẳng hơn thi đại học. Theo anh Chính, nếu thi đại học bị trượt con anh còn có cơ hội ôn tập để năm sau thi lại, còn lớp 10 thi trượt chỉ có cửa vào trường dân lập hoặc trung cấp chuyên nghiệp. Vì vậy, suốt vài tháng nay cả gia đình anh mất ăn mất ngủ và ép con học. Con thì căng thẳng, còn bố mẹ thì lo thắt ruột.

Phụ huynh là vậy, còn năm nay ngay cả những thí sinh đăng ký vào trường công lập có điểm chuẩn thấp cũng vẫn tỏ ra căng thẳng. Nguyễn Thủy Tiên, học sinh Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy) chỉ đăng ký duy nhất nguyện vọng 1 vào trường THPT Trần Hưng Đạo. Trường Trần Hưng Đạo năm nay tuyển sinh 480 em, thí sinh đăng ký dự thi gấp đôi, vì thế Tiên không khỏi lo lắng. Cao Thu Nga, Trường THCS Bế Văn Đàn đăng ký nguyện vọng 1 vào THPT Trần Hưng Đạo chia sẻ: “Dù làm bài khá tốt cũng không trút được nỗi lo vì trường này có điểm tuyển sinh năm trước thấp nhất khu vực, nên nếu trượt em chỉ có nước đi học trường dân lập”.

Thi tuyển vào lớp 10: Nặng trĩu nỗi lo trượt trường công ảnh 1

Ánh mắt lo âu của một bà mẹ dõi theo con tại điểm thi trường THPT Chu Văn An, Hà Nội sáng 11/6. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Khóc vì suýt lạc mất con

Dù đã được nhắc nhở về giờ thi nhưng hầu hết tại các điểm thi đều có thí sinh đến muộn giờ vì những lý do khác nhau. Những thí sinh này đều được cán bộ, lực lượng an ninh hỗ trợ tối đa để kịp vào thi. Tại điểm thi THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), buổi thi môn Văn buổi sáng sau khi phát đề khoảng 10 phút, một thí sinh được người nhà chở đến nhưng vẫn nhầm địa chỉ và tiếp tục hỏi đường. May mắn, một phụ huynh đang đợi con ở điểm thi này đã tình nguyện đưa thí sinh kịp đến điểm thi vào phút chót.

Buổi chiều, môn thi Toán ở điểm thi THCS Khương Đình, phụ huynh được phen náo loạn vì một bà mẹ khác suýt lạc mất con. Đưa con đến cổng trường đúng giờ phát đề, phụ huynh này run run kể, hai mẹ con đạp hai xe đạp đến trường. Đường đông nên con lạc khỏi tầm mắt của mẹ. Điểm thi hoàn toàn xa lạ với con nên con cứ hướng Hà Đông chạy thẳng, giữa trưa nắng người mẹ cứ vừa vòng xe đi tìm con vừa khóc vì lo muộn giờ. Cuối cùng, chị tìm được con khi con đang đứng lơ ngơ hỏi đường. “Cũng may hai mẹ con đi sớm”, chị nói. 

* Theo báo cáo nhanh của Sở GD&ĐT, trong ngày đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay diễn ra khá suôn sẻ. Toàn thành phố có 79.440 thí sinh đăng ký thi, không có mặt 361 em, 7 thí sinh báo ốm, không có thí sinh bị lập biên bản, đình chỉ thi. Kỳ thi nghiêm túc, an toàn, không có sự cố điện mất điện. 

* Kết thúc ngày thi đầu tiên, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết có 70.471 thí sinh dự thi vào lớp 10 không chuyên. Trong đó, môn Văn có 69.951 thí sinh dự thi, Anh văn có 69.951 thí sinh. Ông Nguyễn Tiến Đạt, PGĐ Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết: “Kết thúc ngày thi đầu tiên, các hội đồng thi diễn ra bình thường, thí sinh bỏ thi ít hơn mọi năm”.

Nguyễn Hà - Nguyễn Dũng

MỚI - NÓNG