Thi đỗ đại học bây giờ khó hay dễ?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Thi đỗ đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) nhiều năm nay rất dễ dàng. Chỉ có điều duy nhất được đặt ra, bạn có phải là một HS chăm chỉ học hành? Đó là quan điểm của tác giả Đào Ngọc Đệ, một giảng viên đại học. Xin giới thiệu bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông.

Nhiều năm nay, trước kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, hàng mấy tháng giời, dư luận xã hội lại ồn ào về đủ mọi chuyện: nào là các lò luyện thi mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa, các giáo viên luyện thi kiếm bộn tiền; nào là việc ra đề thi, đề “kín” với đề “mở”; nào là hướng dẫn làm bài thi; rồi tư vấn mùa thi và những sai sót của cuốn “Những điều cần biết...”.

Tthậm chí nhiều lần, Bộ GD-ĐT phải tổ chức các hội nghị và hội thảo lấy ý kiến toàn dân về một số vấn đề của việc thi cử, như: có nên hợp nhất hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, giải đáp thắc mắc cho thí sinh (TS), và nhiều việc khác nữa...

Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào?

Ý kiến, tin, bài, ảnh, video cộng tác của bạn đọc xin gửi về địa chỉ email: online@tienphong.vn

Vất vả và to lớn đến mức: Quốc hội cũng phải nhiều lần bàn thảo về các vấn đề nêu trên, và nhiều vị đại biểu Quốc hội chỉ muốn làm sao cho việc học hành, thi cử của con em mình được ... nhẹ nhàng, thoải mái(!).

Là một giảng viên đại học đã hơn 30 năm tham gia các hội đồng tuyển sinh ĐH-CĐ, trực tiếp coi thi và chấm thi, lại nắm chắc tình hình học tập, thi cử của học sinh phổ thông hiện nay, tôi thật sự... ngạc nhiên trước sự xôn xao đầy căng thẳng của toàn xã hội về các kỳ thi ở bậc phổ thông và thi tuyển sinh ĐH-CĐ ở nước ta bây giờ. Cho nên, qua báo Tiền Phong, tôi muốn bàn thêm về việc: Thi đỗ ĐH-CĐ hiện nay, khó hay dễ?

1- Thi tuyển sinh ĐH-CĐ từ sau khi miền Bắc được giải phóng (7/1954), đến trước ngày thống nhất đất nước (30/4/1975).

Hồi ấy, trừ 1, 2 năm không tổ chức thi, do chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ ở miền Bắc; còn các năm khác, thì kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ diễn ra rất gọn gàng, suôn sẻ và cũng bình thường như mọi hoạt động sản xuất, công tác và chiến đấu của mọi lớp người trong xã hội thời ấy.

Hồi ấy, các trường ĐH không nhiều như hiện nay, còn các trường CĐ thì rất hiếm (phần đông là các trường chuyên nghiệp trung cấp, sơ cấp) và đều là các trường công lập. Mỗi năm, nhà nước chỉ tổ chức thi tuyển sinh ĐH-CĐ có một lần (tức một đợt) cho tất cả các trường.

Như vậy, trong một năm, mỗi TS chỉ được thi vào một trường ĐH hoặc CĐ và chỉ có một nguyện vọng duy nhất (nếu không trúng tuyển, thì sau đó có thể thi vào một trường chuyên nghiệp trung cấp hoặc sơ cấp).

TS ở tỉnh, thành phố nào, thi ngay tại tỉnh, thành phố đó. Còn điện thoại di động thì thời ấy không hề có, nên không lo TS vi phạm quy chế thi.

Bài thi được niêm phong trong các túi bài và được chuyển ngay về Hà Nội - nơi tập trung các địa điểm chấm thi. Kỳ thi được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bảo vệ rất nghiêm túc mà an nhàn, không hề có các hiện tượng nhốn nháo, phức tạp từ trong các phòng thi cho đến bên ngoài.

Việc tổ chức một lần thi một cách khoa học, gọn gàng và nghiêm túc như vậy, cho nên đỗ được vào ĐH hoặc CĐ không phải dễ. Đỗ hay trượt, chủ yếu phải do năng lực học tập của TS.

Hồi ấy, không có các lớp ôn thi, luyện thi “treo đầu dê, bán thịt chó” bát nháo như bây giờ. Học sinh rất chăm chỉ học hành – chăm chỉ một cách tự giác và tự trọng!

Vì chỉ được thi mỗi năm một lần và chỉ có một nguyện vọng duy nhất là vào chính trường mình dự thi, cho nên TS phải cân nhắc rất kỹ việc chọn trường để nộp hồ sơ, sao cho phù hợp với nguyện vọng và khả năng học tập của mình.

Bởi thế, không có hiện tượng TS “ảo”, không có chuyện “thi cho vui”, cho nên không gây nhiễu, gây khó khăn, phức tạp và tốn kém kinh phí cho kỳ thi.

Hồi ấy, vào được trường ĐH-CĐ có cái khó, bởi không có chuyện “tuyển thẳng” những học sinh tốt nghiệp cấp 3 loại giỏi và học sinh thi học sinh giỏi miền Bắc, không cộng “điểm thưởng” cho học sinh tốt nghiệp loại giỏi như đã diễn ra trong nhiều năm qua.

Chủ trương “tuyển thẳng” và “cộng điểm thưởng” như vừa nêu trên, chứng tỏ sự quan liêu, buông lỏng quản lý và không nắm sát thực tế giáo dục của các quan chức Bộ GD-ĐT; cho nên đã phát sinh rất nhiều tiêu cực, làm suy giảm chất lượng giáo dục đào tạo.

Việc này đã tạo thêm điều kiện quá dễ dàng một cách phi lý cho học sinh vào các trường ĐH-CĐ. Bây giờ, để tốt nghiệp THPT loại giỏi, có học bạ toàn điểm “giỏi” cả 3 năm học THPT chẳng có gì khó khăn!

Thi đỗ ĐH- CĐ hồi ấy còn có một điều “rất khó” nữa, mà tôi chưa thấy ai nói đến bao giờ. Đó là, dù TS có... thừa điểm trúng tuyển đi chăng nữa, nhưng có được nhập học ở trường ĐH-CĐ hay không, còn tuỳ thuộc vào ý kiến của các vị lãnh đạo chính quyền xã hoặc khu phố (bây giờ gọi là cấp phường).

Hồi ấy, các trường ĐH-CĐ trước khi gửi giấy báo trúng tuyển cho TS, đều có công văn xin ý kiến của lãnh đạo chính quyền sở tại, qua việc xem xét lý lịch của TS mà có cho họ đi nhập trường hay không!

Ngay như việc mỗi sinh viên được bao nhiêu phần trăm học bổng, cũng do ý kiến của lãnh đạo địa phương gửi lên các trường ĐH-CĐ.

Do tổ chức thi tuyển sinh ĐH-CĐ một cách khoa học và nghiêm túc như trên (trừ những điều ngặt nghèo như xem xét lý lịch, xin ý kiến lãnh đạo địa phương, ...), nên hồi ấy đã tuyển chọn và đào tạo được những khóa sinh viên có chất lượng thực sự.

Nhiều SV đang học hoặc vừa rời ghế giảng đường đã tình nguyện vào miền Nam chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, như Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc...

Nhiều người trở thành những nhà khoa học giỏi, những văn nghệ sĩ nổi tiếng (Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật…), hoặc các cán bộ có đức có tài ở khắp các cấp, các ngành, các địa phương.

Đấy là niềm tự hào to lớn và xứng đáng của ngành GD-ĐT nước ta từ những năm 70 của thế kỷ 20 trở về trước. Những thế hệ sinh viên hồi ấy đã đóng góp rất to lớn cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ ở 2 miền đất nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc.

2- Thi tuyển sinh ĐH - CĐ từ sau 30/4/1975 đến nay

Cả nước hiện có hơn 420 trường ĐH-CĐ, từ trung ương đến các địa phương, thuộc đủ các loại hình: công lập, dân lập, tư thục, liên kết đào tạo với nước ngoài và của nước ngoài.

Số lượng các trường ĐH-CĐ tăng với tốc độ thiên lý mã! Thành lập thêm một trường ĐH-CĐ ở xứ mình bây giờ thật... thoải mái (?!). Một ngày gần đây, chắc chắn mỗi huyện ở xứ ta sẽ có một trường.ĐH-CĐ (?!).

Những năm qua, hằng năm mỗi TS được thi ĐH-CĐ tới 3 lần (2 đợt thi ĐH theo khối, 1 lần thi CĐ). Ở mỗi lần thi, TS lại được thoả sức ghi tới 3 nguyện vọng. Đề thi đều nằm trong chương trình, sách giáo khoa- cũng lại là một điều dễ đỗ ĐH-CĐ.

Khác với 39 năm trước, đề thi như môn Văn, có khi nằm ngoài chương trình, SGK (Ví dụ: Phân tích, hay bình giảng một đoạn hay một bài thơ đặc sắc của một tác giả có tên tuổi vừa mới xuất hiện trên báo chí).

Nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT còn cho phép “tuyển thẳng” HS đoạt giải trong các kỳ thi HS giỏi quốc gia, HS tốt nghiệp THPT loại giỏi (?) và cộng “điểm thưởng” cho HS giỏi(?).

Bây giờ thì nhiều trường ĐH-CĐ còn tự tiện “phá rào” - quy định của Bộ - mở rộng diện “tuyển thẳng”!

Mặt khác, số ngành đào tạo tăng nhanh, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ hàng năm đều tăng, năm sau tăng hơn năm trước trung bình 10%. Nhiều trường tuyển từ 1.000 đến 3.000 SV là chuyện bình thường.

Nhiều trường lại liên tục hạ điểm chuẩn, để tuyển cho đủ chỉ tiêu, có khi còn dưới điểm sàn. Năm nay, lại có nhiều mức “điểm sàn” rất thấp, tha hồ mà vào ĐH-CĐ. 

Thêm vào đó, bây giờ lại không còn việc phải xin ý kiến địa phương xem xét thành phần, lý lịch của TS trước khi gọi nhập học! Lại còn việc du học tự túc thì vô cùng thoải mái, cứ có tiền là thoả sức đi Âu- Mỹ, Nhật...; rồi việc nhà nước ta và các trường ĐH ở nước ngoài cấp học bổng cho SV Việt Nam du học.

Đó là những điều cực kỳ dễ dàng cho HSPT hiện nay vào các trường ĐH-CĐ. Những thế hệ HS 39 năm trước không hề có được những điều kiện thuận lợi lý tưởng ấy! Nói cách khác, chưa bao giờ cánh cửa các trường ĐH-CĐ lại rộng mở như hiện nay! TS bây giờ có quá nhiều cơ hội để vào các trường ĐH- CĐ (trong và ngoài nước).

3- Hiện nay, không có gì khó khăn trong việc thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ và một vài đề xuất về tuyển sinh ĐH.

Rõ ràng: Thi đỗ ĐH-CĐ nhiều năm nay rất dễ dàng. Chỉ có điều duy nhất được đặt ra: Bạn có phải là một HS chăm chỉ học hành?

Phàm cái gì quá dễ dàng mà có được, cũng kém giá trị và kém chất lượng! Nhiều năm qua, cơ hội vào các trường ĐH-CĐ quá dễ dàng, cùng với việc xã hội thúc ép ngành GD-ĐT phải bỏ các kỳ thi này nọ, khiến HSPT ngày càng lười biếng học hành; phần đông chỉ ham chơi bời, quậy phá và yêu đương nhăng nhít.

Đến khi thi cử thì dựa vào “phao”! Phòng thi nào coi thi nghiêm, giám thị thu mất “phao”, TS đành để giấy trắng! Do đó, tuy việc thi đỗ ĐH-CĐ rất dễ dàng, nhưng rất đông TS vẫn trượt- thực chất là do lười biếng học hành!

Số lượng TS bị điểm 0 cả 3 môn, hoặc tổng điểm 3 môn dưới 10 điểm rất nhiều trong các kỳ thi, rồi những bài Lịch sử và những bài Văn ngô nghê (khối C) đã nói lên thực trạng đó!

Cả 3 năm THPT đã lười học, chỉ ham hưởng thụ, chơi bời, đến sát kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ mới xáo xác đi ôn thi, luyện thi, thì chỉ thu nhận một mớ kiến thức sống sượng, giả tạo, nông choèn, phỏng có ích gì?!

Cho nên, dù các trường ĐH-CĐ mở loạn xạ, đề thi dễ, xét tuyển dễ, nhưng đại bộ phận HS và phụ huynh vẫn lo xón vó trước kỳ thi- là việc dễ hiểu.

Thiết nghĩ: Không nên coi mỗi kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ là một “sự kiện trọng đại” của cả xã hội. Hãy coi đó là việc bình thường như việc cán bộ, công nhân, nông dân, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đi làm hằng ngày.

Xã hội cũng cần tạo một tư duy mới cho thanh niên: Không phải cứ vào ĐH mới là con đường duy nhất để tạo lập cuộc sống tốt đẹp cho bản thân mình! (Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có 72.000 người từ cử nhân trở lên không có việc làm; xã hội đang rất thừa thầy, thiếu thợ giỏi).

Có như vậy, kỳ thi tuyển sinh ĐH mới không phải là một sức ép quá căng thẳng đối với TS và các bậc phụ huynh. Cho nên, giả sử có TS nào không đỗ ĐH-CĐ năm nay, thì cũng không nên bi quan, trầm uất mà tự dẫn đến những hành động đáng tiếc.

Theo tôi, tốt nhất, là mỗi năm chỉ nên tổ chức một lần (một đợt) thi tuyển sinh cho tất cả các trường ĐH (thuộc tất cả các khối, các trường trung ương và địa phương, các loại trường công lập, dân lập, tư thục và liên kết đào tạo); TS ở địa phương nào thi ngay tại địa phương đó rồi bài thi được chuyển về các trường ĐH.

Như vậy, các trường kém chất lượng sẽ phải tự đào thải- một vấn đề cấp thiết hiện nay! Sau lần thi ĐH, là một lần (một đợt) thi vào tất cả các trường CĐ. Mỗi lần thi, TS chỉ được ghi một nguyện vọng duy nhất để tránh “nhiễu” cho việc tuyển sinh.

Các trường có thể tuyển đủ số lượng chỉ tiêu được duyệt: lấy từ điểm cao xuống dưới, cho đến hết chỉ tiêu từng ngành (Bộ GD-ĐT nên duyệt nghiêm túc chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường, căn cứ vào các điều kiện cụ thể của từng trường và nhu cầu của xã hội); nhưng những TS điểm thấp phải được các trường cho củng cố kiến thức (học thêm) trước khi chính thức vào năm học mới. Nếu thực hiện việc này, thì đấy là điều rất thuận lợi cho các TS và cho các trường!

Với các trường ĐH-CĐ địa phương (tức trực thuộc tỉnh, thành phố) thì nên tổ chức chấm chung, phúc khảo chung (theo cụm, hoặc theo vùng, miền), hoặc chấm chéo, phúc khảo chéo, để tránh tiêu cực trong việc tuyển sinh.

Là giảng viên ĐH công lập lâu năm, tôi khẳng định một lần nữa: Việc thi đỗ ĐH-CĐ hiện nay hoàn toàn không phải khó! Các trường ĐH- CĐ đang mở rộng hết cỡ cánh cổng trường mình để đón nhận những TS có ý thức học tập tốt! Mặt khác, tôi muốn nói rằng: Càng nhiều HS muốn vào các trường ĐH-CĐ và muốn nâng cao chất lượng giáo dục ĐH một cách thực chất, thì lại càng phải tổ chức thi tuyển sinh sao cho khoa học, gọn gàng, chặt chẽ và nghiêm ngặt.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.