Cấm mũ bảo hiểm thời trang từ 15/11:

Thị trường đóng băng, cơ quan chức năng lúng túng

Thị trường đóng băng, cơ quan chức năng lúng túng
TP - Vào thời điểm này, khi thông tin về việc sẽ cấm các loại mũ bảo hiểm (MBH) thời trang, mũ cách điệu không đạt chuẩn (áp dụng từ ngày 15/11/2008) thì thị trường MBH chủng loại này tại TP Hà Nội gần như bị  đóng băng.

“Do có thông tin về việc Nhà nước sẽ cấm sử dụng các loại MBH thời trang nên những ngày qua việc kinh doanh buôn bán mặt hàng này rơi vào cảnh “khóc đứng khóc ngồi” vì hàng ế” - Chị Hà, chủ một cửa hàng kinh doanh MBH trên đường Chùa Bộc, than thở.

Thực tế quả đúng như lời chị Hà, khác với thời điểm trước đây, phố Chùa Bộc nơi tập trung nhiều cửa hàng bán MBH vào thời điểm này im ắng vì có rất ít người mua.

Tại đây, các cửa hàng buôn bán MBH đều treo biển hạ giá, nhiều cửa hàng tìm cách thanh lý và bán tháo các loại MBH thời trang trước thời điểm bị cấm. Nhiều loại mũ trên cũng giảm từ 30.000-50.000 đồng/chiếc.

Có loại MBH bọc vải thời trang trước giá trên 100.000 đồng, giờ  bị rớt hạ giá xuống còn từ 45.000 đến 50.000 đồng/chiếc. MBH thời trang đang bị tẩy chay. Mấy ngày qua do không có người mua nên cửa hàng buộc phải trả lại cho các nhà sản xuất” - Một chủ cửa hàng cho biết. 

Theo khảo sát của PV tại các tuyến phố lớn nơi tập trung nhiều cửa hàng buôn bán MBH của Hà Nội như: Đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy); Chùa Bộc, Kim Liên-Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa); phố Huế, Bà Triệu..., khách hàng đến mua chủ yếu chọn loại mũ đơn giản, có dán tem của nhà sản xuất chứ các loại MBH cách điệu, thời trang hầu như ít người hỏi mua.

Điều đáng nói,  hiện hầu hết các cửa hàng buôn bán MBH đều đang “tồn” một lượng các loại MBH thời trang, cách điệu rất lớn.

Theo ghi nhận, rất nhiều loại mũ lưỡi trai, mũ kiểu nhà binh, kiểu cao bồi, hay các loại MBH thời trang bọc vải bên ngoài đều có dán nhãn CS (tem chất lượng tự công bố phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam của nhà sản xuất-PV), ghi tên cơ sở sản xuất nhưng lại không có địa chỉ cụ thể, in theo nhiều kiểu khác nhau.

Nhiều trường hợp tem quăn hoặc dính hờ, dán thêm nhãn bằng tiếng nước ngoài, thậm chí không hề có tem hoặc nhãn mác gì. Khi được hỏi, phần lớn các hàng đều cho biết mặt hàng này được sản xuất trong nước.

Giá của các loại MBH này cũng khác nhau, chẳng hạn giá một chiếc MBH bọc vải có dán nhãn CS có giá từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng/chiếc; Giá của một chiếc MBH kiểu nhà binh (mũ nồi không có xốp bảo vệ-PV) có giá từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng/chiếc. Một số chủ cửa hàng trên đường phố Huế cho hay, lượng hàng bán ra đối với loại mũ cách điệu, thời trang giảm đến 80% so với trước đây.

Lẫn lộn hai loại tem hợp quy

Chưa thể xử phạt MBH thời trang?

Trao đổi với PV Tiền phong chiều qua (12/11), thượng tá Trần Sơn- Phó trưởng phòng hướng dẫn, điều tra, xử lý tai nạn giao thông Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C26 Bộ Công an) cho hay, đến thời điểm này lực lượng CSGT chưa nhận được chỉ đạo về việc xử lý MBH thời trang hay các loại MBH không đạt chất lượng.

Thực tế việc xử lý MBH thời trang nói riêng hay MBH không đạt chất lượng nói chung hiện không nằm trong quy định chế tài xử lý, xử phạt của Nghị định 146/CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng nên hiểu tinh thần của Quyết định 04 theo hướng thắt chặt quản lý việc sản xuất, nhập khẩu, lưu hành ra thị trường các loại MBH không đạt chất lượng.

Theo Thượng tá Trần Sơn, đối với những loại MBH không đạt tiêu chuẩn nhưng đã tới tay người tiêu dùng thì phải tính đến phương án khác chứ không nhất quyết là xử lý hành chính.

Theo Quyết định số 04 của Bộ Khoa học & Công nghệ về “Quy chuẩn quốc gia về MBH cho người đi mô tô, xe máy”, thì doanh nghiệp sản xuất trong nước phải được tổ chức chứng nhận hợp quy, phải gắn dấu CR lên MBH trước khi lưu thông.

Đối với loại MBH gắn dấu CS đã được công bố phù hợp tiêu chuẩn trước ngày 15/11, vẫn sẽ được tiếp tục lưu thông. Theo Tổng Cục Tiêu chuẩn – Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học & Công nghệ), cả nước hiện nay có 82 doanh nghiệp báo cáo đang tiếp tục sản xuất MBH (trên tổng số 125 doanh nghiệp năm 2007).

Tuy nhiên, mới chỉ có 14 doanh nghiệp đã hoàn tất việc chứng nhận hợp quy đối với 56 loại mũ.

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều người tiêu dùng chưa hề biết sự có mặt của tem CR, một số khác tưởng là chỉ mũ dám tem CR mới đảm bảo nên không mua mũ dán tem CS nữa! Về vấn đề này, đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đề nghị cần có thời điểm thống nhất hai loại tem này. 

“Cần xem xét thời gian thích hợp để chấm dứt tem CS. Nếu tồn tại cả hai loại này sẽ gây khó khăn không chỉ cho nhà quản lý mà cho cả người tiêu dùng” – Vị đại diện nói.

Ngoài việc người mua lẫn lộn giữa hai loại nhãn, còn có hạn chế là nhiều mũ sản xuất trước ngày 15/11 dù không đảm bảo chất lượng vẫn dán tem CS do thời điểm đó doanh nghiệp được tự công bố tiêu chuẩn và dán tem chứ không thông qua tổ chức chứng nhận hợp quy như hiện nay.

Ông Ngô Quý Việt, Tổng cục trưởng Đo lường chất lượng, cho biết, để đảm bảo thuận lợi cho người tiêu dùng, sau ngày 15/11, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm kê lại số mũ có tem CS ở các cơ sở kinh doanh, tiến hành thủ tục kiểm tra chất lượng.

Mũ nào đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật sẽ được chuyển sang tem CR, mũ không đảm bảo sẽ bị tiêu hủy. Tạm thời, trên thị trường vẫn tồn tại song song hai loại tem nói trên.

MỚI - NÓNG
Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận sáp nhập huyện, xã như thế nào?
Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận sáp nhập huyện, xã như thế nào?
TPO - Để đảm bảo sự thống nhất, đồng thuận về tên gọi mới khi sáp nhập, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri, người dân, thời gian từ ngày 25/4 đến ngày 4/5. Còn tỉnh Bình Thuận sẽ có 17 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố, thị xã có liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính.