Sự kiện TMN-CSG lên ngôi đầu bảng V-League:

Thép hóa sự hào hoa của Cảng

Thép hóa sự hào hoa của Cảng
Con đường còn lại rất dài và thành công của TMN-CSG hôm nay là kết quả vượt bậc cho dù những người khó tính và yêu cái đẹp chưa hài lòng...
Thép hóa sự hào hoa của Cảng ảnh 1

Năm 1984 lần đầu Đặng Trần Chỉnh khoác áo Cảng Sài Gòn ra Hà Nội đá với Cảng Hải Phòng. Mái tóc bum bê, sải chân dài và những động tác thật khéo của chú nhóc Chỉnh với chiếc áo số 10 hôm ấy làm xuýt xoa khán giả sân Hàng Đẫy.

Trận đấu ấy, sự hào hoa của Cảng đã thắng được lối đá cứng rắn của Hải Phòng (CSG thắng 2-0). 21 năm sau, chú bé Chỉnh hôm nào dẫn một CSG khác đã hóa Thép ra lại Hà Nội và tạo nên một hiện tượng...

Trần Chỉnh không tin đội bóng mình đang dẫn đầu dù đấy là sự thật. Anh cũng không tin cả vào kỷ lục 630 phút bất bại làm nên một hiện tượng nơi một ứng cử viên ban đầu bị đặt vào danh sách rớt hạng. Suy nghĩ của Chỉnh cũng trùng với suy nghĩ của chúng tôi bởi bao giờ đặt bàn cân lên thì TMN-CSG cũng thường bị đặt vào kèo dưới khi gặp các đối thủ. Chính những lãnh đạo của LĐBĐ TP.HCM cũng ái ngại cho Thép bởi so với thời điểm thăng hạng thì họ yếu đi về con người và cả về tuổi tác.

21 năm trước, Chỉnh rời trường năng khiếu và lọt vào giữa rừng sao CSG, khác hẳn với hoàn cảnh hôm nay anh cùng ông thầy ở trường năng khiếu của mình ngày nào là Nguyễn Văn Hiệp dẫn dắt một tập thể không sao nhưng thừa lão tướng. Liên tục bị thiếu hụt và gặp sự cố trước giờ xuất quân, lực lượng TMN-CSG mỏng dần, mỏng dần trong khi những cái tên được chọn để tăng cường thì vô vọng.

Cái đầu của cậu bé Đặng Trần Chỉnh ngày nào bạc dần, bạc dần vì ngay đến những phương án dự phòng còn bị gãy. Sau những buổi tập, sau các trận giao hữu lại thấy hai thầy trò Nguyễn Văn Hiệp - Đặng Trần Chỉnh hí hoáy với nhau khi thì nghiên cứu băng hình, lúc lại bàn chuyện bên quán cà phê. Có khi thầy trò lại giở sổ ra rồi móc điện thoại alô nấu cháo cả giờ đồng hồ để tìm chi viện và để tìm ra những giải pháp.

Một lần cùng ngồi trong quán cà phê nghe hai thầy trò Hiệp - Chỉnh thèm thuồng mỗi khi kể tên các cầu thủ Đông Á Thép Pomina. Nghe cả tiếng thở dài tiếc nuối vì không thể giữ được Carlos Antonio "chân gỗ" nhưng vờn bóng thật quái. Than thế, thở thế nhưng thầy trò lại động viên nhau có bao nhiêu chơi bấy nhiêu và chơi hết bằng tất cả những gì có thể.

Chỉnh xúc động kể lại mình may mắn vì cầu thủ thương đặc biệt là những cái tên được gọi là lính già như Huỳnh Hồng Sơn (đã giải phẫu và đang dưỡng thương), Trần Quan Huy, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Phúc Nguyên Chương... Những người đã ít nhất một lần treo giày mở quán và tìm kế sinh nhai nhưng được động viên ở lại giúp Chỉnh và giúp Thép - Cảng.

Những người mà Chỉnh luôn nhớ một cách sâu sắc khi nói về họ: "Họ ở lại vì cái tình với đội và với tôi. Tôi biết có những lời mời chào rất hậu hĩnh nhưng họ đã từ chối để ở lại giúp tôi và có lúc đã xác định với nhau là chỉ một mùa này nữa thôi rồi mỗi người tự kiếm cho mình một kế sinh nhai...".

Chính cái tình ấy và sự hy sinh đó đã làm nên một động lực thật lớn cho TMN-CSG trong suốt 7 lượt đấu qua. Các lão tướng “nuốt” đủ giáo án, là một tấm gương sáng, do đó không lý do gì mà những cầu thủ trẻ không vượt qua nổi. Cũng cái tình đó, họ trở nên một khối khắng khít với nhau.

Thép hóa sự hào hoa của Cảng ảnh 2

HLV Đặng Trần Chỉnh

Xây một đội bóng như thế không phải ai cũng làm được bởi chỉ mỗi một điều để cầu thủ thương và cầu thủ chịu đá thôi đã là cả một vấn đề của người cầm quân. Phần còn lại chính là mặc vào một lối chơi hợp nhãn với những gì hai thầy trò Hiệp - Chỉnh có trong tay.

Chỉnh chuộng lối đá hào hoa làm nên thương hiệu cho CSG ngày nào nhưng bây giờ khi mục tiêu trụ hạng với một đội hình vừa mỏng vừa thiếu là không thể. Đã có lần các lão tướng và cả những cầu thủ trẻ than phiền tại sao là tiền vệ nổi tiếng chơi kỹ thuật và hào hoa mà có khi Chỉnh cứ cho tập đi tập lại một bài phòng ngự bắt người chống bóng bổng và chống những miếng đánh từ mọi góc độ.

Nhưng đến giờ hai thầy trò Hiệp - Chỉnh vẫn xác định trò đấy không phải là sản phẩm của chiếc áo Thép khoác lên cái chất lãng tử ngày nào của Cảng. Họ buộc phải thực tế hơn với những gì mình có chứ không dám mơ mộng hơn vào những gì thuộc về quá khứ nhưng có thể giết chết cả một đội bóng.

Họ phải tự cứu mình bắt đầu bằng lối chơi bị phê phán là tiêu cực (trong tư tưởng, trong đấu pháp). Tất nhiên để thành công như hôm nay những người dẫn dắt TMN-CSG phải chấp nhận trả giá cho những gì mình đã làm. Họ bị mang tiếng là một đội bóng chỉ biết phòng ngự và ra sân với một lối đá không thua trước khi nghĩ đến bàn thắng.

Đã có lần tôi trách hai thầy trò Hiệp - Chỉnh: "Xem TMN-CSG các anh đá "chán" lắm!". Cuối cùng thì sau nỗi buồn của lời chia sẻ, hai thầy trò cũng thốt lên một lời hứa: "Chúng tôi không giết bóng đá bằng lối chơi phòng ngự nhưng khả năng bây giờ chỉ là phá lối chơi đối phương trước rồi mới tìm cơ hội cho mình.

Là những người thầy, chúng tôi không muốn hóa đá và bê-tông hóa các cầu thủ của mình. Họ là những con người, chúng tôi là những người thầy và khán giả là những người thưởng thức. Chúng tôi hiểu và hãy cho chúng tôi thời gian...".

Con đường còn lại rất dài và thành công của TMN-CSG hôm nay là kết quả vượt bậc cho dù những người khó tính và yêu cái đẹp chưa hài lòng lắm về cái cách chiến thắng bắt đầu từ quan điểm cứu mình trước đã. Người xem có thể kết luận về một lối chơi giết chết bóng đá nhưng khó có thể cảm nhận được cái chết của một CLB, một đội bóng bắt đầu từ những bàn thua.

Bao giờ thì nỗi đau của hai thầy trò Nguyễn Văn Hiệp - Đặng Trần Chỉnh mới được giải tỏa?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.