Thí điểm lương DNNN theo thị trường, ai sẽ được nhận lương 'khủng'?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Để tiến tới cải cách tiền lương người lao động khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiệm cận với thị trường, Chính phủ đã triển khai thí điểm cơ chế lương mới tại 1 tập đoàn và 2 tổng công ty. Vấn đề người lao động quan tâm là ai sẽ nhận được mức lương “khủng”.

Lỗ và lương

Từ năm 2020, Chính phủ cho phép thí điểm cơ chế tiền lương, thưởng với một số tập đoàn, tổng cty nhà nước theo hướng thị trường, căn cứ trên mức khoán, năng suất, lợi nhuận (Nghị định 20/2020).

Cụ thể, lương trả cho người lao động (NLĐ) xác định theo đơn giá khoán, năng suất và lợi nhuận hằng năm; lương ban giám đốc cao không quá 7 lần lương bình quân NLĐ; lương cơ bản hội đồng thành viên (HĐTV), hội đồng quản trị (HĐQT), kiểm soát viên tăng từ mức 36,6 triệu đồng/tháng lên 40-70 triệu đồng/tháng nhân với tỷ suất lợi nhuận.

Các đơn vị thí điểm gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tổng Cty Hàng không (VNA) và Tổng Cty Quản lý bay (VATM). Nhưng cũng tại thời điểm bắt đầu thí điểm, dịch COVID-19 ập tới, khiến 2/3 đơn vị thí điểm có doanh thu giảm, thậm chí lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu, khiến việc thí điểm tới nay không còn phản ánh đúng bản chất của cơ chế.

Thí điểm lương DNNN theo thị trường, ai sẽ được nhận lương 'khủng'? ảnh 1

Điều hành bay tại Trung tâm Kiểm soát đường dài TP Hồ Chí Minh của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam. Ảnh: Phạm Thanh

Cụ thể, với VNPT, giai đoạn 2019 - 2022, tập đoàn vẫn giữ được lợi nhuận hằng năm bình quân khoảng 4 nghìn tỷ đồng/năm, với 22 nghìn NLĐ/năm. Năm 2019, lương bình quân NLĐ của tập đoàn gần 30 triệu đồng/người/tháng.

Thế nhưng do ảnh hưởng của dịch nên năm 2020 lương bình quân giảm còn 25 triệu đồng/người/tháng và tới năm 2022 mới tăng lên lại 32 triệu đồng/người/tháng. Nhờ giữ được lợi nhuận và cải thiện thu nhập cho NLĐ, nên lãnh đạo tập đoàn cũng được tăng thu nhập theo cơ chế mới.

Cụ thể, với tổng giám đốc, năm 2019 nhận lương 94 triệu đồng/tháng, giai đoạn 2021-2022 nhận 139 triệu đồng/tháng; tương ứng theo năm. Chủ tịch HĐTV được nhận 97 triệu đồng/tháng sau đó lên 149 triệu đồng/tháng; thành viên HĐTV và kiểm soát viên thu nhập từ 86 triệu đồng/tháng lên 124 triệu đồng/người/tháng (kế hoạch lương cũng tương tự áp dụng cho năm 2023).

Tổng Cty Quản lý bay (VATM), cũng chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19 như các doanh nghiệp hàng không khác, nhưng chưa tới mức lỗ dù lãi giảm mạnh, nên lương NLĐ và lãnh đạo cũng có giảm theo. Giai đoạn 2018-2019, tổng Cty này lãi gần 1,6 nghìn tỷ đồng/năm, lương bình quân của NLĐ đạt 28 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2020, VATM chỉ còn lãi 4,4 tỷ đồng, nên lương bình quân NLĐ giảm còn gần 13 triệu đồng/người/tháng. Chủ tịch HĐTV nhận 88 triệu đồng/tháng, thành viên HĐTV nhận 73 triệu đồng/tháng, kiểm soát viên lương 59 triệu đồng/tháng.

Năm 2022, VATM lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng, chủ tịch HĐTV nhận lương 120 triệu đồng/tháng, thành viên HĐTV 100 triệu đồng/người/tháng, kiểm soát viên 80 triệu đồng/người/tháng.

Việc xác định tiền lương, thưởng theo cơ chế mới khó nhất khi áp dụng vào Tổng Cty hàng không Việt Nam (VNA), do tổng Cty này chuyển từ lãi bình quân 2,2 nghìn tỷ đồng/năm cho giai đoạn 2018-2019, sang lỗ bình quân hơn 9,7 nghìn tỷ đồng/năm giai đoạn 2020-2022. Lỗ của VNA tới từ việc hoạt động bay nội địa và quốc tế ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Do khó khăn trong hoạt động, VNA phải cắt giảm lao động từ hơn 7 nghìn người khi có dịch xuống còn hơn 5 nghìn người hiện nay. Năm 2019, lương bình quân NLĐ tại VNA đạt 50 triệu đồng/người/tháng, năm 2020 giảm còn 23 triệu đồng/người/tháng, năm 2022 tăng lên gần 32 triệu đồng/người/tháng.

Với lãnh đạo, năm 2019, lương ban giám đốc bình quân 120 triệu đồng/người/tháng, giai đoạn 2020-2022 còn 77 triệu đồng/người/tháng (trong đó lương tổng giám đốc bằng 4 lần lương bình quân NLĐ). Với HĐQT, năm 2020, chủ tịch VNA nhận 55 triệu đồng/tháng, thành viên HĐQT nhận 47 triệu đồng/tháng.

Đến năm 2022, Chủ tịch HĐQT nhận 99 triệu đồng/tháng, các thành viên HĐQT nhận 79 triệu đồng/người/tháng (dự kiến mức thu nhập tương tự sẽ áp dụng trong năm 2023).

Tăng tự chủ cho doanh nghiệp

Đánh giá về quá trình thí điểm cơ chế tiền lương, thưởng mới, lãnh đạo Tập đoàn VNPT cho biết, cơ chế lương mới đã tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý lao động, tiền lương, gắn với hiệu quả hoạt động. Trong đó, lương của lãnh đạo căn cứ theo kết quả hoạt động cũng như thu nhập của NLĐ.

Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2020 tới nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên cơ chế lương tại tập đoàn chưa theo mức trần của Nghị định 20/2020 (thấp hơn trần quy định).

Tháng 3 vừa qua, sau 3 năm thí điểm cơ chế lương mới, lãnh đạo Tập đoàn VNPT đã có văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cho tiếp tục giao chủ động xây dựng thang, bảng lương cho doanh nghiệp; bỏ quy định cứng việc nâng lương, nâng bậc và ngạch lương theo thâm niên. VNPT cũng đề xuất cơ quan nhà nước giao đơn giá khoán áp dụng trong 3-5 năm, thay vì hằng năm, để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; có quy định để đảm bảo tương quan lương giữa tổng giám đốc và chủ tịch HĐTV…

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhận định, khi thực hiện nghị định này đã phát sinh một số bất cập.

Cụ thể, nghị định chưa có quy định mức lương đảm bảo ổn định đời sống NLĐ trong trường hợp chịu tác động lớn bởi yếu tố khách quan, như ảnh hưởng dịch COVID-19 vừa qua. Điều này dẫn tới tiền lương NLĐ tại doanh nghiệp bị sụt giảm nghiêm trọng khi thực hiện cơ chế thí điểm. Cụ thể như tại VNA, nếu theo Nghị định 20 và mức lỗ của doanh nghiệp, năm 2020, lương bình quân của NLĐ giảm 54% so với khi chưa có dịch.

Để khắc phục các bất cập, Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2020. Chính phủ cho phép các doanh nghiệp trên tiếp tục thí điểm cơ chế tiền lương mới tới khi thực hiện cải cách lương với tất cả doanh nghiệp nhà nước; cho phép các doanh nghiệp lập quỹ dự phòng lương cho năm sau tối đa bằng 17% quỹ lương năm trước; cho phép tính lương có loại trừ ảnh hưởng yếu tố khách quan (như dịch COVID-19) với mức sàn bằng 65% năm 2019…

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.