Thi sĩ Việt Phương bước vào 'Đền'

Thi sĩ Việt Phương bước vào 'Đền'
TP - Chả biết có phải không khi người ta gọi Hội Nhà văn là ngôi Đền thiêng Văn chương? Ngôi đền với cánh cửa vốn vẫn hẹp ấy, ngày áp Tết ông Táo (5-2-2010) vừa hé ra cho 40 tín đồ bước vào với thủ tục kết nạp hội viên mới.

Trong số tín đồ đa phần là đầu xanh tuổi trẻ, có một người năm nay tuổi 82, với mỗi tập thơ suốt từ năm 1970, tập Cửa mở.

Thi sĩ Việt Phương bước vào 'Đền' ảnh 1
Thi sĩ Việt Phương năm 2002

Người ta ít khi nhắc đến ông với các chức danh, nguyên Bí thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng một thời gian dài rồi cũng là người giúp việc cho các yếu nhân, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, các phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, rồi các Thủ tướng Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải. Người ta thường gọi ông là nhà thơ Việt Phương.

Kỳ I. Cái kẹt của 'Cửa mở'

Lần đầu tôi gặp ông khi ông đã 75. Tuổi ấy mà vẫn sải trên bể bơi nhiều giờ, như ông vẫn nói vui là mệt mà phải bơi chứ chẳng phải bơi mà mệt! Nụ cuời dịu dàng thường trực cộng với những sải bước  mềm mại khoan thai...

Phố Charron (nay là Mai Hắc Đế) Hà Nội,  những năm bốn mươi của thế kỷ trước, quãng phố yên ả chỉ non hai trăm mét này,  năm mươi số nhà, sáu nhà có người làm nghề dạy học.

Nhà số 4 nơi ở của ông giáo Hải, một giáo viên tiểu học nghèo có hai cậu con trai. Hàng phố có mấy bận xôn xao cậu con trai út có tên là Thiện (còn có tên khác là Trần Huy Quang) học giỏi lắm.

Không biết cậu học vào lúc nào, chỉ thấy mùa hè suốt ngày cậu  tha thẩn với bộ sort. Đùng cái đỗ cao tú tài phần I trường Lycée de Protectorat (Trường Bưởi) khi chưa đầy mười sáu tuổi.

Rồi đùng cái, người ta thấy mật thám Pháp đến tận nhà điệu cậu đi vì tội theo Việt Minh... Đùng cái nữa, mới được tha một thời gian lại bị Nhật bắt tiếp!

Sau Cách mạng Tháng Tám, dân hàng phố không thấy hai con trai của ông giáo nữa, bởi người con đầu Trần Hồng đã đi theo kháng chiến rồi sau này trở thành nhà văn quân đội Từ Bích Hoàng (nhà văn đàn anh Từ Bích Hoàng ở Văn Nghệ Quân đội được lớp văn bút nhiều thế hệ  rất mến mộ. Ngoài văn chương, tính tình khoan hòa độ lượng của ông khiến nhiều người gọi là Cụ Từ. Cụ Từ Bích Hoàng mới mất cách đây ít ngày).

Người con trai út Trần Quang Huy xung phong  Nam tiến đợt đầu tiên, trở thành chính ủy trung đoàn năm 1947 khi mới 18 tuổi.

Cũng năm đó, tại Khu Năm, tiến hành Đại hội Thành lập Đoàn thanh niên Cứu quốc Nam Trung Bộ. Đồng chí Phạm Văn Đồng khi đó là đại diện Chính phủ tại Trung Bộ kiêm Bí thư Đảng Khu Năm đã đến dự Đại hội.

Tại cuộc gặp trước với những đại biểu có tham luận trong đại hội, đồng chí Phạm Văn Đồng để ý đại biểu quân đội là một thanh niên trẻ măng không có bản báo cáo sẵn như nhiều đại biểu khác theo qui định của đại hội.

“ Đồng chí bao nhiêu tuổi?” “Báo cáo tôi mười tám tuổi ạ”. “Tại sao đồng chí không chuẩn bị bản báo cáo như các đồng chí khác?”. “Báo cáo tôi quen nói miệng rồi ạ”. Đồng chí học lớp mấy?”. “ Báo cáo, tôi tốt nghiệp tú tài phần thứ nhất”. “ Đồng chí nói được tiếng Pháp, tiếng Anh?”. “Thưa, được ạ”.

Cựu học sinh trường Bưởi Phạm Văn Đồng gặp tân học sinh trường Bưởi Trần Quang Huy hay lý do gì không biết nữa... Nhưng đó cũng là thời điểm Đảng ủy viên kiêm Chính ủy Trung đoàn 95 Trần Quang Huy trở thành người giúp việc của đồng chí Phạm Văn Đồng với tên gọi Việt Phương!

Chuyện thoắt trở lại với việc in thơ bặt đi suốt ba chục năm sau Cửa mở... Với Cửa mở và sau đó, cho tới hồi  mở cửa, ông chẳng in gì thêm là thế nào? Những câu thơ vẫn mồn một trong trí nhớ từ  Cửa mở:

Đến từng giờ trọn đời là cộng sản/ Trong nỗi đau ta cũng sáng búa liềm và Đời bật đèn xanh cho sự sống/ Ta hồi sinh trong mỗi cái hôn đầu rồi Chẳng đợi riêng ai ta đợi cả / Nhân cuộc đời ta lên tình yêu hoặc Yêu biết mấy những đêm dài thức trắng/ Làm kỳ xong việc nặng sẵn sức bền/ Bình minh đuổi lá vàng trên đường vắng/ Như vì ta mà đời cũng ửng hồng lên hay Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi vv.. và vv...

Nghe tôi chắp nối một cách rời rạc nhớ câu trúng câu trật, thi sĩ Việt Phương rủ rỉ: Chả phải ai nói cả nhưng mình có cảm giác mình biết nhiều nhưng sống ít quá, không sống giả nhưng phải thực hơn.

Mình còn tây quá, lý ra cái phần phương đông của mình phải áp đảo cái phần tây ấy... Nhưng quĩ thời gian còn lại chẳng có là bao! Tiếc lắm... Nào ai trách cứ phương pháp tư duy lẫn thi pháp phương tây nhưng tự dưng mình thấy không có hứng nữa!

Với lại cần thẳng thắn một điều là phải có tài thơ. Tài của mình không có bao nhiêu. Mình đã từng chơi rồi thân với Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên và nhiều người làm thơ khác...

Ban nãy cậu có nhắc đến phần duy lý của  Cửa mở  và Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương  viết về Bác có chấp chới hơi hướng Chế Lan Viên.

Đúng, mình có ảnh hưởng Chế. Nhưng mình biết tài mình đến đâu chứ! Cửa mở ra mình có tặng các vị ấy. Sợ nhất là ngộ nhận và ảo tưởng!

Mình dự không biết bao nhiêu những cuộc rượu nồng rượu nhạt  với không ít nhà thơ. Lần thì được mời, bận thì tình cờ. Mình có cái dở là không đụng được giọt nào...

Nếu tính những chén nước lọc mình nhấp theo cho phải phép thì mỗi một cuộc phải đong đầy mấy bát ô tô. Mình có cảm giác như ngoài cuộc bởi hơi xa lạ với những cơn ảo tưởng ấy.

Dạo ấy  Cửa mở không bị đánh cũng chẳng bị khiền nhưng đã khá là ồn ào, đã ầm lên!  Nhà thơ Hoàng Trung Thông vốn là bạn ông hơi bị sốt ruột bởi những lời xầm xì  ở đâu đó là Cửa mở có vấn đề đã hăng hái có ngay một bài trên một tờ báo lớn.

Nhưng oái oăm, cái phần thi sĩ họ Hoàng tâm đắc lại bị xén, chỉ trơ lại cái phần cho phải phép theo kết cấu của  những bài viết được coi là có hơi hướng phê bình trong thời điểm ấy! Thế là lại vô tình thêm rối...  Người ta có cái cớ để mà bàn ra tán vào.

Được ông cho phép, tôi xin trích ra biên bản một cuộc họp.

Biên bản ghi lời phát biểu của nhà thơ Chế Lan Viên về tập thơ Cửa mở

Ở cuộc họp khác không nhắc đến con người tác giả. Ở đây nhắc đến tác giả là cần thiết. Chính sự cần thiết ấy để khẳng định  không  nhắc Nhân Văn hay Nôbel gì ở đây.

Nên hiểu một người để đọc sách họ. Nên hiểu cả một tập thơ chứ không phải một vài câu. Nếu đọc riêng một vế “mong cho chóng lớn mà ăn  cướp” thì oan cho người viết quá! 

Có lần tôi đã nói đến thơ Tố Hữu mà đọc tách từng câu cũng sẽ bị hiểu lầm! Tại sao không chú ý cả bài thơ của người ta?

Theo kinh nghiệm của tôi khi mình viết phải nghĩ trước mắt mình có môi trường  độc giả và cả những người không thích mình đọc trong phòng khác.

Tôi từng bảo anh Việt Phương nên đăng báo để độc giả tập làm quen với thơ mình... Cho nên khi in thành sách thì vội. Nhìn vào tập thơ trước  khi đưa in, tôi thấy có nhiều người khen có người chờ, có người chưa hiểu...

Riêng tôi khẳng định tập thơ là tốt vì sao vì nó chống CNĐQ chống xét lại. Một trong những bài hay là bài Khóc Bác. Nhưng chỗ yếu của thơ Việt Phương là thiếu thực tế.

Bảo Việt Phương  không có sự sống là không đúng chỉ là thiếu cụ thể trong sự sống. Nỗi đau gì nên nói rõ trong môi trường  không gian thời gian cụ thể hơn...

Thơ có quyền và cần đi vào suy tưởng. Việt Phương đã đến một dạng và phải trả giá bằng suy tưởng của mình do đó tập thơ có sức nặng do đó đọc xong tập thơ thì người ta muốn đọc lại...

Có sự dũng cảm nhưng vì thiếu thực tế thiếu vốn sống nên có bài rơi vào duy lý không khéo sa vào duy tâm...  Ví như bây giờ đã cần thiết nói nỗi đau trái đất làm gì !?

Đếm tỷ lệ số câu số bài chưa đạt ít. Phải nhìn vào cơ bản tốt... Cũng  như Thái Bình 7-8 tấn  nhưng có những thửa còn bỏ hoang... Trong văn học hiện nay, tính bảo thủ còn nặng hơn sáng tạo. Người  nào muốn tiến lên thì phải trả giá. Mời anh Việt Phương  cứ tiếp tục....

(Cuộc họp tại NXB Văn học ngày12 tháng 11 năm 1970 gồm Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc, Hoàng Xuân Nhị, Nông Quốc Chấn, Huyền Kiêu,  Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh, Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Trung Thông, Xuân Tửu, Tế Hanh, Bùi Hiển, Vũ Khiêu, Phan Cự Đệ, Phạm Hổ, Khái Vinh, Trần Dũng Tiến (Văn Giáo), Phan Hiền và  Việt Phương. Cuộc họp do  Như Phong, Giám đốc NXB Văn Học chủ trì).

Một người bạn của tác giả Cửa mở có kể lại một cán bộ chính trị quân đội đã trình bày với Đại tướng Võ Nguyên Giáp hẳn cả một phương án phê bình Cửa mở đã làm rối hậu phương quân đội ra sao nhưng Đại tướng nghe xong đã lẳng lặng gạt đi!

Đồng chí Trường Chinh (nhà thơ Sóng Hồng thi thoảng có tặng thơ Việt Phương và Việt Phương cũng tặng lại Cửa mở) khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng, một bữa có gặp Việt Phương chỉ cười mủm mỉm “Mình đọc rồì... Có hơi hướng neo-sur alisme (siêu thực mới)’’ rồi thôi!

Nhà thơ Tố Hữu (có thói quen bài thơ gì tâm đắc thường đưa Việt Phương đọc rồi mới “dám’’ đưa Bác Hồ) khi đó là Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhắn Việt Phương tới rồi thân tình đập đập tay lên cuốn Cửa mở và nói bằng tiếng Pháp “Việt Phương nên hạ xuống mặt đất và đi vào cái hằng ngày’’.

Nhưng nói gì thì nói, khó mà quên được cách ứng xử rành rọt thẳng thắn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Dạo đó Tổng Bí thư sang thăm Liên Xô. Con gái của Tổng Bí thư học ở Liên Xô cùng em vợ nhà thơ Việt Phương. Cái tin tập Cửa mở có vấn đề không hiểu sao bay sang tận trời Âu.

Em vợ Việt Phương nhân gặp Tổng Bí thư đã không ngần ngại hỏi... Tổng Bí thư Lê Duẩn cười, nói đại ý : Việt Phương là người tốt  Cửa mở không có vấn đề gì!...

Cao hơn thế, Tổng Bí thư biết được có một cuộc họp ở cấp chẳng phải là thấp để bàn về cuốn Cửa mở. Không hiểu sao ông biết được, than vãn “Thế không còn việc gì để bàn nữa à’’ rồi bất ngờ xuất hiện trong cuộc họp ấy.

Hai tiếng đồng hồ không hơn không kém, Tổng Bí thư trong cuộc họp ấy chẳng nói gì đến Cửa mở, mà hào sảng về những vấn đề của văn học nghệ thuật về thơ ca (tôi nhớ khi hỏi nhà thơ Việt Phương là có bản ghi cuộc nói chuyện ấy không thì ông cũng có ý tiếc, chắc là có nhưng chưa tìm được)!

----------------------

Còn tiếp    

MỚI - NÓNG