Thí điểm cấm xe máy tuyến Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi: Ðã thật sự phù hợp?

Với việc có thêm đường sắt đô thị trên cao, đường Nguyễn Trãi được Sở GTVT lựa chọn thí điểm cấm xe máy. Ảnh: A. Trọng ​
Với việc có thêm đường sắt đô thị trên cao, đường Nguyễn Trãi được Sở GTVT lựa chọn thí điểm cấm xe máy. Ảnh: A. Trọng ​
TP - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện vừa cho biết, thành phố sẽ chọn một trong hai tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương thí điểm dừng hoạt động xe máy. Ủng hộ chủ trương cấm xe máy, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nên có nghiên cứu bài bản, khoa học trước khi thực hiện cấm theo tuyến phố.

Cấm sớm hơn lộ trình từ 2 đến 3 năm

Theo ông Vũ Văn Viện, đề án quản lý phương tiện giao thông, trong đó có hạn chế và sẽ dừng hoạt động của xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030 đang được Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Viện Chiến lược của Bộ GTVT, nghiên cứu xây dựng đề án. Cụ thể, trước khi dừng hoạt động xe máy tại các quận, đề án sẽ phân vùng hạn chế từng khu vực, từng tuyến phố. Tùy vào mật độ phương tiện và sự hoàn thiện của hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải công cộng, đề án sẽ đưa ra từng khu vực hạn chế cụ thể.

Đề cập lộ trình đưa ra trong đề án, ông Viện cho hay, do hạ tầng đã khá hoàn thiện, đặc biệt ngoài xe buýt tại khu vực này còn có đường sắt đô thị hoạt động từ quý II năm nay nên ban soạn thảo đang lên phương án sẽ chọn một trong 2 tuyến đường: Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi để thí điểm cấm xe máy. “Với mạng lưới xe buýt dày đặc, lại có buýt nhanh BRT, đặc biệt từ quý II năm nay, 2 trục đường này còn có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chạy qua nên đây sẽ là trục đường phù hợp nhất cho việc thí điểm hạn chế hoạt động xe máy”, ông Viện thông tin.

Về thời gian thực hiện việc cấm xe máy trên một trong 2 tuyến đường này, ông Viện cho biết, lộ trình chung của đề án là từ năm 2030 nhưng một trong hai tuyến đường này sẽ được thực hiện sớm hơn từ 2 đến 3 năm.

Sẽ dừng đăng ký xe máy tại các quận

Theo ông Viện, với sự phát triển, chuẩn bị cho lộ trình cấm tất cả xe máy hoạt động tại các quận vào năm 2030, hệ thống phương tiện giao thông công cộng của thành phố chắc chắn sẽ phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2030. Trong Đề án Ban soạn thảo cũng nêu rõ, với khu vực trung tâm thành phố phải đảm bảo điều kiện người dân ở 80% khu vực cấm xe máy có thể tiếp cận hệ thống giao thông công cộng trong phạm vi dưới 500m. Người dân ở trong các ngõ, xóm, có thể sử dụng phương tiện phù hợp như xe đạp, taxi hoặc đi bộ.

Cùng với đó các đơn vị xây dựng, thực hiện đề án cũng tuyên truyền để người dân hiểu được rằng, việc sử dụng phương tiện cá nhân bao giờ cũng tiện hơn phương tiện công cộng, tuy nhiên phải đảm bảo lợi ích hài hòa với xã hội nữa. Nếu ai ra đường cũng muốn sử dụng xe cá nhân thì ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường không bao giờ giải quyết được.

Về các giải pháp hỗ trợ cho việc cấm xe máy vào năm 2030, ông Viện cho biết, trước khi đến thời điểm trên, Sở GTVT sẽ tham mưu thành phố dừng việc cấp đăng ký xe máy mới cho người dân tại khu vực nội đô. Điều này vừa hạn chế được số lượng xe trong nội thành vừa tránh được lãng phí xã hội khi người dân vừa mua xe mới nhưng sau đó lại không được lưu thông.

Cấm xe máy dân đi lại thế nào?

Ủng hộ chủ trương, trong đó có các giải pháp thành phố Hà Nội và các sở ngành liên quan đưa ra để cấm xe máy tại các quận nội thành, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, phương án cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương cần được nghiên cứu bài bản, khoa học.

GS.TS Từ Sỹ Sùa cho biết, ông ủng hộ cấm thí điểm trên một số tuyến phố trước khi cấm đồng bộ để tạo thói quen trước. Tuy nhiên, các tuyến phố chọn thí điểm phải là tuyến nằm ở khu vực trung tâm. Với Thủ đô Hà Nội, khu vực trung tâm hiện nay là các tuyến phố được bố trí theo dạng bàn cờ. Cùng với đó hệ thống hạ tầng, đảm bảo giao thông cũng đồng bộ nên nếu chọn thí điểm cấm xe máy ở đây, người dân sẽ dễ dàng thực hiện, gặp các tuyến phố cấm thì người đi xe máy có thể rẽ sang đường khác.

“Thực tế đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương có nhiều loại hình vận tải công cộng, song vẫn thiếu trầm trọng các bãi, điểm đỗ xe nên nếu cấm đường, người tham gia giao thông bằng xe máy chỉ còn cách bay lên không”.    GS.TS Từ Sỹ Sùa

Về kế hoạch cấm xe máy tại đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương, ông Sùa cho rằng, tuy 2 tuyến đường này chiều ngang rộng, hệ thống vận tải gần như hoàn thiện khi có thêm đường sắt đô thị trên cao, tuy nhiên đây là những trục giao thông hướng tâm chính. Do vậy nếu cấm xe máy thì đến 80% người tham gia giao thông bằng phương tiện này tại đây sẽ đi thế nào.

“Giải pháp đưa ra là để mang lại sự hài hòa, hiệu quả trong thực hiện, chứ không phải cứ thấy tuyến đường này, đường kia rộng, có buýt nhanh, đường sắt đô thị… thì cấm xe máy. Thực tế đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương có nhiều loại hình vận tải công cộng, song vẫn thiếu trầm trọng các bãi, điểm đỗ xe nên nếu cấm đường, người tham gia giao thông bằng xe máy chỉ còn cách bay lên không”, ông Sùa nêu thực tế.

Đưa ra giải pháp cho lộ trình thực hiện đề án quản lý phương tiện giao thông, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cho rằng, nếu chọn cấm xe máy thí điểm trước 1, 2 năm so với lộ trình thì nên chọn các tuyến đường ở khu vực trung tâm, ví như xung quanh hồ Hoàn Kiếm, phố cổ để người dân làm quen. Với tuyến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương trước khi cấm xe máy đồng bộ tại các quận nội thành nên tổ chức giao thông tại đây bài bản, linh hoạt.

Theo ông Liên, đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương đang có bề rộng lớn nhất Hà Nội, tuy nhiên ùn tắc vẫn xảy ra thường xuyên. Đánh giá về việc này, ông Liên cho rằng, ùn tắc chỉ xảy ra một bên đường, buổi sáng xảy ra với chiều đường vào trung tâm và buổi chiều xảy ra với chiều đường ra ngoại thành. “Giải pháp cần làm hiện nay thay vì bàn chuyện cấm xe máy là tổ chức, phân luồng giao thông hợp lý”, ông Liên đề nghị. Một số chuyên gia khác thì cho rằng, nếu cấm xe máy trên hai tuyến đường lớn nêu trên thì nguy cơ ùn tắc các tuyến lân cận sẽ tăng khi lượng xe máy đổ dồn về.

Nêu cụ thể hơn, ông Liên cho rằng, thay vì để dải phân cách cứng cố định như hiện nay, nên phân làn đường bằng dải phân cách mềm. Theo đó, với giờ cao điểm buổi sáng thì dải phân cách mềm tự động dịch chuyển mở rộng làn đường đông phương tiện sang phía làn đường ít phương tiện; giờ cao điểm buổi chiều làm ngược lại. “Như vậy vừa giải quyết được bài toán ùn tắc, chưa cần đến cấm xe máy; vừa phát huy hiệu quả khi nhà nước đã phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng để mở rộng những tuyến đường này”, ông Liên đánh giá.

Về giải pháp dừng đăng ký xe máy, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, Hà Nội từng đưa ra thực hiện nội dung này, nhưng sau đó đã bãi bỏ vì cấm tại các quận nội thành nhưng xe ngoại thành, ngoại tỉnh vẫn vào, cùng với đó là đụng chạm đến quyền sở hữu phương tiện của người dân, nên giờ không nên lặp lại “vết xe đổ”. Theo ông Thủy, khi hạ tầng, khâu tổ chức giao thông tốt, phương tiện công cộng đi lại thuận tiện thì lập tức người dân sẽ tự bỏ xe cá nhân chứ không cần phải cấm.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.