Thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Ðề Văn gần gũi, đề Toán nhẹ nhàng

0:00 / 0:00
0:00
Hôm nay, thí sinh bước vào ngày thi thứ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 2
Hôm nay, thí sinh bước vào ngày thi thứ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 2
TP - Nhiều giáo viên nhận xét, đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 2 gần gũi, có tính thời sự, giáo dục khi đề cập “sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống”. Trong khi đó, đề Toán vừa sức thí sinh, nhiều em dễ dàng đạt điểm 7-8.

Cô Phan Hà Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), nhận xét, cấu trúc đề thi Văn đợt 2 không thay đổi so với đề minh hoạ và đề thi đợt 1, có thay đổi nhỏ so với những năm trước ở câu hỏi về phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, nhưng không quá gây khó khăn cho thí sinh. Phần nghị luận xã hội có chiều sâu giúp thí sinh có thể phát huy khả năng sáng tạo của mình.

“Nhìn một cách khách quan, đề thi đợt 2 hay hơn, sâu sắc hơn và không có vẻ ưu ái thí sinh sau một thời gian chờ đợi kéo dài vì dịch COVID-19. Điều này tạo tâm lý thoải mái, công bằng cho thí sinh giữa các đợt thi và phổ điểm tương tự đợt 1”, cô Thanh nói.

Cô Nguyễn Thị Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), đánh giá, đề Văn hay, đảm bảo phân hoá được trình độ thí sinh. Đối tượng tham gia thi đợt 2 chủ yếu là thí sinh bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19, nên đề thi mang đến cho các em một cơ hội nhìn nhận lại những trải nghiệm mới đây của mình, tuy bất đắc dĩ nhưng rất có ý nghĩa.

Nhìn chung, phần Đọc hiểu có ngữ liệu hay, phần Làm văn câu 1 có gợi ý quý về tính thời sự. Với đoạn trích thơ trong bài “Tây Tiến” ở câu 2, phần Làm văn, thí sinh có cảm nhận tinh tế, sáng tạo mới có thể đạt điểm cao.

“Như vậy, đề đảm bảo có phần dành cho đa số thí sinh, với sức học trung bình đã có thể đạt khoảng 6,5 điểm. Đồng thời, đề cũng có phần dành cho những em khá và giỏi gặt hái được điểm 8-9, và có thể là điểm tối đa”, cô Kim Anh nói.

Cô Nguyễn Thị Lan Hương, Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội), nhận xét, câu 1 của phần Làm văn rất hay khi đưa vấn đề tinh thần hợp tác vào đề thi. Trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 lan rộng như hiện nay, mọi cá nhân đều phải biết chia sẻ, biết vì cái chung… Điều này khiến cho đề Văn có tính giáo dục, gần gũi hơn với thí sinh.

Phân tích trích đoạn trong “Tây Tiến” của Quang Dũng cũng không làm khó thí sinh bởi đoạn thơ khơi gợi những rung cảm đẹp. Tuy nhiên, để đạt điểm cao, học sinh phải có năng lực cảm thụ tốt. “Phần yêu cầu nhận xét về cảm hứng lãng mạn trong bài thơ “Tây Tiến” hơi khó so với đa số học sinh. Vì không phải học sinh nào cũng có am hiểu chuyên sâu. Câu này sẽ giúp phân hoá thí sinh, đáp ứng mục tiêu sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH-CĐ”, cô Hương nhận định.

Sẽ có nhiều điểm 10 Toán?

Về đề Toán, thầy Phạm Đức Duẩn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Liên Hà (Hà Nội), nói rằng, đề vẫn giữ cấu trúc quen thuộc gồm 50 câu trắc nghiệm, trong đó có 4 câu thuộc chương trình Toán lớp 11, 46 câu thuộc lớp 12. Giống như đợt 1, đề có đến 80% câu hỏi cơ bản và chỉ có 5 câu vận dụng cao thuộc các phần phương trình mũ, min max số phức…

Với đề thi này, cấu trúc và kiến thức hoàn toàn tương đồng đề thi đợt 1. Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong SGK là đã có thể đạt điểm 7-8, thậm chí cao hơn. Năm câu hỏi cuối rất khó, nhằm phân loại thí sinh, giúp các trường ĐH có thêm căn cứ để tuyển sinh. “Tôi dự đoán điểm trung bình môn Toán đợt 2 cũng tương tự đợt 1, cũng có thể cao hơn một chút”, thầy Duẩn nói.

Cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên Bộ môn Ngữ văn - Trường THPT Cộng Hiền (Hải Phòng), dự đoán điểm kì thi đợt 2 cao hơn đợt 1, trung bình dao động 6,5-7,5 điểm.

Cô Nguyễn Thị Vĩnh Thuyên, Trường THPT Châu Văn Liêm (Cần Thơ), nhận xét, với 4 mức độ thì độ khó chiếm 5 câu, độ vận dụng thấp 8 câu, thông hiểu khoảng 19 câu và còn lại là các câu nhận biết.

“Với đề thi này, học sinh học tốt lý thuyết cơ bản có thể làm được 5-6 điểm, học sinh khá có thể làm được đến 8 điểm, điểm nhiều học sinh đạt nhất là 7-8. Đề ổn định về kiến thức và phân phối về mức độ nên có thể có nhiều điểm 10”, cô Thuyên nói.

MỚI - NÓNG