Thi quốc gia năm 2015: Bộ GD-ĐT phải tính toán kỹ

Với phương thức xét tuyển mới, lượng hồ sơ ảo sẽ rất lớn đối với các trường đại học, cao đẳng.
Với phương thức xét tuyển mới, lượng hồ sơ ảo sẽ rất lớn đối với các trường đại học, cao đẳng.
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi quốc gia năm 2015 với 4 ngày thi, 4 môn thi và nhiều cụm thi do địa phương và trường ĐH-CĐ phối hợp tổ chức, chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ phải tính toán kỹ, nếu không sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Lãnh đạo nhiều trường đại học cho rằng, phương án thi quốc gia năm 2015 mà Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố là phương án tối ưu nhất trong thời điểm hiện nay. Kỳ thi đúng với tinh thần Nghị quyết 29 - NQ/TW và đúng Luật vừa giảm được kỳ thi vừa phát huy được tính tự chủ của các trường đại học.

Tuy nhiên, về các bước thực hiện cụ thể trong phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra, nhiều chuyên gia giáo dục rất băn khoăn lo lắng bởi rất phức tạp như khâu tổ chức coi thi, chấm thi, xét tuyển.

Sẽ gây tốn kém

Theo phương án tuyển sinh mới, để đảm bảo tính nghiêm túc và tính chính xác, khách quan, độ tin cậy của kết quả thi, Bộ GD-ĐT sẽ bố trí tổ chức coi thi theo các cụm thi tập trung ở các trường ĐH, CĐ và các trường THPT tại các tỉnh/thành phố, thị xã, thị trấn; bố trí các cụm chấm thi theo vùng, miền. Và, thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên của sở GDĐT như trước đây, sẽ tăng cường huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia các khâu tổ chức thi.

PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, băn khoăn cho biết: Hiện nay, tâm lý học sinh của Việt Nam, học xong cấp III là phải thi vào đại học, cao đẳng mặc dù năng lực học rất kém nên khả năng thí sinh dự thi ở các cụm do Sở GD-ĐT tổ chức sẽ rất ít. Bên cạnh đó, nếu khu vực thi địa phương có tới 40.000 thí sinh dự thi sẽ bố trí như thế nào? Có bao nhiêu cụm thi? Do dó, Bộ cần tính toán kỹ về phần khu vực thi cho hợp lý.

Còn PGS.TS Lê Trọng Thắng, trường ĐH Mỏ Địa chất cho rằng: Phương án thi mà Bộ đưa ra rất tốt nhưng về mặt kỹ thuật tổ chức thì phải nghiên cứu kỹ vì sẽ rất tốn kém khi nhiều giảng viên các trường đại học, cao đẳng về các địa phương coi thi, chấm thi và phức tạp nếu xét về mặt lâu dài.

Có thể do sức ép về độ tin cậy của kỳ thi nên Bộ mới đưa ra công đoạn này. Bộ chỉ nên thực hiện thí điểm năm nay về cách tổ chức thi này để rút kinh nghiệm chứ không thể triển khai dài được.

Một thí sinh có thể xét tuyển được vài chục trường đại học

Về phương án xét tuyển, theo phương thức tuyển sinh mới, thí sinh không phải chờ đợi các trường gửi giấy chứng nhận kết quả thi, rồi phiếu báo điểm có dấu đỏ, mà chính các em có thể in trực tiếp kết quả thi của mình từ Internet để đăng ký xét tuyển các trường ĐH.

Ngược lại, chính các trường ĐH cũng có thể tra cứu kết quả này của từng thí sinh vì Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục sẽ tập hợp và công bố công khai trên mạng.

Về vấn đề trên, PGS Lập cho rằng, nếu tổ chức như vậy sẽ gây hồ sơ “ảo” rất lớn cho các trường, ví dụ; 1 thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào vài chục trường đại học. Điều này gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường. Do đó, Bộ cũng phải tính toán kỹ.

Bên cạnh đó, Bộ phải đưa ra ngưỡng mức tối thiểu thấp nhất của từng môn là bao nhiêu và bao nhiêu điểm để xét tốt nghiệp. Bởi điểm thi còn phụ thuộc vào cách ra đề thi. Khâu này cần phải có sự rõ ràng.

Theo ông Lập, nên công bố đạt bao nhiêu điểm thi mới tốt nghiệp để công tác ra đề thi có hiệu quả. Đặc biệt, Bộ công bố Quy chế tuyển sinh sớm để các trường đại học tính toán phương án tuyển sinh của mình.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Trọng Thắng cho hay, nếu tổ chức thi, chấm thi không rõ ràng, trong trường hợp thấy nghi ngờ về kết quả kỳ thi quốc gia, các trường đại học sẽ lập “rào chắn” tổ chức thi để chọn học sinh tốt vào trường. Do vậy, Bộ cần có phương án lường trước vấn đề này để tránh gây tốn kém thêm cho xã hội.

Tại cuộc họp báo chiều qua 9/9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Từ năm 2015, các thí sinh sẽ dùng kết quả có được để đăng ký vào các trường có điều kiện phù hợp với bản thân. Do đó, nếu trước đây lượng thí sinh ảo lớn thì bây giờ, chỉ thí sinh nào đạt điều kiện mới tham gia xét tuyển. Bộ sẽ sửa đổi phần mềm tuyển sinh phù hợp, công khai điểm của thí sinh, tạo thuận lợi cho học sinh và nhà trường trong xét tuyển.

Trước một số băn khoăn về những tiêu cực có thể xảy ra với phương án thi mới, thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: "Dù là thi kiểu gì, 3 chung hay quốc gia, chất lượng nguồn tuyển phải bảo đảm, đó là yêu cầu bắt buộc".

Theo Hồng Hạnh

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.