Thị trường bất động sản 2018: Một năm nhiều khiếu nại, tranh chấp

TP - Năm 2018, với hàng loạt các vụ tranh chấp chung cư diễn ra từ chung cư cao cấp đến chung cư giá rẻ kéo dài và lên đến đỉnh điểm, buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc. 

215 dự án có khiếu nại, tranh chấp

Một năm vừa qua, 2018 thị trường bất động sản được đánh giá là hồi phục mạnh nhất với hàng loạt các giao dịch thành công ở các phân khúc khác nhau. Người mua nhà trong nhiều năm qua đã rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm để không gặp phải tình cảnh đóng tiền xong nhưng dự án không biết bao giờ mới xây. 

Tuy nhiên, chính sự hiểu biết của người mua ngày càng sâu về thị trường bất động sản nên họ phát hiện ra nhiều dự án làm ăn không ổn, quảng cáo dự án trên mây nhưng thực tế người mua nhận nhà “vỡ mộng”. Cũng từ đó, người mua nhà đã đoàn kết lại tìm mọi cách bảo vệ quyền lợi của mình. Vì thế, chưa năm nào “phong trào” căng băng rôn, biểu ngữ phản đối chủ đầu tư lan rộng như năm 2018. Họ căng băng rôn rực đỏ tại dự án, trụ sở chủ đầu tư cho đến các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng để “kêu cứu”.

Với lý do chủ đầu tư nhiều lần thất hứa trong làm sổ đỏ cho cư dân, dù họ đã 3 năm về ở tại chung cư Hòa Bình Green City, cuối tháng 11 vừa qua nhiều cư dân thuộc chung cư cao cấp này đã xuống đường căng băng rôn “tố” chủ đầu tư với các nội dung như: “Chủ đầu tư trả sổ đỏ cho cư dân Hòa Bình Green City 505 Minh Khai”, “Chủ đầu tư 505 Minh Khai cố tình chiếm dụng tiền của dân, không giải chấp”…

Cư dân một dự án được chủ đầu tư quảng cáo là cao cấp trên đường Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng đến tận văn phòng làm việc của chủ đầu tư để đòi quyền lợi. Đây là động thái tiếp theo của cư dân sau hơn một năm họ gửi đơn kiến nghị.

Cư dân chung cư Goldmark City, 136 Hồ Tùng Mậu, sau khi bị chủ đầu tư quảng cáo lừa: “Singapore giữa lòng Hà Nội”, dùng mẹo mực nhỏ nhặt để dồn ép, gian dối cung cấp thông tin… hàng trăm người dân đã căng băng rôn đỏ rực để phản đối. Chỉ đến khi Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội có công văn yêu cầu chủ đầu tư đình chỉ xây dựng thêm tòa nhà 40 tầng tại nơi mà chủ đầu tư công bố gian dối là xây siêu thị 5 tầng, thì mọi biểu tình mới “giảm nhiệt”.

Tuy  nhiên, di chứng do chủ đầu tư gian dối để lại thì đến nay vẫn còn nặng nề, nhiều người dân vẫn uất ức khi tiếp tục bị chủ đầu tư lừa từng việc vặt vãnh dù các cam kết đã có trong hợp đồng; Số lượng lớn căn hộ còn lại của chủ đầu tư tại Khu A Goldmark City dù hạ giá đến mức rất thấp vẫn không có người mua, trừ những căn đã có sổ đỏ thuộc về cá nhân khách hàng vẫn được giao dịch.  

Tình trạng căng băng rôn phản đối cũng hơn một lần diễn ra tại chung cư Bight City (Hoài Đức), chung cư 99 Trần Bình, Gamuda Garden, Mipec Riverside Long Biên, VP3 Linh Đàm, Capital Garden (Trường Chinh), Golden Silk (Vạn Phúc, Hà Đông), New Horizon (Lĩnh Nam); Parkview Residence (Tố Hữu - Hà Đông), Hồ Gươm Plaza (Vạn Phúc - 
Hà Đông)…

Năm 2018, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, qua tổng hợp báo cáo của 43 địa phương và số lượng đơn thư gửi về Bộ này cho thấy có 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp, trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án, còn lại 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp không thuộc phạm vi báo cáo.

Làm sao xóa được  bất tín?

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) chỉ ra 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu nại. Đầu tiên, theo cơ quan này, quy định pháp lý về quản lý, sử dụng nhà chung cư như: cách tính diện tích căn hộ, diện tích lô gia, hộp kỹ thuật, diện tích chung - riêng… chưa đủ rõ. Quy định các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm chưa phù hợp với yêu cầu quản lý.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định. Thậm chí, chủ đầu tư vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và các pháp luật khác có liên quan… 

"Trong đó có một số chủ đầu tư chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng; không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi trong quá trình thực hiện đầu tư theo quy định", ông Ninh nói.

Theo ông Ninh, người dân mua nhà ở đã không xem xét hết các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ đã ký, trong đó đặc biệt là các thoả thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quản lý, sử dụng nhà ở sau khi nhận bàn giao…

Cũng theo ông Ninh, Bộ Xây dựng thừa nhận vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện tốt, chưa giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ khi mới phát sinh dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài...

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung các chế tài, xử lý nghiêm khắc với các chủ đầu tư, cá nhân vi phạm. Bộ Xây dựng cho biết, sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư và chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư. 

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM phân tích, trên thực tế rất ít dự án bất động sản đạt chuẩn cao cấp, hạng sang, siêu sang hoặc đạt chuẩn khu đô thị kiểu mẫu, đảm bảo chất lượng và đẳng cấp về quy hoạch, thiết kế, các tiện ích và dịch vụ.

Nhiều công trình chung cư cao tầng được chủ đầu tư tự phong dự án cao cấp, căn hộ hạng sang nhưng chưa hề được sở xây dựng hoặc đơn vị đánh giá độc lập công nhận…Có lẽ chính vì thế mà người dân khi mua nhà theo những lời quảng bá hào nhoáng luôn dễ 
bị lừa. 

Theo ông Châu, để dẹp loạn hành vi quảng cáo bán nhà tự phong cao cấp, Bộ Xây dựng nên bổ sung các hướng dẫn quy định tiêu chí của chung cư cao cấp, hạng sang và siêu sang, cho căn hộ đã xây dựng hoặc hình thành trong tương lai. Đây là bước quan trọng để gia tăng tính minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho thị trường bất động sản nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người mua nhà. 

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.