Thí sinh ĐH bị chiếm chỗ, Bộ GD&ĐT nói gì?

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cung cấp thông tin về kỳ thi THPT quốc gia cho báo chí
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cung cấp thông tin về kỳ thi THPT quốc gia cho báo chí
TPO - 82 thí sinh gian lận đã bị huỷ kết quả nhập học là chiếm chỗ thí sinh khác. Tuy nhiên, con số này quá nhỏ so với những thí sinh khác trúng tuyển mà không nhập học. 

Tại buổi gặp gỡ, cung cấp thông tin cho báo chí về kỳ thi THPT quốc gia 2019 sáng 11/5, trả lời câu hỏi của PV về việc xử lý thí sinh gian lận điểm thi chiếm chỗ của thí sinh khác như thế nào, Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, 82 thí sinh đã bị huỷ kết quả nhập học là chiếm chỗ thí sinh khác. Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ so với những thí sinh khác trúng tuyển mà không nhập học.

Như năm 2018, có khoảng 22.000 thí sinh trúng tuyển do đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng không nhập học vào các trường. Nếu nói về tính chất thì 2 việc này như nhau bởi 22.000 thí sinh trúng tuyển mà không nhập học này cũng chiếm chỗ của những thí sinh khác.

Bà Phụng cho rằng, 82 thí sinh được nâng điểm bị huỷ kết quả trúng tuyển nếu giải quyết theo hướng những thí sinh có điểm tiệm cận các thí sinh này được vào nguyện vọng thế chỗ cho các thí sinh bị huỷ kết quả thì sẽ phải giải quyết nguyện vọng cho các thí sinh có nguyện vọng thấp hơn. Điều này sẽ diễn ra như chuỗi hiệu ứng domino với tất cả các nguyện vọng của thí sinh và gây xáo trộn toàn hệ thống. “Vì thế, cái này được xếp vào hậu quả không có khả năng khắc phục đến cùng”, bà Phụng nói.

Trường ĐH muốn “vơ vét” cũng không có thí sinh

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 có 887.173 thí sinh đăng ký dự thi và xét tuyển, giảm 4,19% so với năm ngoái. Trong đó, số thí sinh đăng ký tổ hợp bài thi KHTN năm nay giảm 12,76% so với năm trước, thí sinh đăng ký tổ hợp thi KHXH tăng 2,66%. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh chung năm nay tăng 7,57%. 

Số lượng nguyện vọng trung bình thí sinh đăng ký năm 2019 là 3.94 nguyện vọng. Thí sinh đăng ký số lượng nguyện vọng nhiều nhất là 1 thí sinh ở Hà Nội, thí sinh này đăng ký tới 50 nguyện vọng.

Cũng theo bà Phụng, có khoảng 40% thí sinh vào ĐH trong tổng số thí sinh đăng ký dự thi hàng năm, số này hàng năm dao động không nhiều. Con số này tính trên số người đến 18 tuổi của toàn quốc chỉ chiếm 20% thôi vì thế nếu nói vào ĐH quá nhiều cũng không đúng. 

Nói một số trường vơ vét thí sinh cũng không sai nhưng nó chỉ ở một số trường vì có ít thí sinh đăng ký xét tuyển nên họ không có điều kiện sàng lọc. Ở trường đó, thí sinh đủ điều kiện là họ xét tuyển.

Trong giai đoạn này, ngay lúc đăng ký tuyển sinh, có hơn 20 trường có dưới 50 nguyện vọng đăng ký, đây là những nguyện vọng thấp, có trúng chưa chắc thí sinh đã vào học. Năm 2018, số chỉ có dưới 20 thí sinh trúng tuyển cũng có tới 10 trường. Như vậy, nếu không đảm bảo chất lượng thực sự, trường muốn “vơ vét” cũng không có thí sinh.

Nhiều năm nay, bộ yêu cầu các trường công bố điều kiện đảm bảo chất lượng trong đề án tuyển sinh như: cơ sở vật chất, giảng viên, tỉ lệ việc làm hàng năm theo từng ngành, điểm vào những năm trước…để thí sinh biết và lựa chọn. Gần đây 123 trường đã được công bố kiểm định chất lượng. 

MỚI - NÓNG