Thí sinh vùng sâu xa không còn phải "khăn gói" đi thi

Thí sinh sau giờ thi ở TP Huế. Ảnh: Ngọc Văn
Thí sinh sau giờ thi ở TP Huế. Ảnh: Ngọc Văn
TPO - Sau hơn 10 năm, lần đầu tiên, tỉnh Thừa Thiên - Huế lại triển khai thi tốt nghiệp theo từng cụm cơ sở mà không tập trung ở một địa bàn duy nhất thuộc thành phố Huế như những lần trước.

Không còn cảnh thí sinh vùng núi, vùng sâu, vùng xa “lều chõng” chen chúc, tất bật xen lẫn lo âu cùng người nhà về TP Huế thi tốt nghiệp như những lần trước.

Ngày 2/6, tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 14.300 thí sinh bước vào 2 môn thi đầu tiên tại kỳ thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT năm 2014.

Một hình ảnh dễ nhận thấy trong ngày thi đầu tiên ở TP Huế là hoạt động giao thông diễn ra bình thường trên các tuyến phố, không còn cảnh ùn tắc, người xe chen chúc, tấp nập đến các điểm thi tập trung như nhiều năm liên tiếp trước đây.

Cũng không còn cảnh thí sinh miền núi, vùng xa, vùng nông thôn chen chúc nhau vào hàng cơm, quán nước hoặc vật vạ tại các công viên thuộc TP Huế để tránh cái nóng gay gắt ban trưa, chờ đợi đến buổi thi tiếp theo như mọi năm.

Hình ảnh những nữ thí sinh người dân tộc thiểu số từ huyện vùng cao Nam Đông, A Lưới, dù đã có gia đình vẫn địu con trên lưng về thành phố dự thi tốt nghiệp, cũng không còn…

Nhịp sống thành phố diễn ra như mọi ngày, không ít người tại Huế nhầm tưởng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay còn chưa tới.

Theo ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc tổ chức cho thí sinh ở địa phương nào thi theo cụm đó tạo thuận lợi cho các em và người nhà chủ động vấn đề ăn ở, đi lại, tránh xáo trộn tâm lý, giảm thiểu tốn kém, tránh ùn tắc giao thông…

“Thi tại cơ sở, tâm lý của thí sinh chủ động và thoải mái hơn. Sức mạnh tại chỗ và trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền cơ sở được phát huy, thông qua việc phối hợp với ngành chức năng thực hiện các nhiệm vụ quản lý giáo dục. Việc giải quyết các tình huống bất ngờ, sự cố liên quan thi cử cũng trở nên kịp thời”, ông Hùng cho biết.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, do bố trí thi tốt nghiệp THPT ở tất cả 9 huyện, thị xã, thành phố Huế, nên Ban chỉ đạo kỳ thi đã bố trí phương án điện dự phòng tại tất cả các địa phương có tổ chức điểm thi (thay vì một địa bàn như trước đây), nhằm đề phòng sự cố mất điện do giông sét ban chiều mùa hè.

Tất cả các hội đồng thi đều được bố trí tối thiểu một bác sĩ và nhân viên y tế sẵn sàng xử lý các tình huống sức khoẻ của thí sinh. Cùng với đó là 9 xe cấp cứu 115 được huy động phục vụ nhu cầu y tế của thí sinh (trước đây chỉ có một xe do thi tập trung tại một địa bàn).

“Với cách tổ chức thế này, các lực lượng chức năng sẽ vất vả hơn nhiều khi tham gia giám sát, phục vụ thi cử, nhưng bù lại, thí sinh và người nhà sẽ thấy thoải mái, thuận lợi, an toàn và tiết kiệm hơn”, ông Phạm Văn Hùng phân tích.

MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.