Thị trường bất động sản: Làn sóng chuyển sang nhà xã hội

Thị trường bất động sản: Làn sóng chuyển sang nhà xã hội
TP - Hà Nội có chủ trương ngừng cấp phép xây dựng nhà thương mại mới trong năm 2013, khiến nhiều chủ dự án xin chuyển sang nhà xã hội để được hưởng nhiều ưu đãi. Cuộc đua giữa các chủ đầu tư ngày một gay gắt.

> Gói 30 nghìn tỷ đồng: Dân sẽ được vay mua nhà xã hội
> Hà Nội 'soi' hàng loạt dự án bất động sản

Gỡ tiền sử dụng đất

Bộ Xây dựng cho biết đã tiếp nhận rất nhiều đơn xin chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà xã hội của các chủ đầu tư tại Hà Nội.

Điều đáng nói, hầu hết dự án mới đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chưa hình thành nhà như: Dự án Kim Văn, Kim Lũ (Hoàng Mai) do Vinaconex 2 làm chủ đầu tư, dự án Kiến Hưng (Hà Đông), Linh Đàm (Hoàng Mai), Nam An Khánh (Hoài Đức) do TCty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư... Đây đều là những dự án nằm ở vị trí đẹp, chủ đầu tư đã đổ không ít tiền vào mua quyền sử dụng đất. Nay dự án thiếu vốn, không triển khai, việc xin chuyển sang nhà xã hội là cách gỡ khó về vốn.

Ông Nghiêm Văn Bang, Tổng Giám đốc HUD xác nhận, nhiều dự án do HUD làm chủ đầu tư đang xin điều chỉnh quy hoạch sang nhà xã hội.

Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân liên kết với HUD xin triển khai dự án nhà ở xã hội tại Kiến Hưng cho hay: “Khu đất chúng tôi xin chuyển nằm trong khu đô thị Kiến Hưng và thành phố đồng ý về chủ trương cho phép chuyển cơ cấu thành nhà thu nhập thấp với diện tích từ 5 -7 ha. Nếu thủ tục thông suốt, chúng tôi cố gắng khởi công sớm nhất vào giữa năm nay”.

Tại TPHCM, đến thời điểm hiện tại, có 7 doanh nghiệp tư nhân xin chuyển sang nhà xã hội trong đó có 2 doanh nghiệp mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TPHCM cho biết, 2 doanh nghiệp phải xin chuyển sang nhà xã hội mà chưa xây dựng gì đều là những doanh nghiệp gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng.

Việc xin chuyển sang nhà xã hội sẽ giúp họ thu lại tiền sử dụng đất trước đây họ đã nộp. Đây cũng là một khoản tiền không nhỏ giúp họ triển khai nhà ở xã hội phù hợp hơn với nhu cầu của mọi người.

Chuyển để giảm cổ tức của cổ đông

Một doanh nghiệp tư nhân niêm yết trên sàn chứng khoán lý giải việc xin chuyển dự án thương mại sang nhà ở xã hội: “Chúng tôi đang dần thoái vốn khỏi bất động sản nên dự án này là dự án cuối cùng chúng tôi triển khai”.

Theo vị này, doanh nghiệp buộc phải triển khai sang nhà xã hội để giảm cổ tức của cổ đông xuống vì doanh nghiệp không còn tiền để trả cổ tức trong năm nay. Hơn nữa, nếu chuyển sang nhà xã hội thì vẫn lãi 10%.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng cho rằng, chủ trương chuyển nhà thương mại sang nhà xã hội của Bộ Xây dựng là hợp lý.

Điều này sẽ giúp cho nhiều người có thu nhập thấp có cơ hội mua nhà phù hợp với khả năng tài chính của mình. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng nên xem xét thấu đáo từng dự án.

“Những dự án chưa triển khai gì thì chủ đầu tư chỉ lợi dụng để chuộc lợi cho bản thân bằng những ưu đãi của Nhà nước. Không nên tiếp tay cho những doanh nghiệp kiểu như vậy, bởi một doanh nghiệp chuyển đổi được thì sẽ có hàng loạt doanh nghiệp chạy đua xin chuyển đổi tiếp”.

Tạm dừng dự án nhà thương mại sẽ làm khó thị trường?

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, trong bối cảnh hiện nay, chỉ những DN “điên rồ” mới lao vào những dự án thiếu khả thi, không có đầu ra. Do đó, những DN đang có kế hoạch đầu tư dự án chắc chắn phải có lý do riêng, trong đó yếu tố thành công phải được đặt lên hàng đầu.

“Điều đó cũng đồng nghĩa quyết định tạm dừng cấp phép dự án nhà ở thương mại của Hà Nội là quyết định thiếu tính thực tế. Với một số nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài, kế hoạch triển khai dự án của họ phải kéo dài từ 4 -5 năm, do đó thời điểm hiện nay cũng có thể là cơ hội để họ bắt đầu triển khai các bước đầu tiên. Nếu không cấp phép cho họ thì chẳng khác nào làm khó họ, làm khó cho chính thị trường”, TS Liêm nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG