'Khát' nhà ở dưỡng lão
Những năm tháng còn trẻ, vợ chồng ông Dương Ngô Toản (73 tuổi, Bắc Giang) sinh sống và làm việc tại TP Bắc Giang. Khi tuổi xế bóng, vợ chồng ông bà lại khăn gói ra Hà Nội ở, để được gần con, gần cháu. Mặc dù vậy, ông bà vẫn luôn tâm niệm rằng tuổi già là an vui và độc lập, nên ông bà thường xuyên tìm hiểu thông tin về nhà ở dưỡng lão.
Đặc biệt, khi được mời trải nghiệm dịch vụ tại Viện dưỡng lão Từ Tâm S-Merciful Chương Mỹ (Chương Mỹ, Hà Nội) nhân sự kiện khai trương hôm 8/5, ông Toản và vợ lập tức tham gia, với cảm xúc khá hứng khởi…
Không gian chăm sóc người già của Viện dưỡng lão Từ Tâm S-Merciful Chương Mỹ (Hà Nội). |
Cũng tham gia sự kiện khai trương Viện dưỡng lão Từ Tâm S-Merciful Chương Mỹ với tư cách là một khách hàng tiềm năng, PGS.TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết:
Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, và dự kiến đến năm 2030 thì 17% dân số nước ta sẽ bước vào giai đoạn già hóa, nghĩa là cứ 5 người thì có 1 người trên 60 tuổi.
Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện trong những năm gần đây, điển hình là tính đến năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73 tuổi. Trong đó nam là 71 tuổi, nữ là 76 tuổi.
Ngoài những mặt tích cực, thì sự già hóa dân số mang đến nhiều thách thức cho vấn đề an sinh xã hội, nhất là hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống y tế công cộng. Trong khi đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu chăm sóc sức khỏe lâu dài cho người già với đòi hỏi cao về lực lượng chăm sóc có kĩ năng, trong một môi trường thân thiện ngày càng gia tăng, nhất là tại các thành phố lớn.
PGS.TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, Việt Nam đang thiếu rất nhiều hệ thống nhà ở dưỡng lão và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người già. |
Tuy nhiên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, ở Việt Nam hiện tại, hệ thống điều dưỡng dành cho người già trong hệ thống y tế toàn quốc đang rất thiếu, do đó đòi hỏi nhu cầu bức thiết về các hệ thống viện dưỡng lão tư nhân, để đáp ứng nhu cầu của nhiều người già tại nước ta.
Chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường
Bà Đinh Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Tuấn Minh Group, đơn vị phát triển hệ thống viện dưỡng lão S-Merciful cho biết, theo thống kê, đến năm 2018, nước ta mới chỉ có khoảng 102 cơ sở tổng hợp có phân khu chăm sóc người cao tuổi, trong đó có 32 cơ sở chuyên biệt chăm sóc người già trên cả nước. Nhưng đa số các cơ sở này chỉ đáp ứng tối thiểu dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi, chưa xứng tầm với yêu cầu ngày càng cao của người dân.
Đồng thời, bà Đinh Thị Ngọc Minh cho rằng phân khúc bất động sản nhà ở dưỡng lão tại Việt Nam mới trong tình trạng sơ khai, chưa có nhiều đơn vị đi sâu và phát triển phân khúc này. Nguyên nhân là bởi có rất nhiều khó khăn, thách thức đối với đơn vị phát triển là khách hàng Việt vẫn chưa quen với khái niệm sống ở viện dưỡng lão. Đồng thời, người dân Việt Nam vốn tính cần cù, chịu khó và tiết kiệm nên vẫn chưa có nhiều người sẵn sàng chi trả cho dịch vụ này.
Dịch vụ nhà ở và viện dưỡng lão - dịch vụ chăm sóc dành cho người lớn tuổi tại Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khai, chưa đáp ứng đủ và đạt yêu cầu của thị trường. |
Savills Việt Nam cũng nhận định, thị trường dịch vụ nhà ở và viện dưỡng lão - dịch vụ chăm sóc dành cho người lớn tuổi tại Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khai. Bởi, khảo sát của Savills cho thấy chỉ có 32/63 tỉnh, thành trong cả nước có viện dưỡng lão dành cho việc chăm sóc người cao tuổi.
Trong khi đó, Chính phủ đặt mục tiêu mỗi tỉnh, thành có ít nhất một viện dưỡng lão vào năm 2025. Các sáng kiến khác do Chính phủ hậu thuẫn bao gồm mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (ISHC), một dự án tạo điều kiện cho cộng đồng trong việc chăm sóc người cao tuổi.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu, khảo sát đều chỉ ra, nhu cầu vào viện dưỡng lão ở Việt Nam những năm gần đây đang gia tăng mạnh. Nhưng do ảnh hưởng bởi lễ nghi, tôn giáo cùng thói quen và tư duy “tứ đại đồng đường” (nhà 4 thế hệ) nên quan niệm đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu vẫn đè nặng nhiều gia đình. Ngoài ra, còn không ít với yếu tố khách quan về điều kiện cơ sở vật chất khiến việc phát triển các cơ sở dưỡng lão ở Việt Nam còn chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức...