Đi dọc những con phố góc cạnh đang tối dần ở Havana, tôi chợt có linh cảm về một điều sắp xảy ra. Đi trước tôi vài bước là một người lạ mặt. Jorge, anh ta tự xưng như vậy, một người kiếm ăn trên phố trẻ tuổi mà tôi mới gặp tại trạm taxi bên ngoài khách sạn Capri. Jorge ăn vận rõ vẻ thành thị: Một chiếc áo len San Diego Padres ngoại cỡ, quần cộc Denim thùng thình và giày mũi sò Adidas. Jorge, bằng thứ tiếng Anh chắp vá của mình, đã dụ dỗ tôi ra khỏi khu vực du khách của khu phố trung tâm, dẫn đến một nơi mà cảnh vật dần biến hóa thành bãi hoang tàn, khu dân cư vụn nát với những dãy nhà xập xệ. Và thứ quyến rũ hơn cả của anh ta: Một hộp Habanos, Cigar cuộn tay.
Đêm đầu tiên của tôi ở Havana.
Khi đêm xuống, cảm giác yếu thế của tôi càng cao hơn bởi tiếng dép lộp cộp trên nền phố đá cuội. Dường như đã quá muộn để trách móc bản thân mình tại sao lại sắm vai một du khách Mỹ ngây thơ và ngu ngốc đến mức dễ dàng bị dụ dỗ đi trong đêm chỉ vì vài điếu thuốc. Phía trước tôi, Jorge, trông càng lúc càng nguy hiểm, vẫy tay ra hiệu cho tôi đi tiếp.
Chúng tôi đến một căn nhà gạch ọp ẹp ở giữa khu dân cư Vedado. “Này, anh bạn!” Jorge nói. “Ở đây có Montecristo và Cohiba giá tốt này!”.
Jorge bấm chuông cửa. Hai cánh cửa sổ bật mở, và chìa khóa rơi xuống sàn. Anh ta dẫn tôi trên bậc thang đến một căn hộ mở cửa, nơi một gã ở trần và một phụ nữ có tuổi chào đón chúng tôi, đưa tôi vào phòng trong. Và thứ đó nằm trên chiếc bàn gỗ, chiếc nắp mở ra một cách tráng lệ: Một hộp Montecristo No. 2 của Cuba.
Cây thuốc lá ở miền Tây Cuba.
Một cách vụng về, tôi châm lửa vật báu mới tìm ra này. Nổi tiếng với sự hòa quyện phức tạp giữa mùi ngậy và cay, Montecristo No.2 quả là Cadillac của Cigar Cuba; được đánh giá cao bởi những người thích hút và vô cùng khó kiếm đối với tôi hay bất kỳ kẻ hút thuốc nào ở Mỹ.
Tôi bước đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp mang hình ngư lôi 25, sắc nâu sang và dài 6 inch (hơn 15 cm - người dịch), mỗi điệu lại được tô điểm với dải in dấu hiệu kiếm trắng rõ nét. Montecristo No.2, cái tên lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của Alexandre Dumas, từ lâu đã nằm trong số các loại thuốc ưa thích của tôi, hiếm đến mức tôi không thể nhớ được lần cuối tôi hút một điếu là khi nào.
“Gracias”, tôi nói với người phụ nữ, bà nở nụ cười mệt mỏi với tôi khi gói phần thưởng tôi đã săn được trong giấy báo. Tôi biết cái giá 80 CUC (đồng peso đổi được của Cuba, tính theo giá USD) sẽ khiến cho những anh bạn ở nhà ghen tỵ lồng lộn khi họ đã phải quen với việc trả hơn 350 USD để mua một hộp báu vật này tại chợ đen. Jorge hỏi tôi, “Vui chứ anh bạn?”. Tôi bắt tay cậu ta, và ôm cậu ta thân thiết như người nhà.
53 năm đã trôi qua kể từ khi Tổng thống John F. Kennedy ra lệnh cấm vận với Cuba, tạo nên một Kỷ nguyên Đen tối với những người yêu thích Cigar tại Mỹ. Tuy nhiên còn một điều ít người biết đến, trước khi ra quyết định lịch sử dấy lên mọi sản phẩm của Cuba, tổng thống đã gọi người phát ngôn lúc đó, Pierre Salinger, nhờ ông ta trữ “thật nhiều Cigar”, theo lời ông Salinger kể lại trong tạp chí Người yêu Cigar năm 1992. Khi đó, chỉ tới sáng hôm sau, khi ông Salinger báo với tổng thống là ông đã trữ được 1.200 bao H. Upmanns (đặt tên theo Herman Upmann, một chủ ngân hàng Đức, đã mở một chi nhánh tại Havana giữa thế kỷ 18 để đưa Cigar sang châu Âu), Kenedy mới ký lệnh cấm.
Với phần lớn người Mỹ yêu Cigar, thuốc của Cuba gần như là một thú vui hiếm có; là vật để ăn mừng được mua qua những đường ngầm bí ẩn, được tặng khi em bé ra đời hay thành lập doanh nghiệp... Rồi đột nhiên, việc hồi phục quan hệ ngoại giao với Cuba tháng Bảy vừa qua đã mang lại viễn cảnh về thời phục hưng Cigar; mở đường cho người dân thường Mỹ đến Cuba và mang về, theo quy định hiện hành, một lượng Cigar Cuba trị giá ít nhất 100 USD từ thánh địa này...
Sự nới lỏng này đã thúc đẩy tôi có hứng thú tìm hiểu về văn hóa Cigar Cuba, bao gồm cả Đồn điền Thuốc lá Alejandro Robaina, vườn trồng thuốc lá nổi tiếng nhất thế giới. Nhà của nông dân quá cố Alejandro Robaina, được biết đến như bộ mặt của Cigar Cuba, nằm ở phía xa tại thị trấn San Luis, tỉnh Pinar del Río, khu vực Âu hóa nhất của Cuba. Được thành lập năm 1845, vườn này nổi tiếng với sản lượng lá thuốc chất lượng cao khổng lồ, ấn tượng tới mức mà thực tế, đầu những năm 80, Fidel Castro - cũng chính là một người Cohiba hút thuốc - đã đóng nhãn cho những điếu Cigar này bằng họ nhà Robaina, những người Havana duy nhất có được sự kính trọng…
Dù Cuba không thể nhận là nơi sinh ra Cigar (các nhà sử học đã trao cái quyền khoe khoang này cho các nhà vườn ở Guatemala), quốc đảo này vẫn ngự ở vị trí nước sản xuất lá thuốc chất lượng nhất thế giới, được ca ngợi như cách những người yêu vang ca ngợi Napa và Bordeaux…
Gần như không dễ dàng gì để đến Cuba du lịch. Tôi may mắn được sứ quán Cuba cho phép ghi chép lại chuyến du hành này với tư cách là nhà báo chính thức. Phần lớn người Mỹ yêu Cigar muốn đến đây có thể gặp nhiều khó khăn, vì luật pháp vẫn chưa cho phép người Mỹ đến Cuba với mục đích du lịch…
Một góc phố Havana.
Tôi chọn Hotel Capri khi sống tại Havana, cách Hotel Nacional một khối nhà, điểm lảng vảng ưa thích của tên cướp khét tiếng Meyer Lansky, và gần các tiệm Cigar và các nhà máy cuốn Cigar nổi tiếng khác, cũng như các hộp đêm chìm trong rum của Havana Club và nhạc Afro-Cuba. Khách sạn Capri, điều hành bởi Tập đoàn Khách sạn NH của Tây Ban Nha, có kết nối internet, dù dịch vụ ở đây tệ đến mức đêm cuối cùng tôi đã phải chuyển sang một nơi yên tĩnh hơn, giường và bữa sáng do gia đình chuẩn bị, nhưng hóa ra lại thiếu Internet và các tiện nghi khác trầm trọng..
Những người hút Cigar, hoặc thực tế là người hút thuốc nói chung, yêu thích sự tự do hiếm có ở Cuba, được tùy nghi châm thuốc ở bất cứ nhà hàng hay quán bar nào, điều mà bây giờ ở Bắc Mỹ hay châu Âu đều khó có thể nghĩ tới. Đêm đầu tiên, sau khi thưởng thức món risotto hải sản ngon miệng trên ban công của Café Laurent, một quán ăn gia đình nhìn ra Malecón, cậu bồi bàn liếc nhìn hộp Montecristo No.2 tôi mới mua đặt trên bàn. Tôi đã định hút trong lúc đi dạo sau ăn. Nhưng chỉ một lúc sau, Cigar của tôi đã được cắt - nhờ cậu bồi bàn hiếu khách kia - và với đầu thuốc cháy đỏ, tôi nhìn ra phía chân trời Havana. Phong cảnh thu vào cả tòa nhà cao nhất thành phố, tòa Focsa, một tòa nhà dân cư- thương mại cao tầng, với một tầng hầm có bể bơi khổng lồ cạn nước trong một đêm oi ả như đêm nay.
Tôi thưởng thức mùi hương ngậy của Cigar, hay nên gọi là puro, ngạc nhiên trước sự hoàn hảo của khoảnh khắc này: Đèn thành thị và nhạc rumba vang vọng từ những con phố. Kể cả những người không hút Cigar cũng phải công nhận rằng có nét lãng mạn kiểu Havana bao phủ hòn đảo này. Người Cuba thực sự quý trọng Cigar. Những tác phẩm của nhà thơ Cuba quá cố Heberto Padilla từng được so sánh với điếu Cigar tuyệt vời; cân bằng, đầy đủ hương vị và êm đềm.
Ca từ như vậy đã truyền cảm hứng cho Cigar Padilla 1968 Golden Bear cigar, một hương vị trần tục dành tặng cho nhà thơ. Nó mang tên 1968 Series vì đó là năm ông Padilla xuất bản tuyển tập “Fuera del Juego” (“Thoát khỏi trò chơi”). Những kẻ hút Cigar nghiệp dư có thể nhầm hình minh họa màu đỏ và vàng của băng Cigar khó kiếm này là hình vương miện, nhưng những người yêu thích đều biết thực chất nó là ngòi bút mực của nhà thơ.
Sự hoài cổ Cigar ngập khắp Cuba, và tôi gần như không gặp được ai háo hức chia sẻ hơn Michael Phillips, một người Brito đã chuyển đến Havana 25 năm trước để dạy tiếng Anh. Ông là một thành viên tận tụy của CLB Yêu Cigar của thành phố, hội viên - các chính trị gia nước ngoài và doanh nhân - gặp gỡ hàng tháng để ăn tối, hút Cigar và nói chuyện. Ngồi trong phòng khách rộng rãi của căn hộ ở khu được nâng cấp Miramar, nơi phần lớn các quan chức cấp cao của thành phố sinh sống, ông Phillips rót Cognac và mang ra một khay các điếu Cigar không có nhãn, từ các điếu Corona ngắn đến điếu Churchills dài hơn, điếu Habanos rám màu cho tới điếu Maduro tối màu hơn. Ông cười khi nhìn thấy điếu tôi chọn, điếu thuốc có hình kim tự tháp và màu quả óc chó.
“Đừng hỏi tôi điếu thuốc này đến từ đâu”, ông nói một cách tinh nghịch, “vì tôi không thể nói cho anh được đâu”.
Sau nhiều lượt trêu chọc, ông Phillips giải thích thực đơn Cigar không có nhãn đáng ngờ của mình: “Những người cuốn thuốc trong xưởng có chỉ tiêu nhất định, nhưng rất nhiều phụ nữ tìm ra cách để lấy thêm vài điếu nữa. Vậy nên họ cuốn thuốc 8 tiếng tại xưởng, rồi về nhà và cuốn tiếp 2 tiếng nữa”.
Tại Cuba, những người hút loại Cigar hảo hạng nhất thường là khách du lịch như tôi hay doanh nhân nước ngoài. Hầu hết người Cuba chỉ có mức lương ít hơn 20 USD một tháng, không có khả năng mua loại Cigar cuốn tay chất lượng xuất khẩu. Người Cuba hút loại Cigar địa phương, vốn không ngon bằng.
Những người hút Cigar một cách nghiêm túc sử dụng thứ ngôn ngữ đầy chất thơ như những kẻ sành rượu, họ dung những từ như “cay nồng” hay “béo ngậy” khi nói về vị “mật ong”, “cacao” và “quế”.
Ước tính có từ 5 đến 8 triệu điếu Cigar Cuba đến tay người Mỹ hàng năm thong qua các đất nước Canada, Thụy Điển, Úc và Mexico. Hầu hết chuyên gia đồng tình rằng việc xóa bỏ lệnh trừng phạt thương mại còn cách khá xa việc có thể mở cửa bán lẻ giữa Hoa Kỳ và Cuba. Việc này có thể sẽ mất khá nhiều năm.
Văn hóa Cigar Cuba thì tất nhiên không thể xuất khẩu được.
Vào ngày cuối cùng của tôi ở Havana, tôi đi ngang khách sạn Conde de Villanueva, được mệnh danh là Nhà nghỉ Cigar. Mỗi một căn trong số chín phòng khách đều được đặt tên theo một nông trại thuốc lá. Một biệt thự lộng lẫy từ thế kỷ 18 với những khung cửa sổ lắp kính màu với của hàng Cigar hảo hạng bên trong, cùng phòng dành cho người hút thuốc. Trên một bức tường có dán nhiều bức ảnh của những người nổi tiếng đang hút Cigar (như Demi Moore, Denzel Washington, Groucho Marx, Ernest Hemingway, Winston Churchill và Sigmund Freud). Khách sạn này được bao quanh bởi các cửa tiệm bán đủ các mặt hàng từ sô cô la đến nước hoa.
Đi sâu vào khu phố cổ Havana, tôi tìm một chỗ ngồi yên tĩnh bên dưới một quầy bar ngoài trời. Thật là một chỗ tuyệt với để thư giãn, lắng nghe âm thanh điệu rumba từ phía xa vọng lại, ngắm nhìn những chiếc xe hơi cổ chạy dọc phố. Tôi gọi một ly mojito, và thắp điếu Cigar cuối cùng của mình ở Cuba.