Chị Trịnh Thị Thúy Giang. Trưởng phòng Chính trị và công tác sinh viên của trường cho biết, năm nay, mặc dù số lượng hồ sơ tăng nhưng dự báo số hồ sơ ảo sẽ nhiều hơn, vì thí sinh sẽ chọn khối A1 thi đợt I như một sự thử nghiệm hoặc “thi chơi” như chị Trịnh Giang nói. Mọi năm, thường là thí sinh thi khối B và khối D có thể thi thử khối A, năm nay, có thêm khối A1, thí sinh dự thi khối C ở đợt 2 cũng có thể thi thêm khối A1 ở đợt 1.
Về hiện tượng hồ sơ ảo, ông Đặng Văn Tùng, Phó Phòng Đào tạo Học viện Bưu chính viễn thông cho rằng. Các trường tổ chức thi thường phải chấp nhận 20-30, thậm chí 40% số hồ sơ ảo. Theo ông Tùng, những trường tổ chức thi cho số lượng thí sinh quá lớn sẽ chịu ảnh hưởng của hiện tượng hồ sơ ảo này. Học viện Bưu chính viễn thông thu được số lượng hồ sơ tăng 25% thì số hồ sơ khối A1 đã chiếm 27,6%. Cơ cấu hồ sơ của trường này là: kỹ thuật chiếm 60% tổng số hồ sơ, kế toán và quản trị chiếm 40%.
Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ HN số hồ sơ giảm so với năm trước hơn 100. Số thí sinh thi khối A1 chủ yếu vào các ngành tài chính ngân hàng và có ít thí sinh thi ngành kỹ thuật.
Trường ĐH Bách khoa HN thu được số hồ sơ tăng 10% so với năm trước. Trong đó hồ sơ khối A1 chiếm khoảng 20% so với khối A.
Nói về hiện tượng thí sính ảo do thí sinh khối A1 sinh ra năm nay, ông Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng đào tạo cho biết, dù có thí sinh ảo đến thế nào, ĐH Bách khoa cũng bố trí phòng thi đầy đủ. Theo ông, những trường khác thường trừ hao một số phần trăm nào đó số lượng chỗ ngồi khi bố trí phòng thi để tránh thua lỗ. Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Sơn, cảnh báo, cũng cần cẩn trọng vì số thí sinh ảo của khối A1 cũng vẫn chỉ là dự báo.
Ông Nguyễn Kiều Lam, chuyên viên tuyển sinh của Sở GD&ĐT Thừa Thiên-Huế thông báo tín hiệu tốt về cơ cấu ngành nghề trong số lượng hồ sơ của thí sinh. Tỉnh này có tổng số khoảng 40.000 hồ sơ với khoảng 60-70 % số hồ sơ đăng ký thi vào ĐH Huế.