Máy đo thân nhiệt luôn làm việc 24/24 giờ tại sân bay Tân Sơn Nhất trong thời điểm dịch hiện nay - ảnh Lê Nguyễn
Bộ Y tế khuyến cáo nguời dân thực hiện 4 biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng: Khi người dân phát hiện có hiện tượng nhiều người bị cúm hoặc viêm phổi nặng, nghi ngờ cúm A(H1N1) cần thông báo về đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đồng thời thông báo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường theo số điện thoại đường dây nóng: 0989.671.115; email: baocaodich@gmail.com).
Ngày 31/5, trao đổi với phóng viên về trường hợp nhiễm cúm A (H1N1) đầu tiên tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống đại dịch cúm ở người cho biết: Trường hợp bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam dương tính với cúm A (H1N1) là một sinh viên nam 23 tuổi, hiện đang học tại Mỹ và trở về Việt Nam trên chuyến bay UA 869 từ Hồng Kông về thành phố Hồ Chí Minh lúc 22h00 ngày 26/5/2009.
Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện giám sát và cách ly bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh đồng thời cách ly và xử lý y tế cho gia đình bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân trên được thực hiện tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương với mã số phòng thí nghiệm là 31757 ngày 30/5/2009. Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 54 chính thức xác nhận có bệnh nhân nhiễm cúm A(H1N1)
Bộ Y tế cũng đã lập danh sách và giám sát 189 trường hợp đi cùng chuyến bay với bệnh nhân. Số hành khách đi cùng chuyến bay này thuộc 24 tỉnh, thành phố, trong đó có 125 người tại Tp Hồ Chí Minh, Đồng Nai: 10; Thừa Thiên Huế: 8; Tây Ninh: 7; Bình Định: 6; các địa phương: Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Trà Vinh mỗi nơi có 3 người. Ngoài ra có 6 địa phương khác có 2 hành khác và 9 địa phương có 1 hành khách. Hầu hết hành khách trên chuyến bay ở các tỉnh phía Nam, phía Bắc chỉ có Hà Nội: 1; Hải Phòng: 1.
Để ngăn chặn dịch không lây lan và xâm nhập vào cộng đồng Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu 24 tỉnh/thành phố có số hành khách đi cùng chuyến bay trên giám sát chặt chẽ các trường hợp đã được thông báo trong vòng 7 ngày, kể cả các thành viên trong gia đình đã tiếp xúc với hành khách; báo cáo hàng ngày với Cục Y tế dự phòng và Môi trường về diễn biến tình hình của những người đã tiếp xúc trên.
Bộ Y tế khuyến cáo nguời dân thực hiện 4 biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng: Khi người dân phát hiện có hiện tượng nhiều người bị cúm hoặc viêm phổi nặng, nghi ngờ cúm A(H1N1) cần thông báo về đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đồng thời thông báo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường theo số điện thoại đường dây nóng: 0989.671.115; email: baocaodich@gmail.com).
Bộ Y tế cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố thực hiện nghiêm túc công điện số 732/CĐ-TTg ngày 14/05/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Bộ Y tế vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam để theo dõi sát tình hình và triển khai các biện pháp phòng chống không để dịch xâm nhập và lây lan tại Việt Nam.
Khẩn trương ngăn chặn dịch lây lan
Chiều 31/5, TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường cho biết: Cục Y tế Dự phòng và Môi trường đã có chỉ đạo, yêu cầu Trung tâm y tế dự phòng và Sở Y tế của 24 tỉnh, thành phố có người liên quan đến bệnh nhân nhiễm cúm A (H1N1) đầu tiên tại Việt Nam phối hợp với địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Tình hình sức khỏe, sự di chuyển hoặc những biến động của 189 người có liên quan với bệnh nhân, kể cả các thành viên trong gia đình phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ trong vòng 7 ngày theo qui định của Bộ Y tế và có báo cáo hàng ngày về Cục Y tế Dự phòng và Môi trường.
Cục Y tế Dự phòng và Môi trường công bố danh sách 24 tỉnh, thành phố có trường hợp liên quanh đến bệnh nhân cúm A (H1N1) đầu tiên tại Việt Nam gồm: thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắc Lăk, Đắk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Bộ Y tế cũng đã có những biện pháp khẩn cấp để chủ động ngăn chặn và đề phòng dịch cúm A (H1N1) lây lan trên diện rộng.
Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt các biện pháp sau để phòng chống dịch cúm A(H1N1):
Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với dịch tiết hầu, họng; sử dụng thường xuyên thuốc sát trùng đường mũi họng; làm thông thoáng nơi ở, hạn chế sử dụng điều hòa.
Các hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch trong vòng 7 ngày qua phải theo dõi sức khỏe bản thân và thông báo với các cơ quan y tế nơi cư trú để được tư vấn, theo dõi theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế.
Khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng thì chủ động cách ly, không đến nơi tụ tập đông người để phòng cho người khác không bị mắc bệnh, thông báo ngay cho các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời giảm nguy cơ biến chứng dễ dẫn đến tử vong.
Khi có hiện tượng nhiều người bị cúm hoặc viêm phổi nặng, nghi ngờ cúm A(H1N1) thì thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đồng thời thông báo Bộ Y tế.