> Khởi công khi chưa chọn nhà thầu
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn Dốc Xây được khởi công từ tháng 8- 2011. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, đảm bảo cho bốn làn xe cơ giới lưu thông, tốc độ 80 km/h, với tổng mức đầu tư là 2.170 tỷ đồng, thời gian hoàn thành thi công trong 18 tháng.
Theo thống kê của Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, lưu lượng ô tô các loại qua đoạn đường nêu trên trung bình khoảng 14.000 xe/ngày. Vào dịp lễ, tết con số này tăng gấp 1,5 lần; ùn tắc, xảy ra tai nạn giao thông nhiều hơn kể từ khi khởi công tuyến đường này.
Một năm sau khi khởi công, trên tuyến đường này đã xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông, làm chết 29 người. Sáu tháng đầu năm 2012 ở đây đã xảy ra 51 vụ ùn tắc, ùn ứ giao thông.
Nguyễn Hải Nam- một lái xe ô tô thường xuyên đi qua đoạn đường này nói: Hàng trăm người có ý thức khi tuần tự đi qua tuyến đường này, nhưng chỉ cần một vài người lạng lách, tranh đường là có thể gây ách tắc, tai nạn.
Chúng tôi cũng mong muốn đơn vị thi công cùng lực lượng chức năng có các phương án giảm tình trạng ùn tắc...
Hiện nay, các nhà thầu đang triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến với mục tiêu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng đầu năm 2013. Tuy nhiên, việc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, huy động nhiều máy móc thiết bị cùng một lúc cũng làm nảy sinh tình trạng mất an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông.
Theo ghi nhận thì tại những đoạn nhà thầu đang tập trung thi công là nơi dễ xảy ra hiện tượng ùn tắc, lưu lượng các phương tiện tăng đột biến.
Trong khi đó, đa số các đoạn đường đang thi công mặt đường bị chia thành hai phần song song: Phần đang thi công và phần cho xe lưu thông. Phần cho xe lưu thông thì quá nhỏ, mặt đường lại xuống cấp trầm trọng, lầy lội. Bên cạnh đó, nhiều người tham gia giao thông cố tình lạng lách, chen lấn.
Trung tá Lâm Ngọc Thụ- trưởng Trạm CSGT quốc lộ 1A thuộc Phòng CSGT đường bộ- đường sắt (Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Nguyên nhân là do va chạm giao thông, xe hỏng; mặt đường đang được thi công xấu, nhiều ổ gà, ổ voi, gây đọng nước.
Một số nhà thầu, đơn vị thi công thiếu phương án đảm bảo an toàn giao thông; thi công chậm; khi thi công không tuân thủ đầy đủ yêu cầu đảm bảo an toàn giao thông; đổ đất bừa bãi, lấn chiếm phần đường đang khai thác; không có biển báo hiệu chỉ dẫn; không cắm cọc tiêu, chăng dây an toàn; không kịp thời san lấp ổ gà trên mặt đường đang khai thác...
Theo báo cáo của Ban quản lý giao thông 1 thuộc Sở GTVT Thanh Hóa thì đến thời điểm này tuyến đường từ Dốc Xây đến TP Thanh Hóa nhiều nơi đã cơ bản làm xong nền đường, một số đoạn đã hoàn thành rải thảm bê tông nhựa hạt trung, còn lại cơ bản toàn tuyến các nhà thầu đang chia đường để thảm nhựa.